TIN LIÊN QUAN | |
Pakistan muốn tìm hiểu kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Việt Nam | |
Bước chuyển mới trong ngoại giao văn hóa |
Tôi gặp người sáng lập Chương trình Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa Đào Thị Liên Hương sau khi bà vừa hoàn thành đợt trao tranh đầu tiên trong chương trình của mình cho Bộ Ngoại giao. Không ai nghĩ bà lại là người ngoài Bộ. Bà hiện là Tổng thư ký Liên đoàn các hiệp hội Giáo dục và Ngôn ngữ Thế giới và là Trưởng ban Đối ngoại Hiệp hội Các trường đại học, cao Đẳng Việt Nam. Dư âm phấn khởi khi hơn 60 bức tranh đạt giá trị nghệ thuật cao do 31 họa sĩ quyên tặng đang chuẩn bị lên đường xuất ngoại, tới một số cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài khiến giọng nói của bà vẫn còn pha lẫn sự hồi hộp.
Ngày 16/4, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trao tranh cho Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi khởi động Chương trình Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao văn hoá.(Ảnh: LH) |
Nhiệt huyết nồng nàn
Với bà Liên Hương, tất cả diễn ra quá nhanh, như một giấc mơ, từ lúc nảy sinh ý tưởng đến khi công việc hoàn thành tốt đẹp chỉ kéo dài vỏn vẹn khoảng một tháng. Câu chuyện bắt đầu trong một chuyến công tác Tây Nguyên để trao số tiền 150 triệu đồng từ nguồn bán tranh từ thiện nhằm xây trường cho các em học sinh ở Gia Lai. Trong chuyến đi, không hiểu đầu đuôi thế nào mà bà buột miệng chia sẻ với cả đoàn rằng: “Đi thăm mấy sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, thấy sứ quán toàn treo tranh thêu là chính. Những bức tranh vẽ, tranh sơn mài… mang tính mỹ thuật cao gần như không có. Sứ quán là bộ mặt của đất nước nên giá như các họa sỹ trong nước có thể chung tay quyên tặng tranh để quảng bá mỹ thuật Việt Nam tại đây thì đó là điều quá tuyệt vời”.
Bà Liên Hương nhớ lại: “Tưởng chỉ nói chơi cho vui, không ngờ các họa sĩ đi cùng đoàn đều lên tiếng ủng hộ. Thế là làm. Tôi đưa luôn ý tưởng lên Facebook và lập tức quyên góp được 20 bức tranh từ khoảng 10 họa sỹ. Một mặt, tôi cũng thông báo trên fanpage “Hoạt động đối ngoại dưới góc nhìn của cán bộ ngoại giao” thì được các Đại sứ ủng hộ nhiệt liệt. Có đến 11 sứ quán lập tức đăng ký và nêu luôn ý tưởng cụ thể về nội dung tranh mà họ cần”.
Khi số lượng tranh có hạn, nhu cầu đăng ký của các đại sứ quán nhiều, hay khi một bức có vài sứ quán đăng ký, bà Liên lại ngồi bàn với các họa sĩ để gỡ rối. Cứ thế, rối đến đâu, gỡ đến đó, người đàn bà yêu mỹ thuật và hăng say làm ngoại giao văn hóa ấy cuối cùng cũng đã tập hợp được 68 bức tranh thực sự có chất lượng để gửi ra nước ngoài.
Bà Đào Thị Liên Hương. |
Khơi dậy lòng tự hào dân tộc
Bà Liên Hương chia sẻ: “Ý tưởng của tôi trùng hợp với những gì mà Trợ lý Bộ trưởng, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ từ cách đây hai năm. Số là từ khi đảm nhiệm cương vị Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, ông Châu đã lập đề án xin tranh để treo tại Đại sứ quán. Có thể nói, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ là một trong những hình mẫu sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để trang trí và quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Ngoại giao chưa có kinh phí để lo cho việc này, nên sự đóng góp của các họa sỹ là vô cùng đáng quý”.
“Cũng họa sỹ đó, họ được đặt vẽ tranh cho những dự án lớn khác thì tranh của họ được trả giá rất cao. Nhưng với Bộ Ngoại giao lại miễn phí bởi Chương trình Mỹ thuật Việt Nam & ngoại giao văn hóa đã khơi gợi được lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc nên các họa sỹ rất sẵn lòng”, bà Liên Hương nhận định.
Nhiều người cho rằng, tranh quyên góp thì chất lượng cũng khó đồng đều và đạt yêu cầu. Chính vì vậy, Chương trình đã mời Hội đồng thẩm định gồm các họa sĩ tên tuổi như Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương và Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội Lê Văn Sửu để đánh giá toàn bộ số tranh được quyên góp. Trong quá trình thẩm định, cả ba họa sỹ đều kinh ngạc trước bức tranh sơn mài trên toan dài 5m, cao 1.8m của họa sỹ Bùi Hữu Hùng bởi giá trị của nó. Thậm chí, Hội đồng thẩm định còn đề xuất Bộ Ngoại giao nên tặng lại bức tranh này cho Viện bảo tàng lịch sử vì bức tranh vẽ Vua Thành Thái quá đẹp và có giá trị lịch sử cao.
Do số lượng tranh quyên góp được chưa nhiều mà hiện có hơn 30 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đặt hàng, đăng ký. Nếu chia đều 68 bức, trung bình mỗi cơ quan chỉ nhận được hai bức tranh, quá ít để đạt mục tiêu quảng bá văn hóa ban đầu. Cái khó ló cái khôn khi một số họa sỹ có những bức tranh giá trị, nằm trong bộ sưu tập của họ nhưng sẵn lòng cho Bộ Ngoại giao mượn. Một phương án khác mà vị Trưởng ban Đối ngoại Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nghĩ ra được, đó là tổ chức để các họa sỹ mang tranh sang hoặc mở triển lãm tranh, hay sáng tác tại chỗ… Theo bà Liên Hương, “tất cả đều có thể” nếu nhu cầu của các họa sỹ và phía cơ quan đại diện gặp nhau.
Ở nhiều nước trên thế giới, trước khi một đại sứ nhận nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài, họ được chọn tranh trong kho tranh quốc gia để mang treo, đồng thời phải chịu trách nhiệm về những bức tranh đó. Hết nhiệm kỳ, đại sứ phải mang về trả. Hiện kho tranh quốc gia Việt Nam có rất nhiều và hàng năm Nhà nước vẫn mua cấp vào kho nhưng không có đủ chỗ treo. Theo bà Liên Hương, đây cũng là gợi ý cho một cái bắt tay giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trong việc tạo điều kiện cho những bức tranh giá trị của Việt Nam đến được với những người yêu tranh thế giới.
Ngoại giao văn hóa 2015: Lan tỏa mạnh mẽ “Công tác ngoại giao văn hóa trong năm 2015 được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, đa dạng, chủ động và tạo được một bước ... |
Ngoại giao để phát huy "tài nguyên" văn hóa Ngoại giao văn hóa cần và phải là một trong những hoạt động trọng tâm của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, góp phần ... |
Ngoại giao văn hóa: Đa dạng nhưng có trọng điểm Năm 2014, nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa có bước tiến đáng kể tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh các hoạt ... |