ThS. Lê Trường An cho rằng, giáo viên đủ sống với nghề là câu chuyện mà ngành giáo dục phải có giải pháp càng sớm càng tốt. (Ảnh: NVCC) |
Đã nhiều lần tôi đọc được ý kiến phụ huynh chia sẻ rằng, mỗi lần đón con từ trường về nhà sẽ hỏi hôm nay con đi học có vui không, thay vì điểm số bao nhiêu. Nhưng có bao nhiêu phụ huynh làm điều này?
Đi học có vui không là vấn đề rất quan trọng trong giáo dục nhưng ít ai quan tâm, đa số chỉ nghĩ tới thứ vị, điểm số, thành tích của học sinh, trường lớp, giáo viên.
Tất nhiên, học hành, thi cử và điểm số là điều hiển nhiên. Và thành tích tốt trong học tập, giảng dạy chính là thước đo mang tính định lượng để đánh giá kết quả giáo dục đào tạo.
Nhưng nếu chỉ nghĩ đến thành tích, quá nặng điểm số sẽ khiến cả ngành giáo dục phải chạy đua, học trò thay vì đi học để rèn luyện bản thân, để lĩnh hội kiến thức thì lại trở thành những chú “gà chọi”, suốt ngày bị áp lực điểm số, thi cử.
Thực ra, khi đưa ra những chỉ tiêu đánh giá thành tích dạy học quá cao, cả giáo viên cũng căng thẳng. Họ bị áp lực nhiều thứ, phải thi thố không kém học trò khiến chất lượng dành cho bài giảng, giáo án giảm đi. Có giáo viên đã phải cảm thán: làm như thầy cô giáo là siêu nhân vậy. Trong khi đó, lương của giáo viên vẫn thấp dù đây là vấn đề được quan tâm - là mấu chốt của việc người thầy trụ lại với nghề trong niềm hoan hỉ, hết mình cống hiến.
Một thông tin vừa được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội vào chiều 30/9 khiến nhiều người trăn trở: trong năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Lý do vẫn là thu nhập của nghề giáo không đủ trang trải cuộc sống khi giá cả vẫn tăng lên mỗi tháng mỗi năm.
Để tốt nghiệp ngành Sư phạm, dù không tốn học phí nhưng sinh viên cũng tốn nhiều khoản khác, nên khi chọn ngành, không ai muốn bỏ nghề. Nhưng “có thực mới vực được đạo”, người thầy chẳng thể nào yên tâm công tác, vui vẻ đứng lớp khi tài chính gia đình đang gặp khó khăn.
Hạnh phúc của người thầy vì thế phần nào có điều kiện cần từ thu nhập hàng tháng, bên cạnh tình yêu nghề. Thu nhập đã thấp mà còn phải gánh quá nhiều yêu cầu từ công việc, ngoài chính khóa còn ngoại khóa (có khi chiếm thời gian tương tự), cùng vô số áp lực vô hình khác từ phụ huynh, học sinh.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Lan và các bạn nữ lớp 4A6 trường Tiểu học Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Lan) |
Làm việc với con người, là những kỹ sư tâm hồn nhưng không dám rầy la hoặc có một vài biện pháp để răn đe bởi bất kỳ hình thức dạy dỗ nào hơi rắn cũng đều cấm kỵ. Nhiều giáo viên đã buông tay vì bất lực. Thực tế, nhiều phụ huynh khi dạy dỗ con cái mình, một kèm một có khi còn mệt mỏi, huống hồ giáo viên phải quản lý, giáo dưỡng số lượng hàng chục em trong những độ tuổi mà tính kỷ luật chưa cao, đôi khi nổi loạn.
“Trên đe, dưới búa” là những gì người thầy đang phải chịu áp lực, lẽ nên cần được nhận về phần lương đủ sống thì họ lại chịu thêm áp lực về tài chính. Đây là cái khó khiến giáo viên khó có thể lúc nào cũng làm tròn vai của mình với một tâm thế hạnh phúc. "Đặt hàng" giáo viên đủ sống với nghề là câu chuyện mà ngành giáo dục phải có giải pháp càng sớm càng tốt.
Ở phía ngược lại, phụ huynh và học sinh cũng chịu áp lực tiền học, tiền trường cùng nhiều khoản thu “tự nguyện trong tinh thần bắt buộc” khác. Đầu năm học mới, dư luận rộ lên việc loạn thu phí ở chốn học đường mà các khoản thu này từ đầu mối hội phụ huynh học sinh.
Muôn chuyện lại quay về chỗ tiền bạc khiến phụ huynh phiền não, thúc ép con mình phải học cho xứng với chi phí bỏ ra, đòi hỏi giáo viên cũng phải tận tâm tương ứng với những khoản đóng cho nhà trường.
Ai cũng có lý do để yêu cầu, mong muốn, đến mức mâu thuẫn lẫn nhau trong việc dạy và học. Cuối cùng ai cũng mệt mỏi trên đường đua giáo dục, khiến mọi chuyện luôn "rối ren như canh hẹ" mỗi khi bàn tới.
Lại thêm những đề nghị, minh bạch các khoản thu, làm sao để hợp lý và hiệu quả; giảm tải chương trình để học sinh không phải là “gà chọi” đáp ứng chuyện thi và điểm số; để giáo viên tập trung nghiên cứu, giảng dạy nhiều hơn công việc ngoại khóa và cũng đừng áp đặt thành tích một cách cứng nhắc lên họ… Nhưng làm sao để thay đổi để cả thầy và trò đều có được niềm vui đến lớp?
Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần có cơ chế chính sách phù hợp để những mâu thuẫn nội tại kể trên sớm giải quyết. Mong lắm trường học hạnh phúc, ở đó, giáo viên ai cũng đủ sống, không phải cân nhắc bỏ nghề hoặc mệt mỏi vì quá nhiều áp lực. Học sinh đến lớp cũng không phải chạy đua điểm số mà được học nhiều kỹ năng sống thực tế, phát triển đúng với năng khiếu, năng lực. Tiền trường không loạn thu dưới nhiều “lớp vỏ” khiến phụ huynh ca thán, nhất là học sinh nghèo phải lăn tăn “không biết lấy tiền đâu đi học” mỗi ngày…
| Nhà giáo nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú là ai? Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), vừa được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm ... |
| Bất ngờ với mức học phí của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch vừa công bố mức đóng học phí năm 2022. Ngành có học phí cao nhất lên tới 190 ... |
| Vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội là 1 trong 10 người được vinh danh công dân Thủ đô ... |
| TS. Cù Văn Trung: Để 'thổi làn gió mới' cho chất lượng giáo dục, yếu tố dân chủ là then chốt Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đào tạo giáo ... |
| 'Cần nhiều hệ quy chiếu khác nhau để giáo dục trẻ' 'Cha mẹ không cần phải làm bách khoa toàn thư để cho con tất cả câu trả lời nhưng cần đóng vai trò là một ... |