Nhỏ Bình thường Lớn

Tương lai ảm đạm của người già Trung Quốc khi bước vào tuổi nghỉ hưu

Dân số già đang trở thành một vấn nạn của Trung Quốc, kéo theo đầy rẫy những hệ luỵ. Hệ thống hưu trí không theo kịp tốc độ già hóa khiến nhiều người già phải sống ở mức nghèo khổ với thu nhập chỉ bằng một nửa thu nhập trước khi về hưu.
Người già Trung Quốc không còn 'mặn mà' với lương hưu. (Nguồn: SCMP)
Người già Trung Quốc không còn 'mặn mà' với lương hưu. (Nguồn: SCMP)

Bà Gu Qunzhen, 69 tuổi, một nhân viên kế toán về hưu, bắt đầu ngày mới bằng việc mặc cả với những người bán hàng tại một khu chợ ngoại ô ở thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc. Bà đã chi khoảng 10 Nhân dân tệ (khoảng 36 nghìn đồng) để mua bắp cải, dưa chuột và đậu phụ để chuẩn bị bữa ăn trong ngày cho mình và người chồng 75 tuổi.

Bà Gu vẫn phải trực tiếp đi chợ mặc dù mắt bị mờ do đục thủy tinh thể. Mắt của bà có thể được chữa khỏi nếu được phẫu thuật nhưng bà không chữa trị bởi những khó khăn về tài chính.

“Không sao đâu. Tôi vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ. Những người về hưu chúng tôi nên sống đạm bạc và cố gắng tránh xa các khoản chi phí y tế. Tôi đang tiết kiệm cho các con trai và cháu của mình. Khi chúng già đi, chúng có thể có một cuộc sống chất lượng hơn”, bà Gu chia sẻ.

Nguyên nhân được cho là do số người cao tuổi ngày càng gia tăng và những đóng góp vào hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc đang ngày càng giảm đi.

Thách thức chưa từng có về nhân khẩu học

Các điều tra mới nhất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng trước cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang già đi nhanh chóng.

Với việc ngày càng ít người lao động đóng góp vào hệ thống phúc lợi xã hội bắt buộc và ngày càng có nhiều người cao tuổi cần được hỗ trợ, người già Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi nghỉ hưu.

Tin liên quan
Chính sách 3 con có đảo ngược triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc? Chính sách 3 con có đảo ngược triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc?

Các cuộc điều tra dân số cho thấy, dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 59 của Trung Quốc hiện nay là 894 triệu người, giảm khoảng 5% so với mức cao nhất năm 2011 là 925 triệu người. Trong khi số lượng người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí giảm vào năm ngoái thì số người từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên 191 triệu người vào năm 2020 từ 119 triệu người năm 2010.

Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), một tổ chức tư vấn của nhà nước, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có về nhân khẩu học. Quốc gia này đang già đi nhanh chóng với những người từ 60 tuổi trở lên dự kiến ​​sẽ chiếm một phần ba tổng dân số vào năm 2050.

Trong khi đó, quỹ hưu trí dự kiến đạt đỉnh 6,99 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,09 nghìn tỷ USD) vào năm 2027 có thể bị cạn kiệt vào năm 2035.

Ngoài ra, tỷ lệ phần trăm lương hưu của Trung Quốc cũng cho thấy mức trợ cấp hưu trí khi nghỉ hưu so với thu nhập khi làm việc cũng đã giảm trong nhiều thập kỷ.

Trong khi ở thời điểm năm 1998, lương hưu của những người về hưu tương đương với 87% mức lương trung bình của người lao động thì tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 45% trong những năm gần đây, theo một báo cáo của CASS công bố năm 2020, cho thấy mức sống của người về hưu ở Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Anh Zhang Cheng, 45 tuổi, Giám đốc Marketing tại một công ty internet ở Bắc Kinh, cho biết anh rất sốc khi nhận thấy cuộc sống sau khi nghỉ hưu sẽ không như anh tưởng tượng.

“Cuộc điều tra dân số giống như một hồi chuông cảnh tỉnh. Tôi nghĩ mình sẽ có thể tiếp tục lối sống của tầng lớp trung lưu sau khi nghỉ hưu - đi xem hát, cắm trại với bạn bè vào cuối tuần, lái xe vòng quanh Trung Quốc và thỉnh thoảng dành những kỳ nghỉ ở nước ngoài với con gái. Tuy nhiên, bây giờ nó có vẻ như là một giấc mơ không thực tế”, anh nói.

Zhang là trụ cột duy nhất của gia đình và anh chỉ dựa vào tiền lương của mình để nuôi vợ và con gái 8 tuổi. Trong khi anh nhận được 30.000 Nhân dân tệ một tháng lương thì công ty anh lại không có chương trình hưu trí, có nghĩa là sau khi nghỉ hưu, Zhang sẽ phải dựa vào quỹ lương hưu của nhà nước và sẽ chỉ nhận được ít hơn một nửa mức lương hiện tại.

Không giống như Mỹ và Canada, hệ thống hỗ trợ hưu trí của doanh nghiệp của Trung Quốc vẫn còn kém phát triển, khi hầu hết những người nghỉ hưu sẽ phải dựa vào hệ thống lương hưu công. Theo một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Bắc Kinh, chỉ 3% trong số hơn 17.000 người được hỏi trên toàn quốc có lương hưu thương mại và 0,2% có lương hưu do chủ lao động tư nhân cấp.

“Để mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn, tôi sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để duy trì công việc trước khi tôi có quyền nghỉ hưu vì tuổi nghỉ hưu bắt buộc sẽ được tăng lên. Có Chúa mới biết sự cạnh tranh sẽ mạnh mẽ như thế nào khi tuổi 35 đã được coi là già trong lĩnh vực internet ở Trung Quốc", anh Zhang than thở.

Báo động tình trạng "già trước khi giàu"

Tháng 3/2021, chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ có thể dần hoãn tuổi nghỉ hưu theo quy định trong vòng 5 năm tới, nhưng không công bố chi tiết về kế hoạch. Trung Quốc hiện đang có tuổi nghỉ hưu thấp nhất trên thế giới, 50 tuổi đối với phụ nữ là lao động phổ thông, 55 tuổi đối với phụ nữ là lao động hành chính. Ở nam giới, tuổi nghỉ hưu là 60.

Các cuộc thảo luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân. Các chủ đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu đã trở thành đề tài được bàn tán nhiều trong những ngày qua trên các trang mạng xã hội Trung Quốc sau khi thông báo chính thức được đưa ra vào tháng 3, thu hút hàng trăm triệu lượt xem và bình luận chỉ trích.

Tương lai ảm đạm của người già Trung Quốc khi bước vào tuổi nghỉ hưu
Một thực tế đáng báo động hơn là Trung Quốc đang già đi trước khi trở nên giàu có. (Nguồn: Financial Times)

Năm 2000, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già (65 tuổi trở lên) ở Trung Quốc là 10:1. Tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 5:1 vào năm 2020. Thậm chí theo một dự báo của Liên hợp quốc, tỷ lệ này sẽ giảm thêm xuống 4:1 vào năm 2030 và thậm chí là 2:1 vào năm 2050.

Theo ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoãn tuổi nghỉ hưu theo thời gian.

“Tỷ lệ dân số già ở Trung Quốc ngang với Nhật Bản vào năm 1992, và Hàn Quốc vào năm 2015. Và tỷ lệ này sẽ tăng lên trong những năm tới. Một thực tế đáng báo động hơn là Trung Quốc đang già đi trước khi trở nên giàu có”.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều bắt đầu già đi nhanh chóng khi họ giàu gấp 3 lần Trung Quốc. Năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người hằng năm của các hộ gia đình thành thị ở Trung Quốc lên tới 43.834 Nhân dân tệ (tương đương 157,6 triệu đồng), và 17.131 Nhân dân tệ (khoảng 61,6 triệu đồng) đối với các hộ gia đình nông thôn.

Trong khi thu nhập của cư dân nông thôn tăng nhanh hơn cư dân thành phố trong những năm gần đây, hệ thống lương hưu của nhà nước cho khu vực nông thôn thậm chí còn có nhiều lỗ hổng lớn hơn.

Tin liên quan
Trung Quốc - Nguy cơ ‘già trước khi giàu’ và áp lực với tham vọng kinh tế Trung Quốc - Nguy cơ ‘già trước khi giàu’ và áp lực với tham vọng kinh tế

Năm 2008, Trung Quốc đã đưa ra hệ thống lương hưu nông thôn. Theo đó, những người nông dân đóng góp hằng năm ít nhất 100 Nhân dân tệ (khoảng 360 nghìn đồng) để có thể nhận được số tiền tối thiểu hằng tháng là 55 Nhân dân tệ (gần 180 nghìn đồng) khi họ đủ 60 tuổi.

Trong khi đó, những người nghỉ hưu ở thành thị nhận lương hưu trung bình mỗi tháng là 2.362 Nhân dân tệ (khoảng 8,5 triệu đồng) theo dữ liệu chính thức công bố năm 2016.

Bà Zeng Wenjing, 65 tuổi, nhận lương hưu hằng tháng 60 Nhân dân tệ (khoảng 215 nghìn đồng) ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Sống với con trai và cháu gái ở Bắc Kinh, bà cho biết đã tiết kiệm cả đời.

Bà đã không dám mua bất kỳ bộ quần áo mới nào cho mình trong 10 năm qua và trò giải trí bà tham gia là khiêu vũ ở các quảng trường ngoài trời.

“Ngày trước, những người nông dân chúng tôi không được tham gia mạng lưới phúc lợi xã hội, phải sống dựa vào đất đai và con cái khi về già. Bây giờ, chúng tôi được hỗ trợ bởi một hệ thống hưu trí nông thôn. Nó tốt hơn trước đây, nhưng vẫn không đủ.

Tôi luôn nói với con trai mình phải tiết kiệm và tiết kiệm từng xu để chuẩn bị cho những ngày sau khi nghỉ hưu khi thu nhập có thể sẽ thấp hơn đáng kể”, bà chia sẻ.

Ông Cai Fang, Phó chủ tịch của CASS và là nhà kinh tế nhân khẩu học hàng đầu ở Trung Quốc, cho biết quốc gia châu Á đã đạt đến “bước ngoặt Lewis”, còn gọi là sự suy giảm của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động vào năm 2010, chấm dứt hàng thập kỷ tăng trưởng hai con số.

"Dân số Trung Quốc có thể đạt đỉnh trước năm 2025", ông Cai Fang nhận định. Bước ngoặt mới có thể khiến tăng trưởng lao dốc và dẫn đến cung không đủ cầu. Nó sẽ tạo ra một tác động bất lợi đến việc thúc đẩy tiêu dùng ở Trung Quốc.

Hàn Quốc cấp visa 5 năm cho người Việt vì áp lực dân số giảm?
IMF cảnh báo nguy cơ từ dân số già hóa tại khu vực châu Á
Nước giàu và nghịch lý “càng già, càng nghèo”
Giải mã tình trạng tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản
Dân số Nhật Bản giảm nhanh nhất trong lịch sử
TIN LIÊN QUAN

(theo SCMP)