📞

“Ươm mầm” tử tế trong con

13:30 | 30/09/2018
Tại một tọa đàm gần đây, MC Phan Anh trải lòng: “Sự nhân hậu giống như những hạt mầm luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Hãy luôn nhắc nhở con cái sống nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ với người khác bởi điều đó sẽ khiến chúng ta hạnh phúc”.

Xã hội hiện nay có nhiều vấn đề bế tắc, bức xúc và gây tranh cãi trong việc dạy dỗ một đứa trẻ.

Nhân hậu giống như một mầm cây

Với MC Phan Anh, nhân hậu giống như hạt mầm luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Có những em bé sở hữu hạt mầm đó rất mạnh mẽ, gieo tại bất cứ mảnh đất nào đều có thể mọc cây và phát triển. Ngay từ khi sinh ra, em bé đó đã luôn quan tâm và dành yêu thương đến người khác, đau chung nỗi đau của người khác. Ngược lại, cũng có những em bé có hạt giống đó yếu hơn, hoặc “ngủ vùi” hơi sâu. Khi đó, sẽ cần gia đình, trường lớp, bạn bè  vun trồng, tạo một môi trường thích hợp để hạt mầm ấy lớn lên trong các con…

Không thể phủ nhận rằng, trong cuộc sống có những người mình vô cùng ghét, khiến bản thân suy nghĩ nhiều, mệt mỏi và căng thẳng. Suy cho cùng, người bị hại không ai khác lại là chính mình bởi người mình ghét không hề biết và quan tâm đến điều đó.

Khi có trong mình lòng nhân hậu, chúng ta sẽ biết nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác. Không phải là bao che, dung túng cho cái xấu, đó là sự cảm thông với những người xung quanh. Làm được điều đó, bản thân mỗi người sẽ cảm thấy lòng nhẹ bớt, thanh thản và tâm an.

Nhân hậu giống như hạt mầm luôn tồn tại trong mỗi chúng ta.

Xét về thực trạng xã hội hiện tại, MC Phan Anh nhận định, nếu sử dụng thước đo bằng tiền bạc, danh vọng khi đánh giá hạnh phúc sẽ khó thấy nhân hậu là hạnh phúc. Nhưng khi dẹp bỏ toan tính và luôn nhắc nhở con cái sống tử tế, sẵn sàng chia sẻ với người khác, chắc chắn con bạn sẽ dễ dàng có được hạnh phúc. Và hạnh phúc đó thực sự từ bên trong tâm chứ không phải vì những điều bên ngoài mang đến.

MC Phan Anh cũng chia sẻ rằng, bản thân anh từng phải đấu tranh để điều chỉnh hành vi sống của mình. Dù sống nhân hậu có thể sẽ chịu thiệt thòi, có khi còn bị nghi kị. Nhưng nhìn lại, khi chúng ta biết chia sẻ, sống chan hòa sẽ luôn nhận được sự tôn trọng và nể phục. Đôi khi, ta còn được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Vậy nên, nhân hậu, tử tế cũng là giúp chính mình.

Làm bạn cùng con mỗi ngày

Sinh con ra đã khó, nuôi dạy con trưởng thành lại càng chẳng dễ dàng. Trong hành trình “làm bạn” cùng con có biết bao vấn đề khiến các bậc cha mẹ đau đầu. Có những đứa trẻ lớn lên ngày càng xa cách với bố mẹ, có những bạn nhỏ càng lớn càng thu mình lại. Tệ hơn nữa, có những “sự lạnh lùng” len lỏi xuất hiện trong con mà bố mẹ không hề biết. Thế nên, có bao câu chuyện đau lòng về trẻ nhỏ đã xảy ra: vấn nạn bạo lực học đường, bắt nạt bạn bè... Những câu chuyện này có thể xảy ra không nếu ngay từ đầu cha mẹ đã quan tâm và chăm sóc con “để con là một em bé nhân hậu”?

Vốn được biết đến là một nhà hoạt động xã hội, một trong những "động cơ" làm từ thiện của MC Phan Anh chính là bởi anh muốn làm gương, muốn gieo những hạt mầm nhân hậu cho các con của mình.

Có lẽ, để con trở thành em bé nhân hậu, trước tiên phải thực sự hiểu con cần gì? Làm bạn cùng con mỗi ngày là điều không dễ bởi khoảng cách, rào cản vô hình giữa cha mẹ và con cái tương đối lớn. Các bậc phụ huynh cũng nên xem lại chính mình, từ bỏ những định kiến, bảo thủ để hòa nhịp cùng con.

Rõ ràng, cha mẹ có nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống. Chúng ta từng trải qua giai đoạn là những đứa con, cũng từng suy nghĩ rằng mai kia lớn lên mình sẽ không như vậy với con mình. Nhưng rốt cuộc, nhiều người lại trở thành những ông bố, bà mẹ y hệt như bố mẹ mình ngày xưa.

"Chúng ta phải nhớ lại thời thơ ấu để thay đổi. Tôi không nói cách dạy của cha mẹ ngày xưa với chúng ta là xấu hay tốt. Nhưng bằng việc nhớ lại mong muốn được bố mẹ làm cho mình ngày xưa sẽ giúp chúng ta trở thành những ông bố bà mẹ tốt hơn trong hiện tại và tương lai", MC Phan Anh tâm niệm.

Đó là, trên con đường giúp con trở thành đứa trẻ hạnh phúc, không có cách nào khác ngoài tình yêu thương. Chỉ khi là một đứa trẻ nhân hậu, con mới cảm nhận được hạnh phúc dễ dàng hơn rất nhiều.

Với nhà văn Hoàng Anh Tú, thời gian làm “Chánh Văn” không đơn thuần chỉ là công việc. Hơn hết, đó còn là những cuộc trò chuyện, lắng nghe và chia sẻ với rất nhiều cảm xúc khác nhau. Vì thế, khi bàn về sự nhân hậu, anh đưa ra vấn đề:“Liệu dạy trẻ nhân hậu có phải làm con dễ bị bắt nạt, dạy con biết nhường nhịn có phải là thiệt thòi?”.

Với anh “Chánh Văn”, những người nhân hậu, tử tế là những người hạnh phúc. Nếu cha mẹ khiến cho các con cảm thấy nhường nhịn là thiệt thòi, đó là do cha mẹ, nó bắt đầu từ quan điểm lệch lạc trong thế giới quan của các bậc phụ huynh.

Để con lớn lên trở thành người tử tế, nhân hậu, hẳn các bậc phụ huynh phải là tấm gương sáng cho con cái. Chúng ta không thể dạy dỗ con nhân hậu khi chính mình đang giành giật, ganh đua nhau. Muốn con mình trở thành em bé nhân hậu, bản thân chúng ta hãy cứ cho đi, các con sẽ nhận ra và học theo hành động này. Một đứa trẻ cần rất nhiều kỹ năng để phát triển lòng nhân hậu, phần lớn những kỹ năng đó đều do cha mẹ tạo thành.

Đôi khi, các bậc phụ huynh thường đặt ra cho con cái mình quá nhiều quy tắc hay những thước đo giá trị vật chất. Trong khi đó, lòng tốt bắt đầu từ những việc nhỏ bé con làm mỗi ngày. Vì vậy, nuôi dưỡng tính lương thiện trong lòng đứa trẻ qua những cử chỉ yêu thương. Nếu muốn con là một em bé nhân hậu, tử tế, chúng ta phải đọc, phải học để nắm bắt những kỹ năng xử lý cảm xúc của con, hướng con đến những điều tốt đẹp. Quan trọng hơn cả, có lẽ cha mẹ phải là một người nhân hậu, tử tế.