📞

Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh gắn liền với thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam

PGS. TS. Trần Minh Trưởng 06:30 | 30/04/2021
Thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Thắng lợi ấy được bắt nguồn từ sự hy sinh anh dũng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng... đồng thời còn gắn liền với những hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế đầy sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba tại trụ sở Bộ Ngoại giao (từ 16/12/1963 đến 16/1/1964). (Ảnh tư liệu)

Ngoại giao là vũ khí sắc bén

Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, tư duy phân tích thời thế khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã sớm có những nhận định, đánh giá chính xác những biến động của tình hình thế giới, các mối quan hệ quốc tế phức tạp, để từ đó xây dựng đường lối, chính sách ngoại giao cho phù hợp với thực tiễn, nhằm mục tiêu phục vụ tốt nhất cho chiến lược phát triển của mỗi một giao đoạn cách mạng, với mục tiêu cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xây dựng một đường lối quan hệ quốc tế rộng mở, hợp tác vì hoà bình, độc lập dân tộc, nhớ đó mà quy tụ được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhấn chìm bọn bán nước, đè bẹp ý chí xâm lược của bọn cướp nước.

Không chỉ là linh hồn, là người chỉ đạo việc hoạch định đường lối đối ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại giao trong một giai đoạn đầy biến động và vô cùng ác liệt của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Qua kết quả đem lại từ hoạt động thực tiễn của Người, chúng ta thấy càng làm sáng ngời lên tinh thần thiện chí, tài ứng xử bình tĩnh, tinh tế, khôn khéo và sức cảm hoá diệu kỳ của nhà ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh. Chính tinh thần đó, tư tưởng đó đã tạo nên niềm tin và sức mạnh đem đến chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.

Xây dựng đường lối đấu tranh ngoại giao chống xâm lược Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, dựa vào pháp lý quốc tế về quyền dân tộc cơ bản (quyền dân tộc tự quyết), và mục tiêu hoà bình làm ngọn cờ đấu tranh, do đó đã đem lại sự ủng hộ to lớn về vật chất, tinh thần cho cuộc chiến đấu, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng để tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Trong quá trình hoạt động ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dồn hết tâm trí, sức lực để sáng tạo ra các hình thức đấu tranh ngoại giao và vận động quốc tế, lập thế trận ngoại giao nhân dân, liên kết tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới đứng về phía Việt Nam chống đế quốc xâm lược, vì hoà bình và tiến bộ nhân loại.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao trở thành thứ vũ khí sắc bén, là động lực vật chất, tinh thần mạnh mẽ khiến kẻ thù bị cô lập, hoang mang dao động, dồn chúng đến bước đừng cùng, buộc chúng phải từ bỏ dã tâm xâm lược.

Ngoại giao là một ngành khoa học đòi hỏi tính trí tuệ và cũng yêu cầu tính nghệ thuật cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có bề dày trí thức văn hoá Đông - Tây, lại có bề dày kinh nghiệm thực tiễn, lý luận tích luỹ đựơc trong nhiều năm bôn ba hoạt động cách mạng. Chính vì thế, kinh nghiệm hoạt động ngoại giao của Người đã để lại cho cách mạng Việt Nam nói chung và nền ngoại giao (nói riêng) những bài học về quan hệ quốc tế quý báu và mang tính thời sự sâu sắc.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên định đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, có ý nghĩa quyết định đến thành quả của toàn bộ tiến tình cách mạng. Vì vậy, không được với bất kỳ lý do gì để thoả hiệp, từ bỏ mục tiêu chiến lược đã đề ra. Đó là bài học kinh nghiệm rút ra từ Hội nghị Geneva, đồng thời cũng là một trong những nội dung mấu chốt của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Vận dụng sáng tạo và linh hoạt

Xuất phát từ chủ trương thực thi đường lối đối ngoại độc lập, mềm dẻo những có nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong các mối quan hệ ngoại giao. Chính vì thế đã làm phá sản âm mưu quốc tế hoá cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, làm thất bại mưu đồ của Mỹ hòng lôi kéo Liên hợp quốc can thiệp vào Việt Nam (như cuộc chiến tranh Triều Tiên).

Thực tiễn cho thấy, chúng ta đã hoàn toàn chủ động khống chế phạm vi cuộc chiến tranh, cũng như chủ động “đánh và đàm”, chủ động lựa chọn thời điểm đàm phán, quyết định thành phần tham gia hội nghị và nội dung đàm phán, do đó đã đạt được những thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc.

Xây dựng đường lối ngoại giao độc lập tự chủ nhưng không để rơi vào thế tự cô lập, Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh rằng, phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế, lấy tinh thần thiện chí, hoà bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc mình với lợi ích của các nước trong khu vực và lợi ích chúng của nhân loại. Mối quan hệ giữa độc lập tự chủ với mở rộng quan hệ, đoàn kết quốc tế đã được Hồ Chí Minh giải quyết nhuần nhuyễn, hài hoà và phù hợp với điều kiện thực tế lịch sử.

Xác định đặt mối quan hệ lợi ích dân tộc lên trên hết, nhưng Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở phải cảnh giác với tư tưởng “dân tộc chủ nghĩa” hẹp hòi, chú ý tới sự thống nhất giữa lợi ích dân tộc trong lợi ích chung của nhân loại. Giương cao ngọn cờ hoà bình và độc lập dân tộc, với tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Hồ Chí Minh đã tìm thấy sự nhất trí giữa lợi ích dân tộc với quốc tế, quốc tế với dân tộc, đó chính là nguồn hội tụ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù.

Đánh giá đúng vị trí quan trọng của mặt trận ngoại giao trong chiến tranh nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý đúng đắn mối quan hệ mật thiết giữa thiết giữa chính trị - quân sự với ngoại giao.

Đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, sự phối hợp hành động giữa ba mặt trận đó dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được thực hiện chặt chẽ và sáng tạo. Một thế trận ngoại giao ba tầng (ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, ngoại giao nhân dân) đã được thiếp lập, kết hợp với ba tầng mặt trận (trong nước, Đông Dương và thế giới). Phối hợp đồng loạt giữa tấn công quân sự trên khắp các chiến trường với triển khai mở các cuộc tấn công chính trị và ngoại giao, làm cho tương quan lực lượng giữa ta và địch dần dần thay đổi để cuối cùng giành thắng lợi...

Bước sang thế kỷ XXI, tình hình quan hệ quốc tế và mối quan hệ hợp tác quốc tế đã khác nhiều so với lịch sử những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quan hệ quốc tế từ “lưỡng cực” chuyển sang thế giới đa cực, nhiều chiều, ngoại giao Việt Nam phải xử lý mối quan hệ quốc tế trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững nền độc lập đất nước, đồng thời cùng phát triển với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.

Nghiên cứu những bài học rút ra từ tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh mới là yêu cầu thiết thực đối với công tác ngoại giao và quan hệ quốc tế hiện nay. Bởi vì dù cho thế giới có biến đổi, thì nhu cầu về hoà bình, độc lập dân tộc của nhân dân ở tất cả các quốc gia vẫn không hề thay đổi, và vấn đề lợi ích dân tộc hài hòa trong mối quan hệ quốc tế vẫn phải được coi là tối thượng không được rời bỏ, xem thường. Đó là những nguyên tắc, bài học ngoại giao của thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng đó đã soi sáng trong quá khứ và sẽ vẫn còn dẫn dắt chúng ta đi đến thành công trong cả hiện tại và tương lai.