TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, chất lượng của các điểm đến du lịch của Việt Nam cũng đang chịu sự biến đổi tích cực. (Ảnh: NVCC) |
Từ những chính sách tạo thuận lợi của Chính phủ, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Bức tranh du lịch Việt Nam trong năm vừa qua thế nào dưới góc nhìn của anh?
Sau một khởi đầu lại hậu Covid-19 không mấy thuận lợi dù bắt nhịp khá sớm về thời gian mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam với thế giới, nhiều kỳ vọng dồn vào cho năm nay (2023) dù bức tranh kinh tế chung không sáng sủa.
Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu là đón 8 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, đến tháng 8/2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 7,8 triệu lượt người, gần đạt mục tiêu đặt ra.
Số liệu của ngành du lịch tiếp tục cho thấy, quý 4 có nhiều khởi sắc: Đến tháng 9/2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,9 triệu lượt người, tiếp tục vượt mục tiêu đặt ra. Theo thông lệ nhiều năm, khách quốc tế đến Việt Nam vào mùa cao điểm sẽ từ tháng 10 năm nay sang tháng 4 năm sau.
Do đó, việc tăng chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lượt người lên 12 đến 13 triệu lượt người, gấp 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là hoàn toàn có căn cứ và khả thi.
Theo Cục Du lịch quốc gia, có 4 cơ sở để tăng mục tiêu đón 12 đến 13 triệu khách quốc tế năm 2023. Thứ nhất, chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới, trong đó thời hạn thị thực điện tử được nâng lên từ 30 đến 90 ngày có hiệu lực từ 15/8/2023. Thứ hai, chính sách đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam với khu vực và thế giới ngày càng hiệu quả. Thứ ba, chủ trương chấn hưng văn hóa với các di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, hấp dẫn khách quốc tế.
Các thị trường lớn đã mở cửa trở lại và phục hồi, cũng là các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ đem lại nguồn khách lớn. Tính đến tháng 11 năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tháng 12 có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn hứa hẹn tạo sự đột phá cho du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu mới. Trong tổng số hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 9,8 triệu lượt người, chiếm 87,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1,3 triệu lượt người, chiếm 11,9% và gấp 4,1 lần; bằng đường biển đạt 87,9 nghìn lượt người, chiếm 0,8% và gấp 102,8 lần. Top 10 thị trường khách quốc tế tới Việt Nam năm 2023 cũng có những thay đổi so với trước dịch Covid-19.
Năm 2019, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, sau đó mới đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc); Nga, Anh, Pháp cũng là những nước có số lượt khách đến Việt Nam nằm trong top cao. Tuy nhiên, 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Australia, Ấn Độ. Tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở châu Âu sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng lớn đến việc đi du lịch của nhóm khách hàng khu vực này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức?
Theo tôi, bên cạnh những khởi sắc, ngành du lịch Việt Nam chưa thể hoàn toàn tự tin vì một số lý do.
Ở thị trường quốc tế, thị trường khách Nga và châu Âu chưa có dấu hiệu phục hồi hay hào hứng trở lại như trước dịch.
Trong khi đó, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất của Việt Nam vẫn khó nắm bắt do chưa có sự ổn định trong thực thi chính sách cửa khẩu và các chính sách vĩ mô khuyến khích cư dân đi du lịch nước ngoài.
Hàn Quốc hiện đứng đầu thị trường khách inbound của Việt Nam nhưng bài toán về thu nhập trực tiếp và thu nhập xã hội từ thị trường này còn cần nhiều lời giải do cách thức làm du lịch outbound của họ khó đạt được sự chia sẻ lợi ích công bằng với các quốc gia - điểm đến và các cộng đồng địa phương; các thị trường quốc tế khác còn bấp bênh...
Thị trường nội địa còn gặp khó do hoạt động doanh nghiệp, thu nhập cá nhân giảm, lạm phát nhẹ... từ đó, sức mua du lịch bị thách thức, người dân có xu hướng tiết kiệm, giữ tiền, vàng nhiều mà không đầu tư, không chi tiêu gì đáng kể.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch mà cầu nối chính là các doanh nghiêp lữ hành (TO/TA) có xu hướng co cụm, hoạt động manh mún, cạnh tranh giá hơn là chất lượng; gặp khó do phải đương đầu với các OTA (đơn vị bán tour online), bị động trước sự chủ động khai thác khách với chính sách giá "tận thu" của các hãng hàng không có hoặc không liên kết với các điểm đến, các đơn vị cung ứng dịch vụ tại điểm đến. Bản thân các TO/TA lại thiếu kết nối, hình thành các liên minh mạnh, thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ chính sách hay hợp tác trong ngành/ liên ngành.
Khách du lịch trải nghiệm thú vị tại Bà nà Hills. (Ảnh: Đặng Hường) |
Để trở thành "điểm đến du lịch chất lượng", mang đến trải nghiệm độc đáo và đa dạng trong sự phát triển du lịch bền vững, theo anh cần có những chiến lược gì?
Chất lượng của các điểm đến du lịch đã trải qua sự biến đổi đáng kể trong những năm gần đây. Sự phát triển công nghệ, mạng xã hội và ý thức về bảo vệ môi trường đều ảnh hưởng đến cách người ta đánh giá và lựa chọn điểm đến.
Người dùng, thông qua cách đánh giá trực tuyến và chia sẻ trải nghiệm, đã trở thành yếu tố quan trọng cần được chăm sóc để hướng đến bảo đảm, gia tăng và nâng cấp chất lượng phục vụ.
Đồng thời, nhu cầu trải nghiệm du lịch bền vững, gần gũi với địa phương cũng gia tăng. Các điểm đến cần đặc biệt coi trọng điều này để có hướng đi đúng nhằm đạt được những tiêu chí du lịch chất lượng cao.
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy các thành phố lớn như Paris và Tokyo chú trọng cải thiện trải nghiệm du lịch bằng cách tăng cường giao thông công cộng, giảm ô nhiễm, khuyến khích du khách tham gia các hoạt động gắn kết với cộng đồng địa phương.
Iceland và New Zealand thì thu hút du khách nhờ cảnh đẹp thiên nhiên độc đáo và cam kết bảo vệ môi trường. Họ tập trung vào du lịch bền vững bằng cách giới hạn lưu lượng khách, áp dụng quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và tạo ra các trải nghiệm gần gũi với văn hóa địa phương.
Tại Việt Nam, chất lượng của các điểm đến du lịch đang có những thay đổi tích cực qua việc nỗ lực cải thiện dịch vụ, giao thông và các cơ sở hạ tầng khác. Bên cạnh đó, nước ta cũng chú trọng vào du lịch bền vững, khuyến khích du khách tham gia trải nghiệm văn hóa độc đáo và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Các điểm đến như Hội An và Sapa đã trở thành ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa phát triển du lịch và bảo vệ di sản văn hóa, có tính đến sức chứa điểm đến và nỗ lực giảm tải. Việc chủ động giảm sức ép lên môi trường tự nhiên và xã hội, cư dân bản địa tức là đang hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.