Nhỏ Bình thường Lớn

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh: 'Tôi cũng từng rơi vào trầm cảm...'

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ, 'thứ cứu vớt tôi vào những thời điểm mong manh và đen tối, đó là suy nghĩ: tôi vẫn còn có một việc gì đó cần phải hoàn thành trong cuộc sống này...'.
Tôi cũng từng rơi vào trầm cảm
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh đã chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình liên quan đến việc trầm cảm ở người trẻ.

Từng nhiều lần rơi vào trạng thái trầm cảm

Hồi còn nhỏ, tôi cũng có lần muốn tự tử. Vào cái tuổi mà trí tưởng tượng có xu hướng thổi phồng mọi việc, với một đứa trẻ nhạy cảm quá mức như tôi, thì ngay cả một tổn thương nhỏ cũng có thể trở nên trầm trọng.

Tôi đã vùi vào thế giới riêng của mình, từ chối mọi sự quan tâm, đóng kín mình lại trong suốt một thời gian dài. Nhưng rồi, mọi việc cũng qua, đương nhiên thật may mắn là tôi vẫn sống.

Lúc trưởng thành, tôi cũng nhiều lần rơi vào trạng thái trầm cảm và muốn tìm đến cái chết để rũ bỏ mọi thứ. Có những giai đoạn mà cuộc sống đột nhiên đứt gãy, như thể ta đang đi trên đất bằng, tự nhiên mặt đất dường như nứt ra và chao đảo.

Tôi cảm thấy mình như thể bước hụt và rơi vào hư không, tuyệt vọng và hoang mang không biết dựa vào đâu, thoát ra bằng cách nào, cảm thấy mình hoàn toàn cô độc và chỉ muốn chấm dứt tất cả những đau khổ và gánh nặng mà mình phải mang.

Những lúc ấy, cuộc sống của tôi trở nên mất hết màu sắc. Tôi thấy mình hoàn toàn không có giá trị, mọi cố gắng của mình trở nên vô nghĩa, không ai có thể hiểu mình, không một bàn tay nào có thể nâng đỡ mình, không có bất cứ điều gì chờ đợi mình phía trước. Tôi đã từng một mình vật lộn trong bóng tối đó của chính mình, rồi tôi vẫn... sống.

Cuộc đời không phải bao giờ cũng màu hồng. Trong con người bao giờ cũng có một phần bóng tối, cái động lực hướng về phía hư vô, phía sự chết, phía sự nghỉ ngơi và buông bỏ hoàn toàn, đó là cái mà nhà tâm lý học Freud gọi là "bản năng chết".

Bóng tối ấy luôn có mặt trong ta, sẽ bao phủ vào những thời điểm mà chúng ta yếu đuối nhất, dễ bị tổn thương nhất, vào lúc mà cuộc sống bên ngoài ta trở nên áp lực nhất.

Khi bên trong ta vững vàng, bình an, những biến cố bên ngoài chỉ làm tăng thêm động lực và ý chí, nhưng khi bên trong ta đang khủng hoảng, đổ vỡ, thì một biến cố bên ngoài, dù nhỏ, cũng như một giọt nước tràn ly.

Tôi tự quan sát thấy, cơ thể cũng như cuộc đời của con người có những chu kì của nó, giống như một cái cây, đến thời điểm phải mọc chồi, thay lá, ra hoa.

Có những thời điểm mà ta luôn cảm thấy mình dồi dào năng lượng và nhiệt tình với cuộc sống, nhưng cũng có những thời điểm dù cuộc sống xung quanh không thay đổi, ta vẫn cứ cảm thấy chênh vênh, trống trải, chán nản, hoài nghi.

Hiểu được quy luật này, ta sẽ chấp nhận sự khủng hoảng và cái chết. Bởi vậy, đối diện với nó một cách bình tĩnh vì nếu biết vượt qua thung lũng đó, cuộc sống của ta sẽ bước sang trang mới.

Những áp lực vô hình

Tôi cũng tự quan sát thấy, có lẽ điều khủng khiếp nhất dẫn đến sự đổ vỡ bên trong mỗi con người là cảm giác thiếu sự yêu thương và cảm thông, cảm giác cuộc sống của mình không còn ý nghĩa, cảm giác mình không có bất cứ giá trị gì.

Không phải những biến cố bên ngoài, sự đổ vỡ bên trong ấy mới chính là cái làm ta suy sụp. Ta có thể vượt qua áp lực công việc, sự thiếu thốn về vật chất, sự thất bại... Nhưng đôi khi, ta không vượt qua được một ánh mắt phán xét, một lời nói chỉ trích, một sự im lặng kéo dài, một lời buộc tội, một mối quan hệ lạnh nhạt, một nỗi đau mất mát.

Những áp lực vô hình ấy đôi khi bóp nghẹt cuộc sống của ta, ném ta về phía bóng tối của sự đau khổ, dằn vặt, khiến cho ta mất hết niềm tin vào giá trị của bản thân, vào ý nghĩa của những việc mình làm, vào người khác.

Tôi cũng từng có ý định tự tử
Trẻ đang phải chịu nhiều áp lực. (Nguồn: Internet)

Tình yêu của tôi vẫn tồn tại

Làm thế nào mà dù nhiều lần muốn buông bỏ, rút cục tôi vẫn sống? Có lẽ, thứ cứu vớt tôi vào những thời điểm mong manh và đen tối đó là suy nghĩ: tôi vẫn còn có một việc gì đó cần phải hoàn thành trong cuộc sống này, không phải do bất kì đòi hỏi của ai, bởi vì đó là sự thôi thúc trong tôi, bởi tình yêu của tôi vẫn còn tồn tại.

Thật may, sự hiện diện của con cái, những đứa con mà tôi yêu hơn cả bản thân mình, những đứa con mà mỗi lần chúng ốm, tôi có thể thức đêm ròng rã mà không biết mệt, đã kéo tôi trở lại.

Khi ôm con trong tay, lúc chúng còn bé bỏng, tôi như được kéo về phía ánh sáng. Vì sao những đứa trẻ lại có sức mạnh cứu rỗi và chữa lành diệu kì như vậy? Bởi vì chúng đã yêu và tin tưởng tôi một cách vô điều kiện, bởi chúng luôn ở bên cạnh tôi, không phán xét, không đòi hỏi tôi phải hoàn hảo.

Bởi vì chúng chấp nhận tôi như là tôi vốn có, bởi vì chúng cần tôi hơn bất cứ ai, bởi vì chúng nhìn tôi với một ánh mắt ngây thơ nhưng chăm chú, đầy lòng cảm thông. Bởi vì, chúng chạm vào tôi bằng một bàn tay có phép màu xoa dịu và chữa lành, như thể muốn nói với tôi rằng: Con ở đây, bên cạnh mẹ!

Chính tình yêu vô điều kiện của những sinh vật hoàn toàn chẳng biết gì về đạo đức đó đã luôn kéo tôi trở lại, phía ánh sáng.

Tôi đã quá sợ hãi áp lực của thành công, những lời đưa đẩy xã giao hay phán xét về đạo đức. Cái mà tôi cần duy nhất, lúc ở trong bóng tối, là một bàn tay xoa dịu trong sự im lặng thuần khiết đó, là cái ôm vô điều kiện đó.

Sợi dây mong manh nhưng bền chặt nối ta với sự sống, trong lúc, ở đầu bên kia, cái chết luôn vẫy gọi, chính là tình yêu vô điều kiện đó, chỉ có nó mà thôi. Chính nó cho ta biết là ta có giá trị, có nơi để trở về, có việc để làm và tiếp tục can đảm sống.

Học sinh Hà Nội được nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 mấy ngày?

Học sinh Hà Nội được nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 mấy ngày?

Trong hai dịp nghỉ lễ, học sinh Hà Nội được nghỉ nhiều nhất 7 ngày (gồm 3 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 4 ...

Giới trẻ 'phải lòng' mạng xã hội, trách nhiệm của cha mẹ đến đâu?

Giới trẻ 'phải lòng' mạng xã hội, trách nhiệm của cha mẹ đến đâu?

Đam mê mạng xã hội là một hiện tượng có thực ở giới trẻ. Vì quá đam mê mạng xã hội, người trẻ dành phần ...