Bộ trưởng Ung Văn Khiêm trong phòng làm việc tại Bộ Ngoại giao (1961). |
Bộ trưởng Ung Văn Khiêm, mà anh em chúng tôi quen gọi bằng cái tên thân thương “anh Ba” hoặc “anh Ba Khiêm”, sinh năm 1910 tại một vùng đất địa linh nhân kiệt, với những cù lao (đảo) phù sa trù phú của tỉnh An Giang, nơi sản sinh nhiều bậc hiền tài.
Hào khí Cửu Long và truyền thống gia đình là tiền đề đưa anh thanh niên Ung Văn Khiêm sớm đến với tư tưởng yêu nước, cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Bị đuổi khỏi trường trung học Cần Thơ vì bênh vực một bạn học bị tên giám thị người Pháp ức hiếp, đặc biệt là do hành vi tổ chức bãi khóa để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, năm 1927, Ung Văn Khiêm tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Đến năm 1928, ông bí mật sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp “huấn luyện chính trị đặc biệt” do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Trở về nước, anh Ba Khiêm đã ra sức du nhập và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tự vô sản hóa để làm Cách mạng
Trong 18 năm hoạt động bí mật và chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, anh Ba Khiêm đảm nhiệm nhiều trọng trách như: Bí thư đặc khu An Nam cộng sản Đảng khu vực các tỉnh Hậu Giang, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ phụ trách nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương cục miền Nam, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bạc Liêu - căn cứ địa của toàn Nam Bộ… Dù ở bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào, anh Ba Khiêm luôn thể hiện bản lĩnh của một người lãnh đạo kiên trung, năng động, sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn nhiệt tình với tri thức cách mạng, lý luận với thực tiễn, đặc biệt có tấm lòng nhân hậu.
Anh Ba Khiêm bắt đầu cuộc đời làm Cách mạng bằng cách đi “vô sản hóa”, tự nguyện làm phu xe kéo để thông cảm với nỗi nhọc nhằn của những người lao động. Năm 1931, bị địch bắt giam vào Khám lớn Sài Gòn. Tháng 3/1933, Tòa đại hình Sài Gòn xử một “vụ án khổng lồ”, gồm 121 lãnh đạo Cộng sản, trong đó có anh Ba Khiêm. Bị đày ra Côn Đảo, anh Ba Khiêm kết nối với nhiều nhà lãnh đạo khác của Đảng, nhất là anh Hai Thắng (tức Chủ tịch Tôn Đức Thắng sau này), vừa là đồng chí chiến đấu, vừa là đồng hương.
Năm 1936, mãn hạn tù, anh Ba Khiêm về đất liền hoạt động công khai trong tổ chức Mặt trận bình dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ba năm sau, anh lại bị bắt và giam tại nhà tù tỉnh Long Xuyên, sau đó bị đưa đi trại tập trung Tà Lài (tỉnh Đồng Nai), nhưng nhờ mưu trí, anh đã trốn thoát.
Khí tiết người Cộng sản
Đối diện với quân thù, anh Ba Khiêm chẳng những giữ khí tiết bất khuất của người cộng sản, mà còn có cách ứng xử lịch sự, thông minh, làm chúng phải kính nể. Cho tới tận bây giờ, bà con Cù lao Giêng vẫn còn trầm trồ khen ngợi cách ăn mặc “bảnh bao” và cuộc đối đáp thú vị giữa anh Ba với tên quận trưởng Chợ Mới lúc anh đến trình diện khi ra tù. Hôm ấy, anh Ba Khiêm mặc bộ comple tussor, áo sơ mi trắng, mang cà vạt đỏ, đầu đội nón nỉ hiệu Flécher đắt tiền. Tên Quận trưởng bị bất ngờ, trừng mắt, nhưng vẫn nói với giọng “nắn gân”:
- Chú còn trẻ quá. Tôi có thể giúp chú một chỗ làm xứng đáng. Nếu chú chịu cộng tác với nhà nước Pháp, thì… tôi sẵn sàng giúp đỡ.
Anh Ba Khiêm cười dễ thương, đáp: Cảm ơn tấm lòng tốt của ông. Có lẽ ông lầm tôi với một người khác nào đó… Để khỏi mất thì giờ của ông và của tôi, tôi xin phép cáo từ để về Cù lao Giêng thăm gia đình. Tôi là người trọng pháp luật nên đến đây vì trong công văn phóng thích có ghi rõ: “phải trình diện ngay chính quyền địa phương khi về tới nguyên quán”.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, là người phụ trách công việc nội vụ, anh Ba Khiêm đề xuất nhiều chủ trương chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa sáng tạo, sát thực tế, hợp lòng dân, có sức mạnh tăng cường lực lượng kháng chiến và khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng Chỉ thị số 4/NV năm 1947 nổi tiếng, do Ủy viên nội vụ Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ Ung Văn Khiêm ký tên, hàng ngàn công/tư chức, bao gồm nhiều giáo sư, bác sĩ, đốc phủ sứ nổi tiếng… đã bỏ hàng ngũ địch, ra bưng biền tham gia kháng chiến.
Phong trào vận động địa chủ hiến điền của các tỉnh miền Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu…) thu được nhiều trăm ngàn héc-ta ruộng để “tạm cấp” (trong thực tế là cấp vĩnh viễn) cho dân cày. Nhiều địa chủ kháng chiến như cụ Cao Triều Phát, ông Huỳnh Thiện Lộc… hiến hàng chục ngàn héc-ta ruộng. Nhờ vậy, chủ trương “người cày có ruộng” sớm được thực hiện bằng cách vận động địa chủ “khai minh” hiến điền, mà không cần “đấu tố”.
Nỗ lực xây dựng Ngành
Sau Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, anh Ba Khiêm chuyển sang lãnh đạo một mặt trận đấu tranh mới, đó là mặt trận ngoại giao.
Hồi ấy, cơ ngơi Bộ Ngoại giao chỉ gồm một tòa nhà nhiều mái, tọa lạc tại số 1 đường Tôn Thất Đàm (Hà Nội). Ngoài việc quan tâm, gần gũi với anh em cán bộ như người thân trong gia đình, anh Ba rất quan tâm tới sự tiến bộ của cán bộ trẻ, chủ động cho anh chị em được đi học văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước. Trong hơn 10 năm giữ cương vị Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng Ban đối ngoại Đảng, anh Ba Khiêm luôn chú trọng công tác xây dựng ngành, đào tạo cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ để triển khai thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại nhiều hướng của Đảng và Nhà nước.
Thời gian làm Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva về Lào (năm 1961-1962) là thời cơ thích hợp để Bộ trưởng Ung Văn Khiêm tiếp xúc với một số chính khách tiêu biểu của miền Nam lưu vong tại Pháp như cựu Thủ hiến Nam phần Việt Nam Trần Văn Hữu, để tranh thủ sự đồng tình đối với một giải pháp “theo kiểu Lào” đối với miền Nam Việt Nam. Tuy kế hoạch không thực hiện được do Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch báo chí bôi nhọ Trần Văn Hữu, chống lại mọi giải pháp hòa bình, trung lập, nhưng thiện chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ.
Một đời vì Đảng, vì dân
Thuộc lứa học trò đầu của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Ung Văn Khiêm đã tiếp thu sâu sắc tính nhân văn, tính quần chúng... của vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Ông không những trở thành một người Cộng sản trung kiên và tiêu biểu, mà trong cuộc sống, ông luôn gần gũi với mọi người, giàu lòng nhân ái, cởi mở, khoáng đạt, với tấm lòng độ lượng, vị tha…
“Nếu có một người có quyền mà không thích sử dụng quyền, phải nói đó là đồng chí Ung Văn Khiêm” - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã thay mặt Đảng và Nhà nước, nhận xét về Bộ trưởng Ung Văn Khiêm như vậy trong điếu văn vĩnh biệt ông ngày 22/3/1991.
Đó cũng là tấm lòng của chúng tôi, lớp đàn em và học trò của anh Ba, là sự tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí, đối với một người lãnh đạo, người đồng chí kiên trung và nhân hậu.
(*) Đại sứ Võ Anh Tuấn, còn gọi là Nguyễn Văn An, nguyên Thư ký Bộ trưởng Ung Văn Khiêm, Đại sứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Cuba, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ tại Geneva, Đại sứ Việt Nam tại Zimbabwe, Nam Tư, kiêm nhiệm Zambia, Hy Lạp, Vụ trưởng, Cố vấn Bộ Ngoại giao.