Đây là một phần trong kế hoạch tăng sự hiện diện thương hiệu Uniqlo của Fast Retailing sau các chiến dịch marketing thất bại ở thị trường Mỹ. Hãng này hiện đang có hơn 1.700 cửa hàng Uniqlo trên khắp châu Á và 45 cửa hàng tại Mỹ.
Chuỗi máy bán quần áo tự động sẽ được lắp đặt tại New York, Houston, Oakland, California và nhiều thành phố khác. Chúng có chi phí vận hành thấp hơn cửa hàng truyền thống và rất tiện lợi đối với các khách hàng bận rộn.
“Tại sân bay, chắc chắn bạn sẽ không có nhiều thời gian để mua sắm hay xếp hàng chờ thanh toán”, Giám đốc Marketing của Uniqlo tại Mỹ Marisol Tamaro cho hay.
Máy bán hàng quần áo tự động của Uniqlo. (Nguồn: WSJ) |
Trước Uniqlo, chuỗi cửa hàng bán lẻ Best Buy của Mỹ đã có 183 máy bán hàng, chủ yếu được đặt tại các sân bay. Doanh thu từ hệ thống máy này đã đem về cho hãng hàng triệu USD doanh thu. Một thương hiệu khác, bao gồm cả chuỗi bán lẻ mỹ phẩm Benefit Cosmetics cũng đã thử nghiệm hệ thống máy bán hàng tự động tại sân bay để phục vụ các khách hàng trong thời gian chờ chuyến.
Trái ngược với sự hào hứng của Fast Retailing, Sam Cinquegrani - sáng lập viên hãng dịch vụ số ObjectWave nhận định, chuỗi máy bán hàng tự động của Uniqlo sẽ là một trò chơi may rủi. “Với việc mua hàng có xu hướng phụ thuộc vào cảm xúc nhiều hơn thì các công nghệ như máy bán hàng tự động sẽ khó thành công. Rõ ràng, người mua sẽ thích tự tay sờ và lựa chọn hơn là chạm trên màn hình”, ông này nói.
Thời gian gần đây, các chuỗi bán lẻ thời trang tại Mỹ thường xuyên gặp khó khăn do dư thừa cửa hàng và người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang thương mại điện tử.