Còn nhớ ngày 31/5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu nhắc lại từ “Lòng tin chiến lược” tới 17 lần tại Đối thoại Shangri-La và sau đó cụm từ này đã trở thành tâm điểm thảo luận.
"Lòng tin chiến lược" được hiểu là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bình đẳng giữa các thành viên và đối tác không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ.
Thông điệp “Lòng tin chiến lược” ấy được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến vào thời điểm khu vực chứng kiến những chuyển biến sâu sắc, mang tính chiến lược.
Bốn năm sau, cũng đúng vào ngày 31/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm vô cùng ý nghĩa với Tổng thống Donald Trump khi cả thế giới đang theo sát những điều chỉnh “gây sốc” trong chính sách của Chính quyền mới Hoa Kỳ và trong bối cảnh nhiều người còn đang băn khoăn Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông nhìn nhận thế nào về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vốn có bước tiến dài sau hơn hai thập kỷ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng. (Nguồn: VGP News) |
Như lời nhiều quan chức Hoa Kỳ, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra đúng vào “thời điểm quan trọng” của quan hệ song phương khi cả hai nước đều có ban lãnh đạo mới, chủ nghĩa bảo hộ và dân túy ngày càng nổi lên, kể cả ở những cường quốc.
Những hình ảnh thân thiện từ cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump là minh chứng cho thấy, giữa những biến chuyển phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, các nhà lãnh đạo của hai bên vẫn duy trì được “lòng tin chiến lược”.
Lòng tin ấy được phản ánh rõ nét, bằng những ngôn từ dứt khoát trong Tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tuyên bố có đoạn “Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ hội nói trên thông qua việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện dựa trên việc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau”.
Việc thúc đẩy hợp tác dựa trên việc “tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau” là lời khẳng định rõ ràng nhất rằng quan hệ hai nước sẽ phát triển dựa trên sự tin cậy cao độ hay “lòng tin chiến lược”.
Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt từng nói: “Khi tin thì bạn đã đạt được một nửa thành công”. Bản Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ cho thấy khi đã có lòng tin, tất yếu con đường hợp tác giữa hai nước sẽ trở nên rộng mở, kể cả trong các lĩnh vực Hoa Kỳ quan tâm là thâm hụt thương mại, hay những lĩnh vực đòi hỏi sự tin cậy cao độ như tình báo, hay vấn đề vốn được coi là “khó” như rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin…
Đương nhiên, bất kỳ cường quốc nào hợp tác với bên ngoài đều trông chờ những lợi ích cho riêng mình nhưng hợp tác công bằng, đôi bên cùng có lợi trên cơ sở “lòng tin chiến lược” thì cái được của cường quốc ấy sẽ nhân lên gấp bội.
Để hưởng lợi từ mọi quá trình hợp tác, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ công cuộc đổi mới, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực bộ máy, hội nhập sâu rộng… nhằm khẳng định với các đối tác và cộng đồng quốc tế khao khát cháy bỏng hòa bình và phát triển thịnh vượng của Việt Nam.