Mặc dù các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, chống phá bằng nhiều thủ đoạn trước Ngày bầu cử 23/5, song người dân vẫn quyết chí một lòng tham gia bầu cử để thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bất tuân dân sự là gì?
Bất tuân dân sự là hành vi hoặc hoạt động của công dân từ chối tuân theo mệnh lệnh hoặc luật pháp của Nhà nước nhưng không dùng đến bạo lực, khi họ tin rằng mệnh lệnh hoặc quy định pháp luật đó không hợp lý, bất hợp pháp hoặc trái với lương tâm, đạo đức của con người.
Quan niệm về sự bất tuân dân sự được nhà tư tưởng người Mỹ Henry David Thoreau đưa ra trong bài viết "Về sự bất tuân dân sự" xuất bản vào tháng 5/1849, để lý giải cho việc ông bị ngồi tù vì không nộp thuế nhằm chống lại chế độ nô lệ.
Có lẽ trường hợp thành công nhất của bất tuân dân sự trong lịch sử là “phong trào bất hợp tác” mà Mahatma Gandhi (1869-1948) đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Anh.
Ông kêu gọi người dân Ấn Độ làm tê liệt sự cai trị của chính quyền thuộc địa bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm cả việc không nộp thuế và không tuân theo mệnh lệnh công quyền. Phương pháp đấu tranh này đã giúp cho Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947.
Khi nào bất tuân dân sự được thừa nhận?
Từ trường hợp của Ấn Độ có thể nhận thấy rằng, bất tuân dân sự chỉ cần thiết trong những điều kiện chính trị cực kỳ đặc biệt, nhất là khi mọi phương pháp đã cạn kiệt, và sự điều hành của chính phủ đã đi chệch ý muốn của đa số nhân dân.
Ngược lại, trong các trường hợp thông thường, bất tuân dân sự không thể được chấp nhận vì mâu thuẫn với nguyên tắc pháp quyền. Trong Nhà nước pháp quyền, mọi chủ thể đều phải tuân theo pháp luật. Nếu có hành vi vi phạm pháp thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý.
Vấn đề đặt ra là, không thể đảm bảo chắc chắn rằng, mọi đạo luật do Nhà nước ban hành đều hợp lý hoặc có thể đáp ứng được lợi ích của tất cả các chủ thể trong xã hội.
Do đó, sẽ có trường hợp một hoặc một nhóm người không đồng ý với quy định pháp luật đó. Nếu vậy, họ có quyền không tuân thủ quy định pháp luật đó (tức là bất tuân dân sự) hay không, hay có cách nào để đề xuất quan điểm về vấn đề này?
Có thể khẳng định ngay rằng, nếu thực hiện bất tuân dân sự thì chủ thể đó đã vi phạm pháp luật, và chắc chắn sẽ bị xử lý bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc về tính quy phạm bắt buộc của pháp luật – một trong những lý luận cơ bản, đã và đang được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.
Thay vào đó, người dân có thể sử dụng các phương pháp hợp pháp để bày tỏ ý chí như gửi thư kiến nghị, tham gia góp ý xây dựng pháp luật, trình bày quan điểm trong các buổi tiếp xúc cử tri.
Thực tế ở Việt Nam
Hiện nay, các nhà dân chủ cuội và các tổ chức phản động lưu vong thường kêu gọi người dân thực hiện bất tuân dân sự dưới 2 hình thức phổ biến là bất tuân chủ động và bất tuân bị động.
Bất tuân chủ động là hình thức kêu gọi người dân chủ động hành động chống lại chính quyền, như không chấp hành giải phóng mặt bằng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đòi thành lập các tổ chức xã hội dân sự như Hội anh em dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam, Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Hội nhà báo độc lập Việt Nam, Hội văn đoàn độc lập Việt Nam; biểu tình chống đối chính quyền, lôi kéo người dân đập phá tài sản công, tụ tập đông người gây rối, bạo loạn.
Những người thực hiện bất tuân dân sự chủ động nhận thấy cần thiết phải hành động như vậy, vì đó là sử dụng quyền của công dân để kiềm chế những chính sách sai lầm của Nhà nước.
Các thế lực thù địch ủng hộ lập luận này và mong muốn bất tuân dân sự diễn ra càng lâu càng tốt, phạm vi càng rộng càng có giá trị. Tuy nhiên, hành vi bất tuân chủ động trên là sai trái, bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, Nhà nước Việt Nam được thành lập hợp hiến và hợp pháp, tất cả vì nhân dân, vì vậy, mọi chính sách, pháp luật Nhà nước Việt Nam ban hành đều vì lợi ích của nhân dân và xã hội.
Không thể tìm thấy bất cứ đạo luật hoặc chính sách nào được ban hành để đàn áp người dân hoặc đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Điều này khác hoàn toàn với bản chất thực dân, thuộc địa của chính quyền Anh quốc, được lập ra để bóc lột người dân Ân Độ những năm đầu thế kỷ XX.
Thứ hai, đối với một dự luật hoặc dự thảo chính sách, việc có ý kiến ủng hộ, ý kiến phản đối là điều không thể tránh khỏi, vì vậy trong quá trình soạn thảo, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều tổ chức lấy ý kiến nhân dân; trong các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội đều dành thời gian để người dân bày tỏ quan điểm; ngoài ra, người dân có thể gửi kiến nghị tới các cơ quan Nhà nước, các đại biểu dân cử.
Trường hợp nhận thấy các đạo luật hoặc chính sách đã được ban hành nhưng còn tồn tại bất hợp lý, người dân có thể tiếp tục gửi kiến nghị tới cơ quan Nhà nước, tới đại biểu do mình bầu ra, thậm chí có quyền không bỏ phiếu cho những ứng viên nếu nhận thấy họ không thể đại diện được ý chí và nguyện vọng của người dân vào những kỳ bầu cử tiếp theo.
Như vậy, có rất nhiều kênh hợp pháp để người dân đề đạt ý chí, nguyện vọng, thay vì thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là bất tuân dân sự.
Thứ ba, trong Nhà nước Việt Nam của dân, do dân và vì dân, chưa từng xuất hiện trường hợp toàn thể người dân đều phản đối một dự luật nào đó.
Do vậy, một nhóm nhỏ những người phản đối không thể đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam để chống lại các chính sách của Nhà nước.
Thứ tư, nếu là bất tuân dân sự thì không thể có hành vi bạo lực. Trong khi đó, những người chống đối thường có các hành động như đập phá trụ sở cơ quan công quyền, đánh người thi hành công vụ, đốt phá tài sản…
Đây đều là những hành động có tính chất bạo loạn, thay vì ôn hoà, bất bạo động như đòi hỏi vốn có của bất tuân dân sự.
Bất tuân thụ động là hành vi kêu gọi người dân không thực hiện các hoạt động để phát triển đất nước, ví dụ tẩy chay hàng hóa trong nước, vận động kiều bào không gửi ngoại tệ về cho người thân, kích động mọi người đình công, không làm việc, kêu gọi mọi người không đi bỏ phiếu bầu cử…
Một số thành phần phản động lưu vong đã lên sóng kêu gọi người dân trong nước tẩy chay sử dụng hàng hóa như không mua vé số, ngừng dùng điện thoại, đừng mua nhà, mua xe, không mua bất cứ hàng hóa gì…, vì cho rằng việc tẩy chay sẽ khiến Nhà nước Việt Nam yếu đi, không còn tiền để đàn áp nhân dân.
Chưa hết, những thành phần chống phá này còn khuyên 20 triệu tiểu thương Việt Nam hãy mua mỳ gói về nhà để dành, đóng cửa không buôn bán trong 2 tuần, như thế Nhà nước sẽ không có nguồn thuế để tồn tại.
Ngoài ra, họ kêu gọi kiều bào không gửi tiền cho người thân trong nước, vì gửi ngoại tề về sẽ góp phần củng cố sức mạnh cho chính quyền và khiến Nhà nước quên đi nghĩa vụ chăm lo cho nhân dân.
Bên cạnh đó, họ khuyên nhủ công chức, viên chức cứ lai rai, cáo bệnh, không đi làm để tạo ra sự gián đoạn trong hoạt động của chính quyền.
Bầu cử - Quyền của nhân dân
Trong những ngày chuẩn bị diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức Việt Tân đã ra sức kêu gọi tẩy chay bầu cử và xuyên tạc rằng, Nhà nước Việt Nam bắt ép dân đi bầu, thậm chí chính quyền còn mang hòm phiếu đến tận nhà bắt dân bỏ phiếu, nếu không bầu cử sẽ bị xử phạt và gây khó dễ sau này.
Thực tế cho thấy, tất cả những gì diễn ra ở Việt Nam đều ngược lại với lời kêu gọi của những phần tử phản động.
Đất nước ngày càng thịnh vượng, hàng hóa ngập tràn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; nhà máy, xí nghiệp, tiểu thương chẳng ai muốn đóng cửa mà chỉ mong mở rộng sản xuất, kinh doanh; trường học, bệnh viện, cơ quan, công sở hàng ngày vẫn hoạt động phục vụ nhân dân; ngoại tệ kiều bào gửi về xây dựng đất nước ngày càng tăng, chứng tỏ đa số người Việt Nam ở nước ngoài vẫn một lòng hướng về Tổ quốc, chỉ có thiểu số người ngày đêm tìm cách chống phá quê hương, đất nước để kiếm tiền từ các tổ chức phản động.
Về vấn đề bầu cử, Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Như vậy, bầu cử là quyền của công dân, Nhà nước không thể bắt ép người dân đi bầu.
Ngoài ra, việc Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu hoặc đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để giúp những người già, ốm đau, người đang bị tạm giam, tạm giữ thực hiện quyền bầu cử là việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự dân chủ và tôn trọng của Nhà nước đối với quyền công dân.
Vậy mà, các tổ chức phản động xuyên tạc thành Nhà nước bắt ép công dân bầu cử - một sự vu khống và bịa đặt trắng trợn.
Người dân đủ hiểu biết để nhận thức rằng, bầu cử là để chọn ra người đại diện cho nhân dân, tham gia vào việc phát triển và kiến tạo đất nước, đó là điều tốt đẹp thì tại sao lại từ chối quyền này.
Trong một thể chế dân chủ, với một chính quyền nhân dân được thành lập hợp hiến và hợp pháp như ở Việt Nam, thì hoàn toàn không có cơ sở cho việc thực hiện bất tuân dân sự.
Những người cố tình dựa vào quan điểm bất tuân dân sự để tham gia các hoạt động phản kháng xã hội có thể gây được tiếng vang đối với những tổ chức chống chính phủ, nhưng họ cần hiểu rằng, đó là hành vi vi phạm pháp luật, không được chấp nhận trong Nhà nước pháp quyền, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc và chịu sự lên án của toàn thể nhân dân.