TS. Vũ Thu Hương cho rằng, hình phạt đôi khi chỉ là không được chơi thứ con muốn, ăn thứ con thèm hoặc phải làm thứ con ghét chứ không phải dùng đòn roi. |
Báo TG&VN trích đăng ý kiến của "người trong cuộc" - TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội liên quan đến vấn đề này*.
Hình phạt giúp trẻ nhìn nhận chính xác ranh giới được phép
Khi đưa ra ý kiến “giáo dục chỉ khuyên nhủ, không phạt đang hủy hoại giới trẻ”, lập tức tôi nhận được "cơn mưa" phản đối. Rất nhiều ý kiến cho rằng, tôi ủng hộ bạo hành, khuyên nhủ các bậc cha mẹ, thầy cô giáo dục trẻ bằng roi vọt. Nhưng thực tế quan điểm tôi không phải như vậy.
Nghiên cứu giáo dục nhiều năm, kèm nghiên cứu xã hội học, tôi nhận ra lý do của việc nhầm lẫn giữa hình phạt và bạo hành.
Vài chục năm trước, các bậc cha mẹ không giáo dục con theo sách vở mà chỉ dạy con theo sự chỉ dẫn của đời trước, những chắt lọc, lo âu từ các trải nghiệm bản thân.
Khi đó, câu tục ngữ “Yêu cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” như kim chỉ nam cho các bậc làm cha làm mẹ. Chúng ta biết rằng, roi vọt ở câu trên chỉ có nghĩa bóng, nhưng rất nhiều người đã hiểu nó theo nghĩa đen.
Tôi đã từng làm việc với rất nhiều bậc cha mẹ, họ không giáo dục con từ những nề nếp rất nhỏ như cử chỉ, lời ăn tiếng nói, hay giao việc nhà... Họ chiều con và làm thay toàn bộ, hoặc con thì giao cho giúp việc chăm sóc, việc học của con thì nhờ gia sư. Khi con có vấn đề, họ bức xúc và đánh con.
Khi đó, dường như nhiều người tin rằng họ đang phạt con và không chiều chuộng cháu. Chính việc hiểu không đúng này đã khiến cho hình phạt mang bóng dáng của bạo hành.
Thực tế, hình phạt chính là sự trả giá cho hành vi sai lầm của một người nào đó. Với người vi phạm luật giao thông, có thể hình phạt đó là tiền, là tước bằng lái, là tịch thu phương tiện. Với trẻ em, hình phạt đôi khi chỉ là không được chơi thứ con muốn, ăn thứ con thèm hoặc phải làm thứ con ghét.
Hình phạt sử dụng bạo lực luôn bị lên án dù dành cho trẻ em hay người lớn. Nhưng những hình phạt không gây áp lực tinh thần và sức khỏe lại luôn giúp trẻ nhìn nhận chính xác ranh giới được phép/không được phép.
Với những đứa trẻ lớn, chép phạt sẽ không hề ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Với những bạn còn bé, chưa có khả năng viết, hình phạt có thể yêu cầu con ngồi yên một chỗ không được đi lại trong khoảng 5-10 phút để nghĩ về những việc con đã làm.
Tại sao chúng ta phải khuyên nhủ khi đứa trẻ hoàn toàn ý thức được việc gì được làm, việc gì không được làm?
Dần dần, với cách thức áp dụng như trên, đứa trẻ sẽ hình thành ý thức hành vi nào được và không được phép. Điều này vừa đảm bảo an lành cho đứa trẻ, vừa giúp lập lại “trật tự xã hội” ngay trong gia đình.
Trải nghiệm khi "phạt" trẻ
Nghiên cứu giáo dục và xã hội nhiều quốc gia khác nhau, tôi nhận ra một điểm chung ở các quốc gia có xã hội ổn định, văn minh và con người phát triển tốt. Đó chính là ý thức tuân thủ pháp luật và mong muốn cống hiến.
Tại Đức, khi bạn vi phạm luật giao thông, không đợi tới cảnh sát, người dân, bất kể người Đức nào cũng có thể dừng lại và phê bình bạn. Với người Đức, vi phạm pháp luật là điều vô cùng tồi tệ. Vì thế, tại đất nước này, sự an lành và tự do luôn làm chúng ta dễ chịu.
Quay về với giáo dục trẻ, khi những đứa trẻ nhận được thông điệp: làm sai sẽ bị phạt, các con, sau những giờ phút ức chế vì bị phạt, sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều trẻ em từ nhỏ đến lớn và tôi luôn có hình phạt. Khi tôi hỏi "đi với bác, các con cảm thấy thế nào"? Nhiều trẻ trả lời: "Đi với bác chúng con rất thoải mái vì biết được phép làm gì và không được phép làm gì. Chúng con chỉ cần tránh những điều bác phạt là được".
Các con đã chia sẻ, khi mới bị phạt lần đầu, con thấy rất tức tối. Nhưng sau đó, con hiểu, con đã sai và phải chấp nhận chịu phạt. Đó có thể là 1 trang tập viết, đó cũng có thể là công việc lau các bậc cầu thang trong khuôn viên trường. Đó cũng có thể là việc tịch thu một món đồ mà con yêu thích.
Chỉ sau 1, 2 lần chịu phạt, các con sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Bởi vì quy định “sai phải chịu phạt” được áp dụng cho tất cả mọi người. Các con có thể hoàn toàn tự do trong khuôn khổ, miễn là không vi phạm những quy định đã được công bố trước đó.
Phương thức phạt không gây tổn thương cho trẻ
Nếu một nhà giáo dục đưa ra các quy định và hình thực phạt, xong lại vi phạm và chấp nhận chịu phạt, ý nghĩa giáo dục sẽ rất lớn. Trẻ sẽ rất hào hứng và dễ dàng tuân thủ các quy định bởi các con nhận ra sự công bằng trong chính các quy định ấy.
Khi giáo dục trẻ, tôi thường đưa ra các quy định rõ ràng và các hình phạt đi kèm nếu vi phạm. Sau đó, tôi sẽ “cố tình” vi phạm 1 quy định nào đó và sẵn sàng chấp nhận chịu phạt.
Nếu bạn nhìn thấy ánh mắt sung sướng và tiếng reo vui của trẻ khi giám sát tôi chịu phạt, bạn sẽ nhận thấy, việc giáo dục trẻ không còn quá khó khăn và áp lực. Ngay sau khi chứng kiến tôi chịu phạt, tất cả lũ trẻ đều tuân thủ nghiêm túc các quy định và vui vẻ thoải mái chứ không ức chế hay khó chịu với bất kể quy định nào.
Thực tế, không phải tất cả trẻ con ở cạnh tôi đều bị phạt, thậm chí chúng trở nên rất ngoan bởi khi thấy một bạn nào đó trong lớp bị phạt, chắc chắn chúng sẽ tránh.
Ví dụ, khi tôi quy định không ai được nói trống không, một bạn vi phạm và chịu phạt, các bạn khác sẽ lập tức nhận được thông điệp và cố gắng nhớ để tránh bị phạt. Dần dần, những thói quen sẽ thành nếp và không trẻ nào vi phạm nữa. Khi đó, nề nếp văn hóa sẽ được hình thành rất tự nhiên.
Có một điều thú vị nữa mà tôi khám phá ra khi song hành cùng các gia đình giáo dục trẻ. Đó là một hiện trạng của các gia đình, nếu quy định và phạt nghiêm thì trẻ sẽ không bị đánh mắng, ngược lại, nếu không có quy định và phạt nghiêm, trẻ rất dễ bị ăn đòn.
Bởi vì, trẻ trong phần lớn gia đình không có quy định rõ ràng thường không nắm được ranh giới giữa được phép/không được phép. Vì vậy, các con dễ làm cho bố mẹ mất kiên nhẫn và dễ dẫn đến bạo hành xảy ra. Như vậy, đánh mắng và phạt không phải là cùng một hình thức mà hoàn toàn ngược nhau.
Điều quan trọng, những người chịu trách nhiệm giáo dục trẻ tìm ra các phương thức phạt nhẹ nhàng, không gây tổn thương tâm lý và sức khỏe nhưng lại có giá trị giáo dục và truyền thông điệp cho trẻ. Điều đó nên làm hơn là tranh cãi phạt hay không phạt.
* Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.
| GS. Phan Văn Trường: 'Giáo dục nên tạo ra những con người có khả năng chỉ huy robot, sáng tạo nhanh hơn trí thông minh nhân tạo' Giáo dục phải tập trung tạo ra những con người có khả năng chỉ huy robot, sáng tạo nhanh hơn trí thông minh nhân tạo, ... |
| Chuyển đổi số là cơ hội để kỹ sư, bác sĩ của ta cạnh tranh sòng phẳng trong môi trường quốc tế PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội để sinh viên ... |