📞

UNHCR lên án vụ trục xuất cựu Đặc phái viên ngoại giao Bangladesh tại Malaysia

Nguyễn Lợi 21:28 | 13/02/2022
Phản ứng trước vụ bắt giữ và có khả năng trục xuất cựu Đặc phái viên ngoại giao Bangladesh tại Malaysia Mohamed Khairuzzaman, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ngày 13/2 cho rằng các quốc gia không thể trục xuất người tị nạn về nước vì điều đó vi phạm luật pháp quốc tế.
Thẻ được UNHCR cấp cho cựu Đặc phái viên ngoại giao Bangladesh tại Malaysia Mohamed Khairuzzaman. (Nguồn: newagebd.net)

Trong thư điện tử gửi tờ Free Malaysia today (FMT), UNHCR cho biết không thể trục xuất người tị nạn về nước theo Nguyên tắc không đẩy người tị nạn trở lại nước họ, vốn ngăn cấm các chính phủ trục xuất những người tị nạn đến một nơi mà cuộc sống hoặc tự do của họ có thể bị đe dọa.

UNHCR nêu rõ: "Nguyên tắc này được công nhận là luật quốc tế cơ bản có giá trị ràng buộc đối với tất cả các quốc gia, bất chấp việc quốc gia đó có ký Công ước 1951 liên quan đến tình trạng của người tị nạn hay không".

Ông Khairuzzaman, 65 tuổi, sở hữu thẻ tị nạn chính trị ở Malaysia của UNHCR từ năm 2009, đã được một cơ quan thi hành án giấu tên đến “đưa đi” hôm 9/2 khỏi nhà riêng ở Ampang, Kuala Lumpur. Ông được bổ nhiệm làm cao ủy tại Malaysia vào năm 2007.

Hai năm sau, ông được triệu hồi về Bangladesh sau sự kiện thay đổi chính phủ. Tuy nhiên, ông từ chối về nước và sống lưu vong ở Malaysia kể từ đó.

Hiện vẫn chưa rõ lý do đằng sau vụ bắt giữ Khairuzzaman. Các hãng truyền thông Bangladesh cho rằng vụ việc có liên quan đến “vụ giết người trong tù” năm 1975 ở Dhaka, mà các quan chức Chính phủ Bangladesh cho rằng ông Khairuzzaman nên được đưa về nước để đối mặt với cáo buộc.

Ông Khairuzzaman bị giam giữ gần 4 năm vào năm 1996 mà không qua xét xử ở quê nhà vì cáo buộc giết người và bị Tổ chức Ân xá Quốc tế coi là tù nhân chính trị. Luật sư M. Ramachelvam cho rằng luật dẫn độ không phải là một uy quyền tối thượng để trục xuất con người, đặc biệt là vì lý do chính trị.

Đồng thời cho biết, những yêu cầu nghiêm ngặt theo Đạo luật Dẫn độ 1992 phải được tuân thủ và trong trường hợp của cựu đặc phái viên Khairuzzaman, với tư cách là một người tị nạn, ông không thể bị đưa trở về quê hương của mình.

Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Malaysia hợp tác với Mỹ để xúc tiến đơn xin thường trú của ông Khairuzzaman, theo đó cho phép ông và gia đình được sống tại Malaysia.

Trước đó, vợ ông Khairuzzaman là bà Rieta Rahman cho biết Mỹ đã chấp thuận đơn xin cư trú dài hạn của ông, tuy nhiên việc này đang chờ cảnh sát Malaysia xác minh an ninh.

(theo Free Malaysia today)