TS. Nguyễn Thị Hiệp. |
Những năm vừa qua, chị liên tục nhận được các giải thưởng khoa học danh giá trong nước và quốc tế. Để bắt nhịp với các nhà khoa học quốc tế, theo chị, nhà khoa học Việt Nam cần những yếu tố gì?
Tôi nghĩ, một phần mình may mắn, bởi những người bạn đồng trang lứa, cộng sự cũng đam mê, nhiệt huyết trong nghiên cứu. Vì lý do nào đó, họ chưa được ghi nhận, vinh danh, chưa có cơ hội để đạt giải thưởng.
Để bắt nhịp với các nhà khoa học quốc tế, theo tôi điều đầu tiên cần là những chính sách đãi ngộ đối với người làm khoa học. Đồng thời, họ phải được Nhà nước đề ra các chủ đề, tránh tình trạng có nghiên cứu nhưng sẽ không đi đâu về đâu.
Là người đam mê nghiên cứu khoa học, chị thường gặp những khó khăn gì và chị đã vượt qua thế nào?
Khó khăn đầu tiên tôi gặp phải cũng giống như nhiều nhà khoa học trẻ khác khi về nước, đó là vấn đề kinh phí. Thứ hai, phụ nữ làm khoa học cũng có những cản trở như còn phải lo chu toàn chuyện gia đình, con cái.
Tôi trở về nước với hai bàn tay trắng, phòng thí nghiệm được bắt đầu với “3 không”: không dự án, không thiết bị, không tài trợ. Thiết bị đầu tiên tôi làm thí nghiệm là lò vi sóng để hâm thức ăn. Năm đầu tiên cực kỳ vất vả, không có gì để làm, không xin được đề tài, người ta không tin và không hiểu mình làm gì vì chuyên ngành y học tái tạo còn quá mới mẻ tại Việt Nam.
Nói thật, khi ấy, tôi chẳng có gì ngoài ý chí bởi trước mắt là một hành trình đầy ẩn số. Tôi luôn quyết tâm, tự động viên mình để không chùn bước trước khó khăn. Tôi phải xây dựng lại từ đầu, tất cả là con số 0 và vốn liếng duy nhất là con người nhưng tôi chấp nhận tất cả để ở lại quê nhà.
Thường thì khi làm công việc gì cũng vậy, đôi khi khó khăn sẽ làm ta nản lòng nhưng với nghiên cứu khoa học, nếu nản sẽ thất bại. Để nghiên cứu khoa học thành công, chắc chắn mỗi người phải có đam mê và luôn cố gắng vượt qua thác ghềnh.
TS. Nguyễn Thị Hiệp. |
Hẳn chị còn nhiều trăn trở và dự định trong tương lai?
Lúc tuổi thơ, tôi đã có suy nghĩ tạo ra những sản phẩm y tế từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để đưa đến tận tay người dùng.
Tuy nhiên, trăn trở đầu tiên mà tôi đang gặp phải là giấy phép về sản phẩm y tế còn rất mơ hồ, quy trình đăng ký giấy tờ còn khó khăn. Thứ hai, sự quan tâm của giới trẻ về khoa học còn ít.
Tôi hy vọng Nhà nước, các đơn vị cấp kinh phí quan tâm giúp tôi có thêm các nghiên cứu sâu hơn về sinh học và các thí nghiệm trên động vật cũng như trên bệnh nhân nhằm đưa sản phẩm ra thị trường cho người Việt.
Được biết chị từng từ chối mức lương “khủng” ở Hàn Quốc để trở về Việt Nam mở phòng thí nghiêm y học tái tạo. Đã bao giờ chị nghĩ, mình có thể thành công và gặt hái được nhiều giải thưởng như vậy?
Khi trở về nước, tôi muốn đem tri thức của mình về để làm, để tạo ra những sản phẩm ứng dụng cho người dân, cho nước mình. Tôi đi thực tế ở nhiều bệnh viện để tìm hiểu nhu cầu, nghiên cứu làm cái gì đó để tạo ra sản phẩm có ích chứ không nghĩ làm với mục đích có giải thưởng. Thật lòng tôi luôn mơ ước tới những biên giới mới của khoa học.
Từ trải nghiệm của bản thân, chị có lời khuyên nào đến với các bạn trẻ làm khoa học?
Thực tế, người ra đi thường rất ít khi quay trở về cũng dễ hiểu bởi câu chuyện trở về là sự hy sinh. Hồi mới về Việt Nam, tôi vừa phải đi dạy, vừa kiếm tiền, viết báo, hướng dẫn sinh viên, vào bệnh viện liên hệ để làm nghiên cứu…
Tôi nhận thấy, môi trường ở Việt Nam còn rất nhiều chủ đề để làm nghiên cứu, cần giải quyết, chứ không nhất thiết phải ra nước ngoài mới có chủ đề. Ở đây, làm nghiên cứu để tôi được thỏa niềm đam mê, trả lời được những câu hỏi bằng những thí nghiệm, bằng thực tiễn ở đất nước chứ không phải làm ra sản phẩm theo hoạch định của một ông giáo sư nước ngoài nào đó.
Tôi mong giới trẻ hãy cố gắng hết mình, học hỏi, tìm hiểu về khoa học công nghệ để tạo ra những tài sản trí tuệ không chỉ cho riêng mình, cho quốc gia mà còn các công trình có ích cho nhân loại.
Tôi thường nói với sinh viên: con đường học nói chung và con đường khoa học nói riêng là con đường khai sáng bản thân cũng như khai sáng cả dân tộc. Khi ra đấu trường quốc tế, khi “đem chuông đi đánh xứ người”, mình phải có tiếng nói, nói thuyết phục thì người ta mới nghe.
Nhìn chung, làm khoa học, mỗi khi khó khăn, mình không được đầu hàng, ngược lại phải rất bền lòng, bền chí, vững tay chèo để lái con thuyền của mình đi đúng hướng.
Xin cảm ơn chị!
Năm 2018, TS. Nguyễn Thị Hiệp nhận Giải thưởng tài năng trẻ quốc tế L’Oréal – UNESCO. Tháng 6/2019, đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019 với công trình Keo thông minh trong điều trị lành thương. TS. Hiệp có 107 công trình khoa học, trong đó có 2 chương sách chuyên khảo, 50 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc ISI, 6 bài trên các tạp chí quốc tế khác, 10 bài trên các tạp chí trong nước, hơn 35 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế và 4 sáng chế… Được Asian Scientist bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019. |