Việc thu phí khi sử dụng bảo mật hai lớp khiến người dùng Twitter bức xúc. (Nguồn: Twitter) |
Bảo mật hai lớp được xem là một trong những giải pháp bảo mật an toàn nhất hiện nay dành cho các tài khoản trực tuyến như tài khoản email, mạng xã hội, ngân hàng...
Cơ chế bảo mật 2 lớp được thực hiện mỗi khi bạn đăng nhập vào một tài khoản trực tuyến, người dùng sẽ phải điền mật khẩu lần thứ nhất và xác nhận lớp mật khẩu lần thứ 2 được gửi về tin nhắn SMS điện thoại, hoặc được tạo ngẫu nhiên trên ứng dụng, hoặc một thiết bị phần cứng khác. Người dùng phải khai báo đúng 2 mật khẩu thì mới có thể đăng nhập.
Cũng như nhiều nền tảng mạng xã hội khác, Twitter cũng cung cấp cho người dùng tính năng mật khẩu 2 lớp để bảo vệ tài khoản của mình. Người dùng Twitter có thể nhận mật khẩu thứ 2 (mật khẩu OTP) thông qua tin nhắn SMS hoặc thông qua các ứng dụng tạo mật khẩu OTP. Tính năng này được Twitter cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Tuy nhiên, theo thông báo, từ ngày 20/3, người dùng Twitter sẽ phải mất tiền nếu muốn sử dụng tính năng mật khẩu 2 lớp. Theo đó, với những tài khoản Twitter chưa đăng ký dịch vụ Twitter Blue (dịch vụ xác minh tài khoản tích xanh, với mức phí 8 USD/tháng trên Android và 11 USD/tháng trên iOS) sẽ phải mất phí dịch vụ khi nhận mật khẩu OTP được gửi qua tin nhắn SMS. Để tránh mất phí, người dùng có thể chọn nhận mật khẩu OTP thông qua ứng dụng, thay vì nhận bằng tin nhắn SMS.
Động thái của Twitter đã khiến nhiều người dùng mạng xã hội này bức xúc và cho rằng Twitter đang ép họ phải mua dịch vụ Twitter Blue, cũng như đang tìm cách "móc túi" người dùng từ những tính năng nhỏ nhặt nhất.
Kể từ thời điểm Elon Musk chi 44 tỷ USD để thâu tóm và trở thành CEO của Twitter vào cuối tháng 10 năm ngoái, vị tỷ phú này đã chia sẻ công khai các khó khăn về tài chính mà Twitter đang gặp phải.
Việc Elon Musk liên tục thay đổi các chính sách trên Twitter khiến nhiều nhãn hàng cắt giảm quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này, càng khiến Twitter lâm vào khó khăn.
Có lẽ đây chính là lý do Elon Musk đang tìm cách kiếm tiền từ người dùng, thay vì chỉ tập trung vào doanh thu quảng cáo từ các nhãn hàng như trước đây.