📞

Tuyên bố chung của Mỹ với hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản khác biệt khi nhắc đến Nga và Trung Quốc như thế nào?

Đỗ Hoàng 07:00 | 26/05/2022
Hai tuyên bố chung cấp lãnh đạo Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Joe Biden đều tập trung hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời cũng có những điểm khác biệt.
Ngày 20-24/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du châu Á đầu tiên, làm việc với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-youl. (Nguồn: NewsBeezer)

Ngày 20-24/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du châu Á đầu tiên, làm việc với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-youl.

Tại đây, Washington và các đồng minh đã đưa ra hai tuyên bố chung cấp lãnh đạo Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật.

Mặc dù cùng tập trung vào an ninh khu vực và cùng thúc đẩy quan hệ đồng minh hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, nhưng nội dung hai văn bản có nhiều điểm khác biệt và đáng chú ý.

Thách thức từ Trung Quốc

Tuyên bố Mỹ-Hàn không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc. Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc cũng được đề cập hết sức “nhẹ nhàng".

Cụ thể, tuyên bố chỉ ra rằng hai nước phải đối mặt với các “thách thức với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Về Biển Đông, văn bản cũng chỉ dẫn lại cam kết duy trì tự do hàng hải – hàng không và luật quốc tế mà hai nước từng đề cập nhiều lần trước đó. Về Đài Loan, hai nước coi đây là yếu tố “cần thiết” cho hòa bình khu vực.

Trái lại, tuyên bố chung Mỹ-Nhật lại đề cập các vấn đề liên quan tới Trung Quốc một cách trực tiếp hơn và liệt kê hàng loạt thách thức cụ thể.

Theo đó, tuyên bố nhấn mạnh đến "các hành động cưỡng ép kinh tế và bằng các công cụ khác". Về Biển Đông, hai nước phản đối mạnh mẽ yêu sách phi pháp và hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc. Về Đài Loan, hai nước coi đây là yếu tố “không thể thiếu” và Trung Quốc cần theo đuổi tiến trình hòa bình.

Ngoài ra, văn bản còn nêu ra các quan ngại của Mỹ và Nhật Bản như năng lực hạt nhân ngày một lớn của Trung Quốc, thỏa thuận an ninh “không minh bạch” giữa Trung Quốc và Solomon, hợp tác quân sự Nga-Trung hay diễn biến nhân quyền tại Hong Kong và Tân Cương…

Sự khác biệt này chưa chắc là vì lý do kinh tế bởi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Tùy thuộc kinh tế của Hàn Quốc và Nhật Bản vào Trung Quốc cũng rất lớn khi Trung Quốc chiếm hơn 20% thương mại của cả hai.

Lý giải cho sự khác biệt này có lẽ đến từ sự chi phối chiều hướng chính sách an ninh - đối ngoại. Năm 2021, Nhật Bản có nhiều động thái cho thấy chính sách mạnh mẽ hơn trong các điểm nóng an ninh Đông Á, bao gồm Đài Loan (lần đầu đưa an ninh Đài Loan vào Sách Trắng) và Biển Đông (liên tiếp nhắc đến Biển Đông trong các tuyên bố song-đa phương).

Trong khi đó, chính quyền ông Moon Jae-in được coi là theo đuổi chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc và đối thoại với Triều Tiên (do đó, càng cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh hơn). Mặc dù chính quyền của Tổng thống Yoon có thể sẽ thay đổi chiều hướng này trong tương lai, nhưng hiện vẫn trong quá trình chuyển giao trong tháng 5 nên nếu có thay đổi, vẫn cần thêm thời gian.

Tuyên bố chung Mỹ-Nhật đề cập các vấn đề liên quan tới Trung Quốc một cách trực tiếp và liệt kê hàng loạt thách thức cụ thể. Trong ảnh là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 23/5. (Nguồn: AP)

Xung đột tại Ukraine

Tại Hàn Quốc, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ có nhắc đến xung đột tại Ukraine, nhưng nhấn mạnh chính sách của mình là một phần nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế. Hợp tác riêng của Hàn Quốc và Mỹ về vấn đề Ukraine chỉ tập trung vào an ninh phi truyền thống (năng lượng và khí hậu) và hỗ trợ nhân đạo.

Cách tiếp cận này khá tương đồng với lập trường của Hàn Quốc thời Tổng thống Moon Jae-in. Cụ thể là không đưa ra biện pháp trừng phạt Nga riêng rẽ mà chỉ tham gia cùng cộng đồng quốc tế.

Ở một chiều hướng khác, tuyên bố Mỹ-Nhật tiếp cận vấn đề Ukraine theo hướng mạnh mẽ và chủ động hơn khi khẳng định đây là “thách thức ngắn hạn lớn nhất” với trật tự khu vực, cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là hành động "đơn phương và không thể biện minh".

Mỹ và Nhật cũng gắn lập trường của mình với cộng đồng quốc tế nhưng tiến xa hơn khi khẳng định các trừng phạt kinh tế cần để lại hệ quả lâu dài và kêu gọi Trung Quốc phải có những động thái chỉ trích dứt khoát.

Các cơ chế tiểu đa phương

Điểm đáng lưu ý trong cả hai tuyên bố chung là một nội dung các văn bản của Mỹ với hai nước này trước đây chưa từng có.

Trong đó, Mỹ hoan nghênh sự quan tâm của Tổng thống Yoon với Bộ tứ (Quad). Tương tự, tuyên bố chung Mỹ-Nhật cũng nhấn mạnh các hoạt động quan trọng của liên minh an ninh 3 bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS).

Dù Hàn Quốc đã tuyên bố ủng hộ Bộ tứ và Nhật đã tuyên bố ủng hộ AUKUS trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên những cơ chế tiểu đa phương này được đưa vào tuyên bố chung với Mỹ.

Mỹ từng khẳng định chưa mời Hàn Quốc vào Bộ tứ và Nhật Bản vào AUKUS nhưng có thể xem đây là động thái mở đường. Đặc biệt khi hai nước từng “đánh tiếng” tham gia vào các cơ chế này.

Đại sứ Nhật tại Australia từng tuyên bố Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với AUKUS, trong khi tân Tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ xem xét tích cực nếu Hàn Quốc được mời vào Bộ tứ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol họp báo chung ngày 20/5. (Nguồn: Yonhap)

Trong bối cảnh Bộ tứ dần định hình cơ chế theo hướng phi quân sự và tập trung vào các nền dân chủ, Hàn Quốc là lựa chọn đương nhiên.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng vừa ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) với Australia và Anh trong năm 2022, hoàn tất khung thỏa thuận an ninh với cả ba nước AUKUS.

Có thể thấy rõ Tuyên bố chung Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật năm 2022 có nhiều khác biệt, nhất là về thách thức từ Nga và Trung Quốc, phản ánh chiều hướng chính sách đối ngoại tổng thể của Seoul và Tokyo.

Hai tuyên bố cũng có những nội dung mới liên quan đến các cơ chế tiểu đa phương khác nhau. Tuy nhiên, các tuyên bố đều phản ánh hợp tác an ninh của các nước với Mỹ trong bối cảnh quốc tế và đối nội mới (cả hai đều có lãnh đạo mới trong năm vừa rồi), đều góp phần củng cố hệ thống đồng minh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn trong khu vực.