Tác giả bài viết tại Myanmar. |
Vùng đất của những ngôi đền cổ
Tháng 7/2022, sau ba chặng máy bay, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu cũng đến được Bagan, Myanmar - nơi tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 7.
Chiếc máy bay ATR72 bay chậm rãi, chao đảo. Từ trên cao nhìn xuống, Bagan-vùng đất của những ngôi đền cổ của Myanmar trông như một tiểu sa mạc cằn cỗi với nền đất đỏ vàng đặc trưng.
Đoàn đến sân bay ở Bagan vào buổi chiều. Vừa xuống khỏi máy bay, hơi ẩm xộc lên khiến tôi ngửi được “mùi của đất” - cái mùi quen thuộc tôi vẫn thường thấy khi cơn mưa rào mùa Hè bất chợt kéo đến.
Để phòng dịch, chúng tôi phải xét nghiệm Covid-19 và đeo khẩu trang liên tục. Hai cán bộ của đoàn dương tính, các F1 khác phải cách ly. Cả đoàn 14 người thì giờ chỉ còn một nửa lên chiếc xe 32 chỗ từ sân bay Nyaung U về thẳng khách sạn.
Con đường bê tông có phần gồ ghề, bác tài xế không đóng cửa xe, phải chăng để tránh Covid-19? Chúng tôi ngồi yên, nắm chắc tay ghế. Tôi chọn ngồi cạnh cửa sổ để ngắm bên ngoài, những ngôi chùa tháp lớn bé vun vút qua trước mắt.
Mất chừng 10 phút đi xe từ sân bay về khách sạn. Dọc đường, tôi chỉ toàn thấy những mái chùa, đỉnh tháp rêu phong cổ kính xen kẽ những hàng cây, thi thoảng lại bắt gặp những chú bò trắng tha thẩn gặm cỏ ven đường, không có sự xuất hiện của cuộc sống hiện đại.
Chương trình lần này dày đặc, lại kiêm nhiệm từ quay phim, chụp ảnh và tin bài khiến tôi “tối mắt, tối mũi”. Không chỉ vậy, tại các sự kiện, phóng viên rất đông, lại toàn nam giới khiến tôi có phần lo lắng. Thế nhưng, mọi sự lo lắng cũng qua đi, công việc thuận lợi, tôi có được những tin bài, hình ảnh chất lượng cho chuyến đi.
Tranh thủ thời gian rảnh, tôi lên đỉnh tháp Nan Myint ngắm Bagan từ trên cao. Tôi bị choáng ngợp bởi số lượng chùa, tháp hiện ra trước mắt, nằm nổi bật giữa màu xanh của cây cối trải dài khắp. Tôi hiểu rằng, vì sao người ta dùng từ “biển chùa” hay “thánh địa của những ngôi chùa” để miêu tả về vùng đất này.
Bagan nổi tiếng là đô thành của vương triều thống nhất đầu tiên của Myanmar với những di tích rừng chùa, tháp, không tiếp giáp biển và là một vùng đất khô. Bagan cùng với quần thể Ankor Wat của Campuchia, điện Borobudur của Indonesia hợp thành “ba quần thể kiến trúc Phật giáo lớn nhất thế giới”. Năm 2019, Tổ chức UNESCO đã công nhận thành phố cổ Bagan là Di sản văn hóa thế giới.
Chỉ với diện tích khoảng 65 km2, nhưng ước tính nơi đây từng có đến 2.500 ngôi chùa, đền, tháp, tu viện Phật giáo, đến nay, còn giữ lại được khoảng 2.000 ngôi. Giống với đa số các vùng khác ở Myanmar, người dân Bagan mang trong mình tinh thần thượng tôn đức Phật, tín ngưỡng Phật giáo hòa trộn vào đời sống một cách sâu rộng. Nơi đây không có khói hương nghi ngút, hay những lễ lạt cầu cúng tấp nập ồn ào, mà chỉ thấy người dân mặc longyi (trang phục truyền thống) lặng lẽ cầu nguyện.
Rời Bagan, tôi không khỏi tiếc nuối trong lòng vì không thể khám phá nhiều hơn về một Bagan bình yên ấy và mong rằng sẽ được trở lại vùng đất cố đô “vang bóng một thời” thăm thú, khám phá nhiều hơn.
“Hòn ngọc xanh” của Đông Nam Á
Tháng 9/2022, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu thăm chính thức và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam-Brunei.
Sau chuyến đi đến vùng đất Phật Myanmar, tôi tiếp tục có chuyến công tác đến đất nước Hồi giáo-Brunei Darussalam. Tôi đã đọc đâu đó rằng, Brunei là Vương quốc nhỏ bé nằm nép mình dọc bờ biển phía Bắc đảo Borneo được bao quanh bởi Malaysia, vốn chẳng có gì đặc sắc. Thế nhưng trong lòng lại có chút mong chờ được một lần đặt chân đến một quốc gia thịnh vượng của Đông Nam Á này.
Tôi có thói quen ngắm nhìn điểm đến qua cửa sổ mỗi khi máy bay chuẩn bị hạ cánh và chuyến đi này cũng không ngoại lệ. Khác với những lần trước đó, lần này tôi ngạc nhiên thực sự khi trước mắt mình là một màu xanh tràn ngập, bao phủ phần lớn diện tích nhỏ bé của quốc gia này.
Brunei có diện tích gần 6.000km2, nhưng có đến 70% diện tích được bao phủ bởi rừng nguyên sinh. Theo lời giới thiệu của cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei, thì mỗi công viên trong thành phố đều như một cánh rừng nhỏ, có thác chảy và tiếng chim.
Brunei có tên đầy đủ là “Negara Brunei Darussalam” với ý nghĩa “Vương quốc của hòa bình và hạnh phúc”. Không biết có phải vì vậy, mà khi vừa đặt chân xuống mảnh đất này, tôi đã cảm nhận được một không khí thật yên bình và cảm nhận nhịp sống có phần chậm rãi và có một chút gì đó buồn.
Từ sân bay về khách sạn, chừng 30 phút, tôi ấn tượng bởi sự tuân thủ quy định giao thông của người dân. Tiếng xe dẫn đoàn vang lên từ xa, tất cả các phương tiện nhanh chóng tấp vào lề đường nhường xe ưu tiên.
Dọc hai bên, chỉ toàn là cây xanh, không có những tòa nhà chọc trời, cũng chẳng thấy quán cóc bên đường. Thậm chí, trong mấy ngày ở Brunei, tôi không bắt gặp một chiếc xe máy hay xe đạp nào lướt qua và cũng không gặp cảnh tắc đường.
Brunei được biết đến là đất nước có trữ lượng dầu khí lớn, sản xuất dầu thô và khí tự nhiên chiếm gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội. Có lẽ nhờ vậy mà cuộc sống của người dân nơi đây được biết đến là một trong những quốc gia có chất lượng cuộc sống cao nhất thế giới.
Đến Brunei đúng vào thời điểm của mùa nóng ẩm, nhiệt độ trong nhà có sử dụng điều hòa và bên ngoài chênh nhau rất lớn. Điều này đã gây khó khăn cho tôi rất nhiều trong quá trình tác nghiệp. Chiếc ống kính máy ảnh của tôi mờ đi mỗi khi di chuyển từ trong nhà ra ngoài trời, đôi khi không kịp trở tay và bỏ lỡ những khung hình đẹp khiến tôi vô cùng tiếc nuối.
Tranh thủ thời gian rảnh hiếm có, tôi đến thăm cây cầu Temburong-cây cầu được Quốc vương Brunei ca ngợi là “biểu tượng nổi bật nhất của sự hiện đại hóa ở Brunei”.
Đây là cây cầu đường bộ vượt biển đầu tiên tại Brunei, kết nối quận Brunei-Muara với quận Temburong. Trước đây, người dân muốn đi lại bằng đường bộ giữa quận Temburong với phần còn lại của Brunei đều phải đi qua lãnh thổ Malaysia và trải qua các thủ tục xuất nhập cảnh nhiều lần nên mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, còn có thể đi bằng đường thủy qua vịnh Brunei, song hành trình này cũng mất đến 45 phút. Những hạn chế về mặt giao thông khiến thị trấn xinh đẹp Temburong bị biệt lập trong thời gian dài.
Ngắm nhìn xung quanh bốn phía của cây cầu, tôi choáng ngợp trong màu xanh yên bình của cây cối và phần nào hiểu tại sao người ta gọi nơi đây là “hòn ngọc xanh” của Đông Nam Á.
Khi ánh hoàng hôn buông xuống, từ khách sạn, ngắm nhìn những mái vòm mạ vàng, những ngọn tháp cao chót vót của nhà thờ Hồi giáo từ xa và những dòng ô tô lặng lẽ di chuyển, không một tiếng còi ồn ã, tôi có thể cảm nhận được sự yên bình của cảnh sắc, sự thong thả trong lối sống của người dân địa phương nơi đây. Tất cả dường như đã tạo nên nét rất riêng cho một Brunei phồn thịnh…
Thời gian ngắn ngủi ở Brunei chưa đủ để tôi có thể khám phá thêm những điều đặc biệt trong văn hóa, cuộc sống ở nơi đây, nhưng hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể trở lại Brunei để khám phá sự nguyên sơ, yên bình và để sống chậm nơi đây một lần nữa.