Công nhân làm việc trong nhà máy của Công ty Samsung Việt Nam. Samsung hiện là nhà sản xuất hàng điện tử lớn nhất tại Việt Nam. (Nguồn: Samsung) |
Trang Vietnam Briefing của hãng Dezan Shira & Associates (chuyên tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư trên khắp châu Á) ngày 30/3 đăng bài cho rằng, để tìm hiểu về sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần làm rõ sự khác biệt của chuỗi cung ứng của Việt Nam so với các nước khác.
Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về lĩnh vực điện tử của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu với trọng tâm là lĩnh vực điện tử, cũng như thế mạnh và thách thức của lĩnh vực này.
Trung tâm sản xuất hàng điện
Với việc chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam đã từng bước trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hàng điện tử nổi bật, đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong ASEAN về xuất khẩu hàng điện tử vào năm 2019.
Nhiều yếu tố góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi thành công từ một nước nông nghiệp thành một địa điểm quan trọng cho sản xuất điện tử ở Đông Nam Á như có vị trí gần Trung Quốc, chi phí cạnh tranh, lực lượng lao động đầy đủ, giá nhân công thấp và một số ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, vì Việt Nam đặt mục tiêu cao hơn là trở thành điểm đến chi phí thấp cho lắp ráp hàng điện tử, cải tiến trong các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, năng suất và công nghệ là rất quan trọng để Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị.
Sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Ngành công nghiệp điện tử có thể được hệ thống thành 3 nhóm: 3C (máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng), các cụm lắp ráp con và các thành phần bao gồm các thành phần điện tử. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,5 nghìn tỷ USD.
Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 20%, đối với các sản phẩm điện tử hoàn thiện, vượt Thái Lan và chỉ đứng sau Hàn Quốc về các mặt hàng lắp ráp xuất khẩu trong năm 2019.
Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vào cuối những năm 2000 và được coi là nhà cung cấp cấp thứ 2 trên thế giới cho các sản phẩm 3C. Nếu xem xét chuỗi cung ứng theo các quốc gia, các sản phẩm điện tử xuất khẩu hàng đầu trong năm 2019 là Trung Quốc, tiếp theo là Việt Nam.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng điện tử hàng đầu là Trung Quốc, Mỹ, tiếp theo là Hong Kong (Trung Quốc). Đối với đồ điện tử, các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc và Nhật Bản. Điện thoại là nhóm hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam, trong đó Samsung chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu.
Nhóm thành phẩm 3C thống trị ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, với thiết bị truyền thông và điện tử tiêu dùng dẫn đầu. Tuy nhiên, vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu chỉ giới hạn ở vai trò là nhà tích hợp các thành phần.
Chuỗi cung ứng có thể được chia nhỏ hơn nữa thành 3 phần, các hoạt động thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Việt Nam chủ yếu hội nhập ở phần trung nguồn với giá trị gia tăng thấp hơn, gồm các cụm lắp ráp con, chẳng hạn như màn hình và các bộ phận đặc biệt, các sản phẩm hoàn chỉnh như điện tử tiêu dùng, truyền thông và máy tính.
Việt Nam cũng tham gia các hoạt động thượng nguồn, nhưng chủ yếu ở các sản phẩm giá trị gia tăng thấp như nhựa, thủy tinh và bao bì. Sự tham gia của các công ty Việt Nam vẫn còn thấp.
Hơn nữa, Việt Nam nhập khẩu nhiều linh kiện và cụm phụ, trong đó linh kiện điện tử chiếm 65% kim ngạch nhập khẩu trong năm 2019.
Tin liên quan |
Gói giải cứu 1.900 tỷ USD - 'Hiệu ứng số nhân' với kinh tế Mỹ và 'số cộng' với hàng Việt |
Đâu là động lực cho ngành công nghiệp điện tử và xuất khẩu?
Ngành công nghiệp điện tử và xuất khẩu của Việt Nam được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2008 - 2019, xuất khẩu tăng 90%.
Các công ty điện tử nước ngoài và trong nước của Việt Nam có thể được nhóm lại thành 4 loại. Nhóm đầu tiên bao gồm các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Panasonic và Canon. Nhóm thứ hai gồm các nhà sản xuất theo hợp đồng cung cấp cho một số MNC như Foxconn. Nhóm thứ ba là các thực thể dẫn đầu về phần mềm và phần cứng như Intel.
Nhóm cuối cùng là các nhà sản xuất sản xuất linh kiện cung cấp cho các công ty toàn cầu như Samsung và LG. Trong nhóm cuối cùng có ít doanh nghiệp trong nước, song có hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài.
Một số thách thức đối với Việt Nam
Việt Nam vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu và phải đối mặt với một số thách thức về giao vận và cơ sở hạ tầng.
Giữa nguyên liệu thô và thành phẩm có sự chênh lệch lớn. Ngành giao vận manh mún với hơn 3.000 công ty, gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp các dịch vụ giá trị thấp.
Việt Nam cũng thiếu quy mô sản xuất và hạ tầng nhân sự, vì vậy, khiến việc tăng hạng trong chuỗi giá trị trở nên khó khăn. So với các nước khác như Singapore, Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam là một trong những nước có chi phí giao vận cao nhất và chiếm 25% GDP.
| Hiện tượng ‘thỏi nam châm’ thu hút FDI và những ưu thế vượt trội của Việt Nam TGVN. Khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chính sách ưu đãi và sự ổn định về chính ... |
Lực lượng lao động của Việt Nam cũng là một thách thức. Dù đúng là Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và khỏe, nhưng lại có quy mô nhỏ hơn nhiều với 57,8 triệu lao động so với con số 778 triệu của Trung Quốc và 500 triệu của Ấn Độ.
Điều này cản trở việc huy động lượng lớn lao động trong ngành điện tử. Lao động có trình độ cũng là một thách thức, khiến các nhà sản xuất khó thuê được lao động hơn để làm các quy trình phức tạp. Việc tìm được lao động phù hợp mà có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng là một việc khó khăn.
Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam ở mức 36%, thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ, cộng với ngành công nghiệp hỗ trợ yếu kém với tỷ lệ mua sắm linh kiện trong nước thấp. Việc sản xuất linh kiện vẫn chưa phát triển. Hiện tại, năng lực sản xuất các linh kiện công nghệ cao như chất bán dẫn của Việt Nam còn hạn chế.
Thế mạnh vượt trội
Thứ nhất, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao và ổn định, ở mức từ 6-7% trong thập kỷ qua. Thương mại quốc tế và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng và Việt Nam đã vượt xa các nước trong khu vực về mặt này.
Việt Nam gần như mở cửa hết cho đầu tư trên khắp các lĩnh vực. Bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít nước ghi nhận mức tăng trưởng GDP dương, 2,91% trong năm 2020.
Thứ hai, Việt Nam là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là nhân tố thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc phê chuẩn FTA EU-Việt Nam và FTA Anh-Việt Nam, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng GDP.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số ưu đãi thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam trở thành một phần của chuỗi giá trị toàn cầu.
Ví dụ, linh kiện điện tử được hưởng thuế nhập khẩu 0%, trong khi được thêm ưu đãi về thuế thu nhập đối với các dự án công nghệ cao và đầu tư vào khu công nghiệp. Chính phủ dụng các ưu đãi bổ sung trong các chính sách lao động và công nghệ.
Ngoài ra, Chính phủ cũng hỗ trợ công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tiên tiến cũng như sản xuất các sản phẩm ICT. Đây sẽ là một trọng tâm chính khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào công nghệ Internet vạn vật (IoT) và truyền thông 5G.