📞

Từ chuyện con trai Bà Tân Vlog bị phạt, nghĩ về YouTuber 'ăn tươi nuốt sống' hút view rẻ tiền

16:33 | 11/09/2020
TGVN. Không chỉ Hưng Vlog (con trai của Bà Tân Vlog), ý tưởng nấu cháo gà, cháo bồ câu nguyên lông phản cảm để hút view rẻ tiền đã được nhiều kênh YouTube thực hiện gây phẫn nộ...

Đăng clip “nấu cháo gà nguyên lông” và đăng lên YouTube, Hưng Vlog (con trai Bà Tân Vlog) đã bị phạt 7,5 triệu đồng.

Ngay sau khi đăng tải, clip của Hưng Vlog nhận về rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng, cho rằng nội dung clip nấu nồi cháo gà nguyên lông là nhảm nhí, phản cảm và mất vệ sinh.

Từ những video “ăn tươi nuốt sống”

Không chỉ Hưng Vlog (con trai của Bà Tân Vlog) , ý tưởng nấu cháo gà, cháo bồ câu nguyên lông phản cảm đã được nhiều kênh YouTube thực hiện và bị cộng đồng lên án.

Có thể kể đến những cái tên “nổi đình nổi đám” như HHữu Bộ, Tiến Black, Quang Linh Vlogs, Trường Quân TQ97 Gaming, Khám phá Tây Nguyên quê tôi, Vĩnh Vớ Vẩn, Long Du Bai, Võ Ngọc Duy Troll... Với mục tiêu chạy theo view, họ sẵn sàng lấy những ý tưởng gây sốc như nấu cháo vịt, gà, chim để nguyên lông.

Điều đáng nói, những video phản cảm, vô bổ này lại thu hút được số đông người xem, thậm chí lên đến hàng triệu lượt xem. Nội dung các clip chủ yếu xoay quanh việc chủ kênh Vlog nấu nồi cháo gia cầm nguyên lông, mời nhóm bạn ăn và sau đó mới “bóc mẽ” nồi cháo. Điểm nhấn của những clip này chính là giây phút người ăn bị nôn hoặc dùng những lời lẽ khiếm nhã, thậm chí còn chửi thề, văng tục. Nghịch lý ở chỗ, những video gây sốc như vậy càng nhảm nhí, gây cười thì số lượng người chia sẻ càng cao và chủ kênh Vlog càng đạt được mục đích của mình.

Hưng Vlog bị phạt vì nấu cháo gà nguyên con rồi đăng lên YouTube gây phẫn nộ trong dư luận. (Nguồn: TT)

Có thể kể đến kênh Trường Quân TQ97 Gaming, người bị chơi khăm là trẻ em phản ứng bằng cách chửi bậy và đánh người nấu bằng một chiếc can rất phản văn hóa. Trên kênh Vĩnh Vớ Vẩn, sau khi bị lừa ăn món gà nguyên lông hấp sầu riêng, một cô gái nói chủ kênh là "chơi dơ, mất dạy, biến thái, vô liêm sỉ". Trong một clip khác, người nấu sau khi cho gà vào nồi cũng thừa nhận có mùi "hơi hôi" nhưng "ăn thế nó mới ngon" gây phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.

Đặc biệt, trên kênh Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi, chủ kênh này còn mạnh dạn nấu cháo bồ câu nguyên lông để mời nhóm bạn người châu Phi ăn.

"Nấu kiểu Việt Nam mà. Bây giờ không ngon nữa à? Để cả con mới ngon”, chủ kênh tiết lộ về nồi cháo khiến cả người ăn lẫn người xem sợ hãi. Vấn đề nằm ở chỗ, lời giải thích “Nấu kiểu Việt Nam mà” gây hiểu lầm về ẩm thực của Việt Nam từ những video nhảm nhí, lố bịch này.

Mượn danh quảng bá ẩm thực để hút view rẻ tiền?

Tương tự, những video có nội dung gây sốc như bắt cá ở dưới ao rồi ăn sống ngay trên bờ, ăn nội tạng động vật ngay khi vừa giết mổ xong… đang xuất hiện ngày càng nhiều, đăng tải tràn lan trên YouTube. Thậm chí, nhiều kênh YouTube còn sản xuất video ăn động vật sống như cá để hút view. Và rồi, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ bị lôi cuốn vào những video rẻ tiền, tai hại ấy, like và chia sẻ cẩu thả, thiếu trách nhiệm mà không cần biết tác hại rình rập.

Tiêu biểu, kênh Sa Pa TV có video "Hết hồn với món cá nhảy to bằng bắp chân" ghi lại hình ảnh các thanh niên bắt cá dưới ao và làm món cá nhảy để ăn sống. Trong các video, người quay liên tục kêu gọi "anh em nếu thấy thích, thấy hay thì chia sẻ mạnh vào nhé".

Chủ kênh YouTube này còn cho rằng, làm những video ấy với mục đích chứng tỏ cho mọi người thấy những món ăn sống đó không đáng sợ. Bị kích thích bởi những lời mào đầu, lượt xem khá đông, tiêu biểu như video "Ăn thịt dê sống nguyên con" đạt hơn 1,6 triệu, "Món pịa bò sống mổ ra là ăn luôn cho nóng" đạt hơn 1,3 triệu...

Điều đáng nói, nhiều bạn trên danh nghĩa chia sẻ, quảng bá văn hóa ẩm thực vùng miền nhưng thực tế là video ăn các món ăn từ thịt động vật hoang dã. Hàng loạt video ghi lại tường tận quá trình ăn đồ sống tương tự và luôn đạt được lượt xem cao ngất ngưởng.

Không phủ nhận nhiều kênh quảng bá rất tốt văn hóa của địa phương, tuy nhiên cũng không ít cá nhân mượn danh quảng bá văn hóa ẩm thực để làm các video ăn sống nuốt tươi, những video gây sốc nhằm câu view rẻ tiền.

Trên sóng truyền hình VTV, Tiến sĩ Vũ Thế Long cho rằng cách ăn uống này còn làm xấu hình ảnh văn hóa ẩm thực vùng miền thật sự. "Ăn sống là một trải nghiệm trong ẩm thực của người Việt, không riêng gì đồng bào dân tộc thiểu số mà người Kinh cũng có ăn sống. Nhưng ăn sống một cách văn minh, sạch sẽ chứ không phải bắt bỏ con cua, con cá rồi cho vô miệng. Không thể ăn bừa bãi rồi nói đó là văn hóa. Tôi cho rằng những người đó không biết gì. Hành động đó là tuyên truyền cho một lối sống phản khoa học, phản vệ sinh mà chúng ta phải lên án", Tiến sĩ Vũ Thế Long nhấn mạnh.

Ở Việt Nam thời gian gần đây, những cuộc đua về view, bằng nhiều cách khác nhau, người ta tạo nên những video mang nội dung phản cảm, vô bổ để kích thích tò mò. Video càng nhiều người xem thì chủ nhân bỏ túi càng nhiều tiền. Đáng nói, xu hướng sản xuất những nội dung xấu, bẩn này lại luôn chạy theo những yếu tố như sốc. Trong đó phải kể đến video “thử thách 24 giờ làm động vật”, “thả 100 con dao xuống sân”…

Hiện nay, việc trẻ em sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, thiếu sự quản lý, giám sát từ người lớn, trẻ dễ bị lôi kéo, sa lầy trong ma trận clip rẻ tiền này. Vì thế, với sự câu view rẻ tiền bằng mọi cách như hiện nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Nếu không có sự răn đe từ pháp luật, cùng với sự thiếu quản lý của gia đình, những video tương tự sẽ là mối lo ngại, ảnh hưởng đến văn hóa nghe, xem cũng như sự phát triển về tâm hồn, nhân cách của giới trẻ.

(tổng hợp)