📞

Từ chuyện Đất rừng phương Nam: Sáng tạo nghệ thuật về lịch sử cần được nhìn nhận 'thoáng' hơn, tích cực hơn

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn 09:15 | 04/11/2023
Câu chuyện ồn ào liên quan phim Đất rừng phương Nam không chỉ giới hạn ở một bộ phim. Đó là quan điểm về cách thức làm phim lịch sử, sáng tạo nghệ thuật và cả phát triển thị trường nghệ thuật cho nước nhà.
Từ ồn ào liên quan phim Đất rừng phương Nam, ĐBQH. Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm, tôn trọng lịch sử phải được xem là một nguyên tắc và sáng tạo đến đâu cũng cần có khuôn khổ. (Nguồn: Quốc hội)

Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần tôn trọng lịch sử. Những gì thuộc về lịch sử đã được công nhận, ghi nhớ phải là những chi tiết bắt buộc phải tôn trọng trong các sản phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, có rất nhiều chi tiết không được nhắc tới trong lịch sử có thể trở thành đề tài, chất liệu tuyệt vời cho trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo không giới hạn của nghệ sĩ.

Nói như vậy để thấy, chúng ta cần xác định các tác phẩm nghệ thuật không hoàn toàn là lịch sử. Nhưng tác phẩm nghệ thuật về lịch sử giúp quá khứ trở nên sống động và gần gũi hơn, trao gửi những thông điệp giá trị từ cha ông.

Lịch sử đất nước ta rất hào hùng, đáng tự hào - là chất liệu tuyệt vời cho các sản phẩm văn học, nghệ thuật. Khai thác chất liệu đó giúp kể được lịch sử, hình ảnh đẹp, câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam cho khán giả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, qua đó khẳng định vị trí và tầm vóc của dân tộc, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước.

Thực tế, nhiều năm qua, với sự phổ biến rộng rãi, sự xâm nhập các sản phẩm nghệ thuật nước ngoài vào như phim, truyện tranh, bài hát không phù hợp với văn hóa, truyền thống và giá trị đạo đức của Việt Nam. Vì thế, một bộ phận công chúng say mê với lịch sử nước ngoài, hình thành nên những nhận thức, suy nghĩ, lối sống xa lạ, đặc biệt là có nguy cơ lãng quên lịch sử, văn hóa dân tộc. Đây là điều đáng lo ngại.

Tôn trọng lịch sử phải được xem là một nguyên tắc. Sáng tạo đến đâu cũng cần có khuôn khổ. Nhưng làm thế nào để hài hòa hai yếu tố đó ở một mức độ đa số công chúng chấp nhận lại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức chung của xã hội. Thế nên, tôi mong các nghệ sĩ nước ta sẽ có thêm nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật của người Việt Nam. Từ đó, giúp mỗi người, đặc biệt là giới trẻ có sự tự tin, niềm tự hào với lịch sử và văn hóa dân tộc, hội nhập vững chắc với thế giới.

Có thể nói, sử dụng chất liệu lịch sử để sáng tác văn học, nghệ thuật gặp không ít khó khăn, rào cản. Đó là việc làm sao để vừa tôn trọng lịch sử vừa sáng tạo nghệ thuật. Làm sao để lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn, thu hút khán giả hiện tại nhiều hơn. Vậy nên, để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có sáng tạo, cá tính vô cùng khó khăn và thử thách đối với người làm nghệ thuật. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội, việc khen chê, đánh giá của công chúng hiện nay vô cùng quan trọng, cũng là phép thử đối với người làm nghệ thuật.

Hình ảnh trong phim Đất rừng phương Nam. (Nguồn: Tiền phong)

Việc khuyến khích, động viên các nghệ sĩ làm ra nhiều tác phẩm có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khán giả và sự phát triển của đất nước là vô cùng quan trọng. Tất nhiên, mỗi nền văn hóa khác nhau, cách thức làm phim phải khác nhau. Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu khoa học khai mở cho xã hội tri thức về tự nhiên thì văn nghệ sĩ khai mở về cái thiện, cái đẹp.

Trong ba mục tiêu của giáo dục "chân, thiện, mỹ" thì văn hóa nghệ thuật chiếm đến hai. Nhà văn, nghệ sĩ chân chính luôn là chiến sĩ tiên phong khai mở cho con người ý nghĩa cuộc sống, vì điều đó họ phải xả thân. Hơn thế, một xã hội văn minh là xã hội biết lắng nghe và tạo hành lang tự do cho văn hóa nghệ thuật.

"Tôn trọng lịch sử phải được xem là một nguyên tắc. Sáng tạo đến đâu cũng cần có khuôn khổ. Nhưng làm thế nào để hài hòa hai yếu tố đó ở một mức độ đa số công chúng chấp nhận lại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức chung của xã hội".

Theo tôi, sáng tạo nghệ thuật về lịch sử cần được nhìn nhận một cách “thoáng” hơn, được lắng nghe theo cách tích cực nhiều hơn, được ủng hộ nhiều hơn. Như vậy, văn nghệ sĩ mới dám xả thân vì nghệ thuật. Đồng thời, mạnh dạn khai thác chất liệu lịch sử để tạo nên những sản phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm thời đại.

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá”. Khi chúng ta có được những tác phẩm nghệ thuật thì tinh thần, thông điệp quan trọng từ quá khứ sẽ giúp chúng ta có thêm niềm tự hào, củng cố sức mạnh dân tộc từ lịch sử văn hóa của đất nước.

Tôi mong khán giả ủng hộ những tác phẩm điện ảnh và nghệ thuật Việt Nam nói chung, nhất là các tác phẩm văn học, nghệ thuật khai thác chất liệu lịch sử. Chính sự quan tâm, ủng hộ của khán giả sẽ giúp các nghệ sĩ có thêm động lực tinh thần, giúp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà có thêm sức mạnh. Đồng thời, giúp chúng ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.