Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn. |
Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý. Điều đáng lưu ý, trong số đó, có khoảng 70% số người nghiện dưới 30 tuổi; 5% người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi), riêng trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50%.
Những con số “biết nói” này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ma túy xâm nhập học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp là môi trường học đường và bản thân các em học sinh, sinh viên.
Ma túy ngày càng biến tướng, giả dạng và trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, khó nhận biết với những tên gọi lại vô cùng hấp dẫn lứa tuổi học sinh như nước vui, trà sữa, nấm ma thuật, tem giấy, bóng cười – funkyball,…
Các hoạt động tội phạm ma túy cũng ngày một tinh vi, xảo quyệt. Bên cạnh những loại ma túy mới, những kẻ buôn bán cũng liều lĩnh và có nhiều cách tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo “con mồi” như ở quán nước, quán karaoke, vũ trường, thậm chí là ở một tiệc vui bất kỳ…
Khi các em học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy sẽ dẫn đến tình trạng chung đó là thiếu ý thức đề phòng, nhất là khi ma túy ngày càng nhiều chủng loại khác nhau, đa dạng về hình dáng, kích thước được trà trộn vào trong đồ ăn, thức uống hàng ngày. Ngoài ra, việc các em học sinh không có nhiều kỹ năng xử lý những tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy cũng có thể khiến các em dễ trở thành nạn nhân của ma túy.
Để bảo vệ thế hệ trẻ, tránh xa khỏi tệ nạn ma túy, hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với lực lượng công an các địa phương, Tỉnh đoàn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cho học sinh, sinh viên và đoàn viên, thanh niên trong công tác phòng, chống ma túy.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên coi công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học. Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy với nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng “Ngày thế giới và ngày toàn dân phòng, chống ma túy”, phát động học sinh sinh viên “Chung tay nói không với ma túy, vì chính bạn và cộng đồng” trong tất cả cơ quan, trường học… với hơn 30 ngàn lượt người tham gia. Từ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các nội dung về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, cơ sở giáo dục, của cán bộ, viên chức và HSSV trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trên thực tế công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy tại nhiều nhà trường trong thời gian qua chưa đồng bộ và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, việc tuyên truyền còn dàn trải và chưa có nhiều chương trình có tính chất chuyên đề, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ; nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục còn mang tính hình thức, thời lượng mà không chú trọng đến nội dung và chất lượng.
Bộ tài liệu gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. |
Do tác động của nhiều yếu tố, tần suất thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục còn thưa thớt, thiếu tính liên tục. Trong khi đó, hầu hết các em học sinh tham gia các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy mang tính ép buộc, tham gia cho có và không chủ động tham gia.
Ở nhiều trường học, những hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy lại không được giám sát kỹ lưỡng, thiếu sự đồng nhất về nội dung có thể vô tình tạo ra phản ứng ngược. Bên cạnh đó, các hình thức truyền thông chưa phong phú, chưa thuyết phục vì ít dẫn chứng cụ thể; ít những hoạt động ngoại khóa để học sinh, được trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến ma túy; không có nhiều cơ hội để học sinh được tiếp xúc với những người thật, việc thật.
Các phương pháp, công cụ truyền thông cũng chưa phát huy được hiệu quả cao, chưa làm nổi bật được tác hại và các kỹ năng phòng ngừa ma túy. Theo đó, các phương pháp truyền thông chủ yếu còn thô sơ như: treo pano, khẩu hiệu, áp phích, băng rôn;... Việc tổ chức các biện pháp tuyên truyền phòng, chống ma túy bằng hình thức sân khấu hóa, chiếu phim lưu động, kể truyện, tài liệu sách vở còn nhiều hạn chế và chưa có sự đồng bộ. Đặc biệt, chưa có tài liệu chính thống về phòng chống ma túy cho các em học sinh.
Những bất cập này dẫn đến việc nhiều em học sinh, sinh viên không có nhiều những kỹ năng để phòng chống ma túy hay để đối đầu, xử lý với nhiều tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma túy. Đồng thời, các em còn nhiều lỗ hổng trong mảng nhận thức về ma túy nói chung, dẫn đến dễ trở thành nạn nhân của "cái chết trắng".
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong trường học, xây dựng các “trường học không ma túy” trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Cụ thể là tiếp tục quán triệt các Chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác phòng, chống ma túy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên, HSSV và giáo viên bằng nhiều hình thức phong phú. Làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các lực lượng chức năng chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống ma tuý.
Sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và gia đình để quản lý chặt chẽ học sinh trong thời gian nghỉ hè, tránh xa các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy và các loại tội phạm. Tổ chức các sân chơi bổ ích, huy động HSSV vào các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao lành mạnh, đẩy lùi ma túy.
Tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên có liên quan đến ma túy tại các địa phương. Tăng cường công tác quản lý HSSV ngoại trú. Tổ chức cho HSSV các trường trên địa bàn ký cam kết không tham gia tệ nạn xã hội, không sử dụng và mắc nghiện các chất ma túy. Đưa chương trình tuyên truyền phòng, chống ma túy tích hợp vào các các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.
Tổ chức đánh giá hoạt động “Câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống ma túy”, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, sơ kết, tổng kết việc thực hiện phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm kế tiếp.
Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 22/6, bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn đã được giới thiệu và ngay sau đó đã thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng. Bộ tài liệu gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Mỗi cuốn tài liệu đều trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. |