Những ngày gần đây dư luận xôn xao chuyện nhiều thí sinh “dở khóc dở cười” khi đạt 29, thậm chí 30 điểm vẫn trượt trường đại học mà mình mong muốn. Tiến sĩ nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Tôi nhận thấy kỳ thi THPT Quốc gia năm nay chưa đạt được kết quả như mong muốn, dù điểm số của các em khá cao. Với tiêu chí phân hóa để chọn lựa nhân tài, thí sinh có số điểm cao tuyệt đối cả ba môn nhiều đến mức đáp ứng đủ nhu cầu tuyển sinh của trường. Theo tôi, rõ ràng điều này là không ổn. Chúng ta tuyển sinh vốn đã không có các tiêu chí đi kèm như: quá trình học tập, thực tập, hoạt động xã hội… Các trường chỉ trông cậy vào mỗi kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh. Vậy mà những câu chuyện “cười ra nước mắt” vẫn xảy ra.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Ảnh: NVCC) |
Trên thực tế, những tranh cãi về chuyện cộng điểm ưu tiên khu vực không phải lần đầu mới có. Thế nhưng, năm nay đây lại là đề tài nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội khi có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao. Để rồi, nhiều ý kiến cho rằng việc cộng điểm ưu tiên chưa hợp lý. Quan điểm của bà ra sao?
Tôi nhận thấy, nếu như cách đây 30 – 40 năm, chủ trương này đem lại công bằng cho các thí sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, nơi có điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn. Nhưng ngày nay, chủ trương này cần có sự điều chỉnh khi nó đang mang lại những bất cập đối với các thí sinh ở thành phố.
Trước đây, điều kiện kinh tế còn khó khăn, chuyện cộng điểm ưu tiên vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng giờ đây, khi đất nước đã phát triển hơn rất nhiều, các thí sinh vùng nông thôn cũng có điều kiện học tập tốt hơn, cộng thêm sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin... nên chế độ cộng điểm này không còn phù hợp. Đặc biệt, nếu so sánh thí sinh tại các thị trấn, thị xã của các tỉnh thành quanh Hà Nội thì các thí sinh tại một số huyện của Hà Nội còn khó khăn vất vả và thiếu thốn hơn nhiều. Tuy nhiên, với cái “mác” là cư dân Hà Nội, các em đã phải chịu sự thiệt thòi rất lớn.
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy rõ rằng, dù ở Hà Nội nhưng cũng không thiếu các gia đình có gia cảnh vô cùng khó khăn, chạy ăn từng bữa. Như vậy, vô hình trung, chế độ cộng điểm đang khiến sự mất công bằng tăng lên.
Năm 2017, điểm chuẩn tạo kỷ lục mới ở nhiều trường top trên nhưng nhiều thí sinh điểm rất cao, thậm chí tối đa, lại vẫn trượt đại học vì không có điểm ưu tiên. Nhiều người cho rằng, điểm ưu tiên đang tạo nên sự bất công đối với các học sinh giỏi thực sự. Bà có đồng tình với nhận định này không, thưa Tiến sĩ?
Tôi nghĩ, sự bất công là quá rõ ràng. Với số điểm 30, nghĩa là ba môn đạt 10 điểm, trình độ các em chắc chắn phải khác với những em có số điểm 27. Chênh nhau 0.5 đến 1 điểm là sự chênh lệch không lớn lắm. Nhưng nếu chênh đến 3 điểm hay 3,5 điểm, chắc chắn lại là câu chuyện khác. Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng chúng ta tuyển lựa thí sinh theo vùng miền thay vì tuyển chọn nhân tài?
Ở nhiều trường đại học trên thế giới, các tiêu chí phụ thường giúp họ chọn lựa sinh viên phù hợp hơn. Các tiêu chí đó là hoạt động xã hội, công tác cộng đồng. Ở Việt Nam, tiêu chí phụ là điểm một trong các môn thi phải đạt ở mức độ nào? Điều này giúp các trường gạt đi lượng thí sinh điểm không thật sự cao mà đạt điểm chuẩn nhờ điểm ưu tiên. Rõ ràng, điểm ưu tiên cũng đã làm khó cho các trường trong khâu xét tuyển vào đại học.
Nhiều điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay khiến cho việc xét tuyển gặp không ít khó khăn. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Đối chiếu với kinh nghiệm các nước thì chúng ta nên có những điều chỉnh gì trong việc xét tuyển vào Đại học, thưa Tiến sĩ?
Tôi nghĩ, nếu học tập kinh nghiệm thi cử ở nước ngoài, chúng ta nên áp dụng toàn phần chứ đừng học một góc rồi về áp dụng. Điều đó sẽ đem lại kết quả méo mó.
Ở các nước, họ không tổ chức thi tuyển sinh đại học, chỉ thi tốt nghiệp rồi xét tuyển. Tuy nhiên, dù họ không thi tuyển “đầu vào” nhưng “đầu ra” lại vô cùng khó khăn. Điều đó đã giúp các sinh viên phải học thực sự và nhà trường cũng chọn lựa gắt gao những người thực sự tài năng để cấp bằng. Khi đó, tấm bằng mới thực sự giá trị.
Còn ở Việt Nam, chúng ta cũng việc học tập kinh nghiệm các nước nhưng lại tiến hành một cách nửa vời khi xét tuyển quá dễ dàng. Bên cạnh đó, khâu đánh giá sinh viên cũng tương đối buông lỏng. Sinh viên vào trường gần như chắc chắn sẽ ra trường và được cấp bằng. Chính vì cả “đầu vào” lẫn “đầu ra” chưa siết chặt, nên nạn thất nghiệp tràn lan cũng là điều dễ hiểu.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!