📞

Ukraine ngấm ngầm hồi sinh một sức mạnh vô song bị 'ngủ quên', hy vọng một phép màu

Vy Anh 08:05 | 25/12/2024
Ukraine từng dẫn đầu thế giới trong ngành chế tạo tên lửa. Trước nỗi lo phải "tự đứng trên chân mình", Kiev đang có những tính toán thận trọng để lấy lại phong độ trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ không dễ dàng như trước.
Tên lửa Trembita do Ukraine sản xuất. (Nguồn: The Economist)

Phải "tự đứng trên chân mình"

Trước thực tế không chắc chắn về viện trợ quân sự từ nước ngoài, Ukraine đang nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp tên lửa vốn "ngủ quên".

Động cơ phản lực xung khởi động với tiếng ồn như sấm, khiến mọi người trong gara phải lùi lại một bước. Tên lửa sử dụng động cơ phản lực này là Trembita – tên một loại kèn núi truyền thống của Ukraine. Serhiy Biryukov, đội trưởng đội kỹ sư tình nguyện sản xuất tên lửa cho biết, Trembita có thể bỏ lỡ mục tiêu, tuy nhiên, có những khả năng khiến đối thủ phải khiếp sợ.

Động cơ của Trembita là bản nâng cấp của động cơ phản lực xung đầu tiên do Đức sản xuất vào năm 1944. Ống động cơ thô và luôn ở trạng thái sẵn sàng. Một vỏ hình chữ nhật màu xám kiểu cách hơn được thiết kế bên dưới, che giấu hệ thống dẫn đường và đầu đạn của tên lửa.

Trembita cơ bản bay với tốc độ 400 km/h với tầm bắn 200 km. Một mô hình lớn hơn và mạnh hơn đang được phát triển để có thể tới được Moscow (Nga). Việc sản xuất hàng loạt Trembita sẽ được thực hiện sau các cuộc thử nghiệm thực địa cuối cùng.

Để đạt được thành quả này, các kỹ sư tình nguyện Ukraine chỉ mất một năm rưỡi - kỳ tích trong một lĩnh vực mà thông thường phải mất nhiều năm để đi từ bản vẽ đến chiến trường.

Kiev không chắc chắn có thể trông cậy vào viện trợ quân sự nước ngoài trong bao lâu. Do đó, Trembita là một trong số các dự án tên lửa mà quốc gia Đông Âu hy vọng sẽ hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Vào thời Liên Xô, Ukraine là quốc gia dẫn đầu thế giới về hàng không vũ trụ và tên lửa.

Nhà máy Pivdenmash ở thành phố Dnipro (phía Nam miền Trung của Ukraine) đã sản xuất 4 thế hệ tên lửa chiến lược. Nhưng mạch hoạt động này bị gián đoạn từ năm 1994. Khi đó, tại hội nghị ở Budapest, thủ đô Hungary, các nước gồm Mỹ, Nga, Ukraine, Anh đã ký một bản ghi nhớ đảm bảo an ninh liên quan tới việc Kiev gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (hay còn gọi là Bản ghi nhớ Budapest). Sau đó, mọi nỗ lực để đưa nhà máy Pivdenmash trở lại “phong độ” đều thiếu hiệu quả.

Một cuộc thử nghiệm máy bay không người lái Punisher tại Kiev vào năm 2023. (Nguồn: Getty Images)

Đã có nhiều bước tiến

Giờ đây, trong cuộc xung đột với Nga, Ukraine buộc phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Ngoại trừ một số lượng hạn chế tên lửa ATACMS của Mỹ (tầm bắn khoảng 300 km) và Storm Shadow/Scalps của Anh/Pháp (tầm bắn khoảng 250 km trở lên), Ukraine chủ yếu tấn công các mục tiêu gần tiền tuyến. Bất lợi này tạo điều kiện để Nga hoạt động tương đối an toàn ở vị trí cách tiền tuyến 30 km và có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Ukraine bằng tên lửa do Nga sản xuất với năng lực vượt trội chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc.

Máy bay không người lái tầm xa từng giúp Ukraine cân bằng lại thế trận, nhưng hiện nay cứ sử dụng 10 cái thì bị bắn hạ 9 cái.

Vào cuối tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố chuyển hướng sang các tên lửa khó đánh chặn hơn, đặt mục tiêu sản xuất 3.000 tên lửa vào cuối năm 2025.

Hiện nay có nhiều dự án lớn nhỏ được Kiev thúc đẩy để đạt được mục tiêu này. Nổi bật là các dự án sản xuất lửa hành trình tầm xa Neptune và tên lửa đạn đạo Hrim-2 (còn được gọi là Sapsan) đang được phát triển tại nhà máy Pivdenmash. Cả hai loại đều được nhà nước hỗ trợ sản xuất, tương đối đắt tiền và chậm đưa vào sử dụng.

Ukraine cũng trông đợi vào sự phát triển của các công ty khởi nghiệp. Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov dự báo rằng, 2025 sẽ là năm của tên lửa hành trình Ukraine.

Chi tiết về chương trình tên lửa của nước này được bảo mật nghiêm ngặt trong bối cảnh Nga không ngừng săn lùng các cơ sở sản xuất tên lửa của Ukraine.

Vào tháng 12/2023, một số tên lửa hành trình đã đâm vào cơ sở sản xuất tên lửa Neptune ở Kiev. Vào tháng 11/2024, Moscow nhắm mục tiêu vào nhà máy Pivdenmash ở Dnipro bằng tên lửa đạn đạo liên khu vực Oreshnik mới. Tên lửa đã bắn trúng nơi phát triển một số công nghệ cốt lõi của nhà máy Pivdenmash.

Có thể thấy, nhiệm vụ sản xuất tên lửa trong bối cảnh xung đột đã thúc đẩy khoa học tên lửa của Ukraine phát triển lên một tầm cao mới: Dưới lòng đất. Một quy trình lắp ráp được chuyển đến các boongke (được bảo vệ nghiêm ngặt), trong khi việc sản xuất các thành phần được phân tán tại hàng trăm địa điểm bí mật.

Vấn đề nan giải hiện nay của Ukraine là tài chính. Chính phủ ủng hộ việc sản xuất bất kỳ tên lửa nào đã chứng minh được năng lực bay, đề xuất mức lợi nhuận tối đa 25% đối với các nhà sản xuất tư nhân, giống như các nhà sản xuất máy bay không người lái. Tuy vậy, các nhà sản xuất thường phải mạo hiểm một khoản tiền lớn để đưa các dự án đi vào hoạt động.

Một nhiệm vụ khác cũng khó khăn không kém là việc mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp - huy động vốn, mua sắm thiết bị từ nước ngoài và đảm bảo an ninh. Một quan chức trong ngành Quốc phòng của Ukraine cho biết, Kiev không thiếu ý tưởng nhưng vấn đề luôn nằm ở khâu thực hiện.

Nguồn tin này cho rằng, quan hệ với các đồng minh phương Tây là cách tốt nhất để Ukraine mở rộng quy mô sản xuất tên lửa. Không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng chia sẻ chuyên môn, thiết bị và đánh đổi trước nhiều rủi ro. Nhưng Ukraine đang tăng cường hợp tác với Đan Mạch và Anh trong lĩnh vực này.

Vẫn cần có thời gian

Đối với phương Tây, hợp tác với Kiev cũng mang lại lợi ích nhất định. Một tên lửa hành trình có thể rẻ hơn 12 lần khi sản xuất tại Ukraine so với ở Tây Âu. Ví dụ, tên lửa Trembita chỉ có giá khởi điểm là 3.000 USD cho biến thể mồi nhử và 15.000 USD cho đầu đạn 20-30kg, mức giá được cho là “hời” trong thị trường tên lửa.

Được đánh giá là tiềm năng nhưng Ukraine vẫn cần thời gian mới có thể hiện thực hóa được mục tiêu. Một quan chức an ninh cấp cao của nước này cho biết, Kiev cần ít nhất một năm nữa mới có thể sản xuất tên lửa với số lượng, tầm bắn và khả năng có thể đe dọa nghiêm trọng đến Nga.

Trong thời gian một năm tới, vẫn có nhiều thứ có thể thay đổi. Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hạn chế viện trợ của nước này cho Ukraine (và các đồng minh phương Tây khác làm theo) thì có thể làm kẹt nguồn cung cấp tên lửa phương Tây vốn đã hạn chế cho Kiev.

Cùng với đó, Nga có thể sử dụng các cuộc đàm phán ngừng bắn để yêu cầu giới hạn sản xuất tên lửa của Ukraine.

Có thể thấy rõ áp lực đối với tham vọng của quốc gia Đông Âu ngày càng nhiều, nhưng quyết tâm của nhóm sản xuất Trembita không hề nao núng. Ông Biryukov cho biết: "Nếu có lệnh ngừng bắn, thì đó sẽ là giữa các chính phủ”, ông và cộng sự sẽ vẫn tiếp tục công việc chế tạo tên lửa.

Tham vọng của Ukraine đã rất rõ ràng và muốn lấy lợi thế trong sản xuất tên lửa là "lá bài" đối với cả Nga với phương Tây. Tuy nhiên, đây sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn trong thời gian ngắn.

(theo The Economist)