Theo UNICEF, năm 2021 đã xảy ra hàng loạt những vụ vi phạm quyền trẻ em. |
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đang kêu gọi các biện pháp quyết liệt để bảo vệ những trẻ em đang bị lợi dụng, bắt cóc và tấn công tình dục.
Theo UNICEF, năm 2021 đã xảy ra "hàng loạt những vụ vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang xảy ra xung đột".
"Tại những điểm nóng xung đột như Afghanistan, Yemen, Syria và miền bắc Ethiopia, trẻ em đang bị cuốn vào vòng xoáy xung đột, bạo lực và luôn ở trong trạng thái bất an", UNICEF cho biết.
Vào tháng 12/2021, ít nhất 4 trẻ em trong 35 người di cư tại bang Kayah, miền đông Myanmar đã bị sát hại.
Tình trạng vi phạm quyền trẻ em trên thế giới
Bà Henrietta Fore, giám đốc điều hành của UNICEF cho biết: "Các bên tham gia xung đột đang không coi trọng quyền và phúc lợi của trẻ em. Sự nhẫn tâm này đã khiến các em phải chịu tổn thương, thậm chí thiệt mạng. Chúng ta cần nỗ lực bằng mọi giá để bảo vệ trẻ em khỏi những nguy hiểm mà các em đang phải đối mặt".
Năm 2020, UNICEF đã ghi nhận 26.425 vụ vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Mặc dù số liệu năm 2021 vẫn chưa được cập nhật, nhưng tổ chức này cho biết, trong 3 tháng đầu năm, số vụ bắt cóc và bạo lực tình dục trẻ em đang gia tăng ở mức đáng báo động so với cùng kỳ năm trước đó với tỷ lệ lần lượt là hơn 50% và 10%.
"Số vụ bắt cóc và bạo lực tình dục nhiều nhất được ghi nhận tại Somalia, CHDC Congo và khu vực hồ Chad, Trung Phi bao gồm các quốc gia Chad, Nigeria, Cameroon và Niger", UNICEF cho biết.
Trong 16 năm qua, Liên hợp quốc đã ghi nhận khoảng 266.000 vụ vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em tại hơn 30 khu vực xảy ra xung đột ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Mỹ - Latinh. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.
"Afghanistan là nơi có tỉ lệ trẻ em tử vong cao nhất kể từ năm 2005, với hơn 28.500 ca, tương đương 27% số trẻ em tử vong trên toàn cầu. Trong khi đó, Trung Đông và Bắc Phi là hai nơi có tỉ lệ trẻ em bị hành hung tại trường học và bệnh viện cao nhất kể từ năm 2005, với 22 vụ xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2021", UNICEF chia sẻ.
Cần có những hành động quyết liệt để bảo vệ trẻ em
UNICEF kêu gọi những hành động quyết liệt để bảo vệ trẻ em bao gồm: ngăn chặn những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, giải phóng trẻ em khỏi các nhóm vũ trang, bảo vệ trẻ khỏi tấn công tình dục và chấm dứt các vụ tấn công tại các trường học và bệnh viện.
Bà Fore bày tỏ: "Để trẻ em được an toàn ở những nơi đang xảy ra chiến tranh, các bên tham gia xung đột cần có hành động rõ ràng để bảo vệ trẻ và chấm dứt những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em".
"Tôi kêu gọi tất cả những bên tham gia xung đột hãy chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào trẻ em, bảo vệ quyền lợi của trẻ và phấn đấu giải quyết các vấn đề chính trị bằng biện pháp hòa bình", bà Fore nhấn mạnh.
| Sau Tết Nguyên đán, hơn 17 triệu học sinh được quay trở lại trường Theo Bộ GD&ĐT, dự kiến, đến ngày 7/2/2022 sẽ có khoảng 17,1 triệu học sinh được quay trở lại trường học trực tiếp. |
| Nhiều trẻ không biết đang học kỹ năng sống để làm gì Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh, Giảng viên kỹ năng mềm, Phó Giám đốc kỹ năng và truyền thông hệ thống trung tâm ATC ... |