📞

TS. Nguyễn Quốc Việt: Hậu Covid-19, cần rốt ráo phát triển kinh tế xanh

Linh Chi 14:10 | 09/08/2022
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, không thâm dụng tài nguyên và lao động. Giờ là thời điểm Việt Nam cần rốt ráo chuyển đổi sang kinh tế xanh để phát triển bền vững.

Kinh tế xanh là khái niệm đã trở nên quen thuộc với các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế. Đây xu hướng tất yếu và rõ ràng, tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam để có thể thúc đẩy tăng trưởng, giúp quốc gia vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR). (Ảnh: NVCC)

Rất nhiều tiềm năng

Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể.

Tại hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam về việc sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Qua đó, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Đồng thời, Việt Nam chủ trương kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, bền vững.

Chia sẻ với TG&VN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, không thâm dụng tài nguyên và lao động.

Khi đại dịch đang vào guồng kiểm soát, giờ là lúc Chính phủ nên thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh thực chất để đảm bảo an ninh năng lượng và giúp Việt Nam giảm các cú sốc do những bất ổn trong tương lai.

Về mặt bằng, chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam có khả năng tham gia vào lao động chất lượng cao, đặc biệt là lao động chất xám tương đối tốt so với các nước trong khu vực.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi có nguồn lao động phong phú, chất lượng. Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được điều kiện này.

Thực tế, các hiệp hội doanh nghiệp ở châu Âu, Mỹ đều đang “nhòm ngó” vào thị trường năng lượng xanh của Việt Nam. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong chuyển đổi xanh.

Ngược lại, người dân Việt Nam cũng có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp cận, tiêu thụ những sản phẩm tiêu dùng xanh, sạch hơn.

Thế mạnh tiếp theo là nông nghiệp. Phó Viện trưởng VEPR nhận thấy, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về thị trường sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn của các thị trường khó tính.

Giờ là thời điểm Việt Nam cần rốt ráo chuyển đổi sang kinh tế xanh để phát triển bền vững. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Để phát triển tăng trưởng xanh thực chất

Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự bùng phát đại dịch Covid-19, kinh tế-xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc, làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, TS. Nguyễn Quốc Việt cho hay, khi đại dịch đang vào guồng kiểm soát, giờ là lúc Chính phủ nên thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh thực chất để đảm bảo an ninh năng lượng và giúp Việt Nam giảm các cú sốc do những bất ổn trong tương lai.

Để đạt được kế hoạch này, về phía Chính phủ, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, những chương trình, chiến lược, giải pháp chính sách hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên là hướng đi đúng, chủ trương đúng. Tuy nhiên, phải hết sức cẩn trọng trong việc từ chủ trương, chiến lược, ý thức đến chính sách, các chương trình thực hiện có sự can thiệp của Nhà nước.

Nhà nước chỉ tạo khung khổ luật lệ, tạo cơ chế, hướng dẫn cho các chủ thể trong xã hội tự vận hành, tự phát triển theo xu hướng mà Nhà nước mong muốn.

Về các chính sách, giải pháp, biện pháp can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, trước hết, Chính phủ phải tính toán nghiên cứu kỹ lưỡng về tính khả thi, có phù hợp hay không. Đồng thời, cần phải có những định hướng để phát triển theo, bắt nhịp cũng như tận dụng được những cơ hội quốc tế mà thị trường thực tiễn đặt ra và phát triển sao cho phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, để đầu tư cho sản phẩm xanh, sạch, tuần hoàn, vấn đề quan trọng nhất là đầu ra cho các sản phẩm này.

Đơn cử như 1kg cà phê, cacao hay điều sản xuất theo phương pháp xanh thì chi phí sẽ cao gấp rưỡi sản phẩm thông thường. Vậy làm thế nào để tạo cơ chế minh bạch, rõ ràng để các sản phẩm xanh đến được với người tiêu dùng?

Phó Viện trưởng VEPR gợi ý, Chính phủ có thể trợ giá tiêu dùng cho sản phẩm xanh, giúp quảng bá rộng rãi sản phẩm xanh, từ đó, tạo thói quen tiêu dùng cho người dân.

Thêm vào đó, thay vì có các chính sách hỗ trợ đơn ngành hoặc nhóm doanh nghiệp, Chính phủ nên có biện pháp hỗ trợ từ chính sách thuế, phí đến hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, quản trị để doanh nghiệp phát triển các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.

Các chính sách này cần hướng tới chuỗi sản xuất, giá trị xanh, sạch, bền vững và vì cộng đồng. Từ đó, hướng dần tới các mô hình kinh tế tuần hoàn, không phát thải khí CO2.

Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất còn giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được những tấm “vé thông hành” là các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

TS. Việt cũng thông tin, theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng thế giới (WB), để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến, Việt nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%, 70% còn lại từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.

Do đó, sự tham gia nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất là điều cần thiết để Việt Nam phát triển kinh tế xanh.

Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất còn giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được những tấm “vé thông hành” là các chứng chỉ xanh, tiêu chuẩn quốc tế để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và hưởng thuế suất ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đang có.

Phó Viện trưởng VEPR nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp cần coi việc chuyển đổi, thực hành kinh doanh, sản xuất xanh là trách nghiệp xã hội. Doanh nghiệp cần phải có nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dành nguồn lực vốn đáng kể cho quy trình sản xuất xanh.

Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình xanh, sạch, hữu cơ, đồng thời cam kết đầu ra theo chuỗi giá trị. Điều này vừa đảm bảo được nguồn cung bền vững, vừa là thực hành trách nhiệm với cộng đồng và địa phương.

Nếu làm tốt những vấn đề trên, doanh nghiệp sẽ là mắt xích vững chắc để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng xanh".