Nhỏ Bình thường Lớn

Fed: Có khả năng tăng lãi suất lên 1,9% vào cuối năm để kiềm chế lạm phát

Ngày 21/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bật mí về khả năng tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng 0,25 điểm phần trăm như trong lần tăng mới nhất, nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao ở nước này.
Fed: có khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên 1,9% vào cuối năm nay để kiềm chế lạm phát
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bật mí về khả năng tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng 0,25 điểm phần trăm như trong lần tăng mới nhất. (Nguồn: CNBC)

Dự báo kinh tế hàng quý của Fed được công bố vào tuần trước cho thấy, hầu hết các quan chức Fed đều dự đoán lãi suất liên bang sẽ tăng lên 1,9% vào cuối năm nay và lên khoảng 2,8% vào cuối năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị chính sách kinh tế thường niên của Hiệp hội quốc gia các nhà kinh tế doanh nghiệp (NABE) diễn ra từ ngày 20-22/3 tại thủ đô Washington của Mỹ, ông Powell cho biết, Fed đánh giá lạm phát của Mỹ đang ở mức quá cao, đe dọa tới sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Trước tình hình trên, ông Powell để ngỏ khả năng Fed sẽ có thể tăng lãi suất quỹ liên bang hơn mức 0,25 điểm phần trăm nếu các cuộc họp kết luận rằng điều này là cần thiết. Theo ông, việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục cho tới khi lạm phát trong tầm kiểm soát. Thậm chí, Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nếu cần thiết để ổn định giá cả.

Cũng trong phát biểu của mình, ông Powell đánh giá thị trường việc làm dù có sự phục hồi mạnh mẽ song đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các nhà quản lý đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu lao động, trong khi nhiều người vẫn chưa quay trở lại tham gia thị trường lao động sau dịch Covid-19.

Theo ông Powell, thị trường lao động Mỹ đang trong tình trạng mất cân bằng khi nhu cầu tuyển dụng cao hơn quy mô lực lượng lao động khoảng 5 triệu việc làm. Tuy nhiên, người đứng đầu Fed bày tỏ lạc quan rằng ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường lao động mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái.

Ngay cả với cú sốc giá dầu do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra, ông Powell nhấn mạnh nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và hiện ở trạng thái tốt để có thể xử lý những tác động từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù vậy, ông cũng cảnh báo những diễn biến khó lường trong căng thẳng Nga-Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga có thể tác động đáng kể tới nền kinh tế Mỹ.

Trong tháng 2/2022, giá tiêu dùng tại Mỹ đã lên mức cao kỷ lục mới, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao và tình trạng này có khả năng còn kéo dài, do ảnh hưởng của tình hình căng thẳng tại Ukraine.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 cao hơn 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Lao động Mỹ cho biết, đây là mức gia tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1982 khi giá dầu, lương thực và nhà ở đều tăng.

CPI tăng đồng nghĩa với việc mức giá trung bình của hàng hóa, dịch vụ tăng. Chỉ số này giúp đánh giá mức độ lạm phát của nền kinh tế.

Fed tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát chưa từng thấy, dự kiến sẽ thêm 6 lần nữa

Fed tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát chưa từng thấy, dự kiến sẽ thêm 6 lần nữa

Ngày 16/3 (rạng sáng 17/3 theo giờ Việt Nam), trong một động thái được dư luận đồn đoán từ lâu, Ngân hàng Dự trữ Liên ...

FED tăng lãi suất: Tỷ giá trung tâm Việt Nam giảm, chứng khoán Nhật Bản vẫn tăng

FED tăng lãi suất: Tỷ giá trung tâm Việt Nam giảm, chứng khoán Nhật Bản vẫn tăng

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2022 đã tác động tới tỷ giá ...

(theo AP)