📞

Từ AEC đến TPP

15:00 | 12/02/2016
ASEAN bao gồm các quốc gia lớn, vừa và nhỏ. Đứng riêng rẽ, không quốc gia nào có đủ quy mô và năng lực kinh tế hay sức mạnh quân sự để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ hay Ấn Độ.
 

Đông Nam Á là một trong những khu vực địa chiến lược nhạy cảm nhất thế giới khi là cửa ngõ nối liền hai đại dương. Trong cuộc chơi toàn cầu, các quốc gia vừa và nhỏ thường hình thành liên kết kinh tế - chính trị gần gũi với các cường quốc nhằm bảo vệ vị thế và an ninh của chính mình. Điều này đặc biệt đúng với các quốc gia nằm ở vị trí chiến lược quan trọng hoặc sở hữu nguồn tài nguyên giàu có. Ở khía cạnh khác, việc duy trì an ninh theo cách này sẽ gây ra sự suy giảm về chủ quyền.

Tuy nhiên, việc hình thành các hiệp hội giữa các quốc gia có cùng lợi ích là một phương án thay thế thú vị. Tổ chức này sẽ thúc đẩy những lợi ích chung của các thành viên nhưng lại ít đụng chạm đến chủ quyền hơn khi không có nước nào nắm quyền thống trị. Tất cả thành viên đều có tiếng nói trong việc xây dựng chính sách của hiệp hội. Mặc dù trong hiệp hội, một số chủ quyền phải được trao cho một thể chế chung, nhưng đây là điều tự nguyện và mỗi thành viên đều biết rằng họ có thể tác động đến quyết định của thể chế chung này. Các nước nhỏ hơn có thể bảo vệ việc tự do lựa chọn và giữ gìn độc lập dựa vào sự tương trợ lẫn nhau.

Tính cạnh tranh khu vực

Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời với cơ chế tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ, con người, nguồn vốn và đầu tư. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế và thương mại của các quốc gia thành viên.

Tầm quan trọng của ASEAN được thể hiện trong quan hệ thương mại quốc tế. Từ khi có Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) giá trị thương mại nội khối đã chiếm khoảng một phần tư tổng kim ngạch ngoại thương của các nước thành viên. Trung Quốc là đối tác ngoại khối hàng đầu của ASEAN khi chiếm khoảng 14% giao thương, tuy nhiên ưu thế của Bắc Kinh chưa quá rõ rệt. Hiện Trung Quốc vẫn chưa phải là đối tác thương mại lớn nhất với mọi nền kinh tế ASEAN. Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ là ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của hầu hết các quốc gia ASEAN. EU cũng là một thị trường lớn. Nhật Bản có tầm quan trọng hơn Trung Quốc đối với các nhà xuất khẩu Brunei, Indonesia và Philippines. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Campuchia và Việt Nam. Còn Trung Quốc đứng đầu trong năm thị trường còn lại, trong đó có Myanmar. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế trong xuất khẩu vào ASEAN với thặng dư thương mại lớn.

Vấn đề đầu tư cũng trong tình trạng phức tạp tương tự, từ năm 2012 đến 2014, các nhà đầu tư hàng đầu của nhóm 10 nước Đông Nam Á lần lượt là ASEAN, EU, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. Indonesia, Malaysia và Việt Nam là những nước tiếp nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc, tiếp sau đó là Lào và Campuchia.

Những đặc điểm trên lý giải cho sự khác biệt về lợi ích trong chính sách đối ngoại, chủ yếu có liên quan đến Trung Quốc, của các thành viên ASEAN.

Đụng độ lợi ích Mỹ - Trung

Đông Nam Á ngày nay là một “điểm nóng” địa chiến lược bởi có sự đụng độ về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu Hiệp định Kinh tế Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ hậu thuẫn, đã được 12 quốc gia ở vành đai Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đàm phán thành công vào ngày 5/10/2015, thì Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc “cầm trịch” cùng các quốc gia ASEAN, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand dự kiến sẽ tăng tốc để sớm đi đến kết thúc đàm phán.

“Mỹ và Trung Quốc không cùng tham gia trong một thỏa thuận, mỗi nước hậu thuẫn riêng cho một hiệp định. Điều này làm dấy lên các cuộc tranh luận rằng, liệu các  thỏa thuận này sẽ bổ sung hay cạnh tranh với nhau”. Đó là nhận định của Cameron Frecklington, một chuyên gia của GIS (mạng lưới chuyên tư vấn về các xu hướng địa chính trị) trong báo cáo ngày 14/10/2015.

TPP sẽ buộc doanh nghiệp quốc doanh cạnh tranh với công ty tư nhân, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, luật lao động và môi trường. Mặt khác, RCEP cho phép mỗi quốc gia lựa chọn mức độ tự do mà họ muốn để thu hút các quốc gia kém phát triển hơn.

TPP có khả năng mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Để thành công, điều rất quan trọng là không để quá dài danh mục các ngoại lệ mang tính bảo hộ hay quá nhiều quy định.

Tăng cường đa dạng hóa

Cho dù triển vọng chính trị như thế nào, lợi ích thương mại trong cả hai hiệp định đều quan trọng đối với các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng để đảm bảo tăng trưởng hơn nữa, tăng cường sự thịnh vượng và giúp tạo lập một xã hội yên bình, gắn kết. Mục tiêu quan trọng khác là bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự độc lập trong quan hệ quốc tế cũng như toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam kiên quyết bảo vệ các quyền của mình trên biển, nhất là trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Khi mà ASEAN, cho đến nay, vẫn chưa hoạt động với tư cách một tổ chức thống nhất về đối ngoại và quốc phòng, Việt Nam cần tìm kiếm những mối quan hệ quân sự ngoài khối, trong đó có với Mỹ. Khi đó, quan hệ thương mại được tăng cường bởi TPP sẽ trở nên quan trọng gấp đôi.

Việt Nam có thể được xem là một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao. Lực lượng lao động có tay nghề luôn sẵn có, mức lương vừa phải, cùng các tiêu chuẩn lao động công bằng và các quy định không quá nhiều. Không có gì phải ngạc nhiên khi Microsoft quyết định chuyển ngành sản xuất điện thoại di động tới quốc gia này.

Nên nhớ rằng, sức mạnh kinh tế của châu Âu bắt nguồn chủ yếu từ các doanh nghiệp hộ gia đình cỡ vừa. Để đa dạng hóa, Việt Nam nên thúc đẩy những mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với nhóm doanh nghiệp này. Cấp độ quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong các quốc gia thành viên ASEAN cũng cần được đa dạng hóa hơn nữa.

Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác nên cùng nhau tăng cường liên kết về kinh tế, thương mại, chính sách đối ngoại và quốc phòng. Đây là cách tốt nhất để đạt được một vị thế mạnh mẽ, độc lập trên trường quốc tế.

Nhà sáng lập Geopolitical Information Service (GIS).