GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, Chủ tịch hội Phụ sản Việt Nam) trao đổi về ứng dụng công nghệ gen trong sản khoa. (Ảnh: Ngọc Hảo) |
Sự kiện đã thu hút gần 200 khách mời là các bác sỹ, chuyên gia y tế Việt Nam trong các lĩnh vực sản khoa, truyền nhiễm và ung thư tham gia trực tiếp cùng đại diện các hãng công nghệ quốc tế, các đơn vị truyền thông.
Hội thảo tập trung cập nhật các tiến bộ mới , hiện đại của công nghệ gen ứng dụng trong lĩnh vực y tế trên thế giới nói chung, và thực tiễn triển khai tại Việt Nam nói riêng, trên cả 3 lĩnh vực sản khoa, truyền nhiễm, và ung thư.
Công nghệ gen hay giải trình tự gen không còn là một khái niệm xa lạ với nhiều người. Trong hơn ba thập kỷ qua, các phát kiến ứng dụng công nghệ gen đã mang đến những đột phá ngoạn mục và thành tựu đáng kể đối với toàn nhân loại.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên y học chính xác, công nghệ gen là công cụ then chốt giúp bác sỹ khám phá những bí ẩn bên trong cơ thể, phát hiện những bệnh lạ, bệnh hiếm, những căn nguyên di truyền từ rất sớm; từ đó định hướng phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp nhất với từng đối tượng bệnh nhân.
Trong Sản khoa, công nghệ gen là công cụ đắc lực giúp các chuyên gia hỗ trợ sinh sản tìm ra căn nguyên vô sinh, hiện thực hóa ước mong làm cha mẹ của các cặp vợ chồng. Đồng thời, các xét nghiệm sàng lọc di truyền, chẩn đoán trước sinh không xâm lấn giúp bố mẹ sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, tránh nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, các bệnh di truyền, giảm thiểu nỗi đau cho gia đình, và gánh nặng cho xã hội.
Trong Ung thư, ứng dụng của công nghệ gen cũng mở ra nhiều phương pháp giúp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị đích các ung thư, đặc biệt là ung thư di truyền.
Trong các Bệnh truyền nhiễm, khi nhân loại vừa trải qua đại dịch Covid-19 thì vai trò của công nghệ gen càng thể hiện rõ trong việc giải mã bộ gen vi rút SARS-CoV 2, phát triển các sinh phẩm xét nghiệm cho tới phát triển thuốc mới và vắc xin RNA thế hệ mới chống lại vi rút SARS-CoV2 với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử.
Theo GS.TS.BS. Mai Trọng Khoa – Nguyên PGĐ Bệnh viện Bạch Mai, Nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai thời gian tới, Việt Nam cần có những chính sách cụ thể hơn, kịp thời hơn cũng như tạo điều kiện và hành lang pháp lý cụ thể cho công tác đào tạo và cập nhật kiến thức y khoa, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, trao đổi chuyên gia…
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ khai trương Viện Công nghệ Phacogen. Viện Công nghệ Phacogen chính thức được ra đời, với định hướng là trung tâm nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực di truyền, tế bào, miễn dịch, vi sinh và sinh học phân tử.
Viện là đơn vị được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế, với phòng lab sinh học phân tử đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ 2, được trang bị các máy móc và thiết bị hiện đại từ các hãng công nghệ nổi tiếng thế giới như Illumina, Beckman Coulter, Panagene…
Việc hợp tác với các chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực sản khoa, truyền nhiễm và ung thư để thiết kế cấu trúc bài giảng trong đó thực hành chiếm tới 80%, tạo điều kiện tốt nhất cho các học viên được trải nghiệm thực tế, khắc phục những hạn chế mà mô hình giáo dục truyền thống gặp phải.
Chương trình cũng chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Viện Công nghệ Phacogen và Hội Hỗ trợ sinh sản Hà Nội, và Bệnh viện Quốc tế Sản nhi Hải Phòng. Sự ra đời của Viện Công nghệ Phacogen là minh chứng cho sự kết hợp công-tư trong việc đầu tư nguồn nhân lực cho hệ thống y tế trong nước, phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thời đại công nghệ y học chính xác tại Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh của đội ngũ y tế nước nhà.