Vaccine Abdala vẫn vượt qua biên giới, góp phần ngăn chặn bệnh dịch dù vẫn còn một số hoài nghi về hiệu quả và kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. (Nguồn:CIGB) |
Chương trình vaccine Covid-19 “cây nhà lá vườn”
Khi biến thể Delta nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao bắt đầu "tàn phá" hòn đảo nhỏ Caribbean, chính phủ Cuba đã đặt trọn niềm tin vào chương trình vaccine nội. Khi các bệnh viện chật kín bệnh nhân, cạn kiệt nguồn oxy và đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia đến bờ vực, các quan chức y tế địa phương đã chạy đua để tiêm chủng cho những người lớn đủ điều kiện.
Cuba đã đặt ra mục tiêu chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu về tiêm chủng cho người dân trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Quốc đảo vùng Caribbean đang cố gắng hoàn thành mục tiêu đặt ra bằng chính những liều vaccine “cây nhà lá vườn”.
Giờ đây, hòn đảo nhỏ bé với cái tên thường gợi lên hình ảnh những chiếc xe hơi cổ từ trước những năm 1950, nhưng mục tiêu tiêm chủng toàn dân có “tốc độ nhanh nhất thế giới”.
Theo Our World in Data (một ấn phẩm khoa học tập trung vào các vấn đề toàn cầu) của Đại học Oxford (Anh), gần 80% dân số Cuba đã được tiêm chủng một phần. Chủ tịch Cuba cho biết, họ sẽ đạt được mục tiêu "tiêm chủng đầy đủ" chống lại Covid-19 vào cuối năm nay.
Nếu thành công, đây sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được tỷ lệ tốt như vậy. Và điều đáng chú ý là Cuba đã tự triển khai một chương trình vaccine riêng mà không có một liều vaccine Pfizer, AstraZeneca hoặc bất kỳ loại vaccine nào được bảo đảm thông qua chương trình COVAX. Thay vào đó, họ chủ yếu dựa vào vaccine “cây nhà lá vườn”.
Giáo sư Jennifer Hosek tại Đại học Queens (Canada) một người theo dõi Cuba nhận định, Havana đã sớm nhận thấy khả năng tiếp cận vaccine nhanh chóng đối với họ không dễ dàng hoặc bài toán chi phí đặt ra đối với nền kinh tế cũng không nhỏ, nếu họ không tự sản xuất. Vì vậy, phương án tự phát triển và sản xuất có lẽ là tốt nhất.
Ngày nay, chương trình vaccine quốc gia của Cuba là niềm tự hào của Quốc đảo Caribbean này, với một số loại vaccine Covid-19 đã mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hoài nghi về vaccine Cuba, trong bối cảnh những lo ngại được đặt ra về hiệu quả và kết quả thử nghiệm.
Con đường riêng của vaccine Cuba
Các nhà khoa học Cuba đã phát triển 3 loại vaccine Covid-19, gồm vaccine Abdala, Soberana 2 và Soberana Plus liều đơn.
Quốc gia này đã bắt đầu tiêm vaccine cho khoảng 141.000 nhân viên y tế vào tháng 3/2021. Đến tháng 5, chương trình tiêm chủng khẩn cấp đã được mở rộng cho dân chúng, dù các mũi tiêm vẫn chưa có đầy đủ các kết quả thử nghiệm lâm sàng. Cuba đã quyết định triển khai biện pháp khẩn cấp chương trình tiêm chủng để giúp chống lại các biến thể virus mới, đang lây lan quá nguy hiểm.
Các quan chức y tế địa phương khẳng định vaccine Abdala và Soberana của Cuba an toàn và hiệu quả. Họ cho biết, vaccine Cuba phát triển trên công nghệ truyền thống, công nghệ vốn vẫn được sử dụng phổ biến trong vaccine tiêm chủng cho trẻ nhỏ trong nhiều thập kỷ.
Không giống với các loại vaccine Moderna, Pfizer sử dụng công nghệ mRNA, hay Johnson & Johnson, AstraZeneca sử dụng công nghệ virus vector, vaccine Cuba là vaccine tiểu đơn vị, giống như vaccine Medigen (Đài Loan, Trung Quốc) và Novavax (Mỹ). Là vaccine chỉ sử dụng những phần rất cụ thể (các tiểu đơn vị) của virus mà hệ thống miễn dịch có thể nhận biết, tiêm trực tiếp vào cơ thể người để kích thích phản ứng miễn dịch.
Với công nghệ truyền thống, vaccine của Cuba không cần phải được bảo quản ở trạng thái đông lạnh sâu, đây là điều kiện tiềm năng đối với một số quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng để lưu trữ các loại vaccine đòi hỏi điều kiện lưu trữ ngặt nghèo khác.
Các mũi tiêm Abdala và Soberana có hiệu quả trên 90% và kết quả ban đầu tương tự như các loại vaccine hàng đầu hiện nay trong việc giảm đáng kể sự lây truyền bệnh tật, giảm tình trạng nguy kịch và tử vong, theo thông tin từ các quan chức địa phương.
Tuy nhiên, các nhà phê bình vẫn phàn nàn về việc dữ liệu các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối vẫn chưa được công bố trên các tạp chí quốc tế chính thống.
Mới đây, Học viện Y khoa Quốc gia Venezuela cũng bày tỏ quan ngại về một sản phẩm đang được sử dụng ở Venezuela nhưng chưa có thông tin đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả, trong bối cảnh Cuba đang có kế hoạch tung vaccine Abdala tại đây.
Ba loại vaccine của Cuba vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, mặc dù Cuba đã yêu cầu tổ chức này bắt đầu quá trình đánh giá để chính thức phê duyệt sử dụng. Đây cũng được coi như một “chứng chỉ” mà nhiều quốc gia yêu cầu phải có trước khi nhập khẩu.
Trên thực tế, kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Cuba cho thấy, không có sự gia tăng các tác dụng phụ bất lợi ở những người được chủng ngừa, so với người dùng giả dược. Nhưng quyết định triển khai tiêm chủng khẩn cấp không qua thử nghiệm giai đoạn 3 mà vẫn cho hiệu quả đầy đủ, vào tháng 5, khiến không ít người cho là bất thường.
Fiona Russell, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, cho biết, điều được khuyến nghị rõ ràng đối với các quốc gia sử dụng vaccine là các dữ liệu công bố về sản phẩm đã được xem xét độc lập, kiểm định ngang hàng và thâm chí là trải qua một cơ quan quản lý nghiêm ngặt. "Đó là những gì WHO khuyến nghị và vaccine Cuba còn thiếu... nhưng rõ ràng là từng quốc gia, tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế sẽ cần có những quyết định phù hợp".
Trước đó, các cơ quan quản lý của Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã cho phép các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt trước khi hoàn thành giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng.
Để thúc đẩy việc triển khai vaccine Covid-19, Cuba đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 10 trong tháng này. Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước châu Âu hiện chỉ cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Điều có lợi cho chương trình tiêm chủng của Cuba là người dân dường như sẵn sàng tiêm vaccine, không giống một số quốc gia khác đã gặp một số trở ngại do sự do dự về vaccine trong dân chúng.
Phó chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia (BioCubaFarma), Mayda Mauri Pérez, và Chủ tịch BioCubaFarma, Luis Herrera Martínez, cho biết, tình trạng do dự vaccine rất hiếm gặp ở Cuba, mọi người đều tin tưởng cao vào các chuyên gia y tế”.
"Đổi lại, năng lực tổ chức hệ thống y tế Cuba đã khiến việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 nhanh chóng và đáng tin cậy". Còn một lợi thế khác mà quốc đảo Caribbean có được khi quyết định đi theo con đường vaccine riêng là một lợi thế và đã đưa Cuba thành quốc gia nhỏ nhất thế giới sản xuất vaccine Covid-19.
Mục tiêu xuất khẩu toàn cầu?
Cuba đã bắt đầu xuất khẩu thương mại vaccine Covid-19, gửi các lô hàng vaccine Abdala 3 mũi đến Việt Nam và Venezuela. Trên Twitter, tuần trước, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã thông báo về sự xuất hiện của vaccine Cuba tại Việt Nam, lô hàng đầu tiên trong khuôn khổ hợp đồng cung cấp 5 triệu liều.
Trung tâm Công nghệ sinh học và miễn dịch di truyền của Cuba cũng thông báo về các chuyến hàng vaccine Abdala đã được gửi đến Venezuela vào cuối tuần qua. Vaccine Soberana-2 do Cuba phát triển đang được sản xuất ở Iran.
Bộ Y tế Nicaragua cũng vừa chính thức cấp phép sử dụng 2 loại vaccine Abdala và Soberana của Cuba để ngăn ngừa Covid-19.
Việt Nam, Argentina và Mexico cho biết sẽ sớm bàn về việc hợp tác sản xuất vaccine Cuba, trong khi một số quốc gia khác đang sử dụng các loại thuốc của Cuba trong phác đồ điều trị Covid-19.
BioCubaFarma đưa ra thông báo về mục tiêu xuất khẩu trên Twitter sau khi cho biết, họ đã sản xuất đủ để đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho hơn 90% dân số vào giữa tháng 11.
Tập đoàn này cho biết, họ có khả năng sản xuất 100 triệu liều vaccine Abdala, Soberana 2 và Soberana Plus mỗi năm. Các dữ liệu thực tế gần đây cho thấy, vaccine đã góp phần ngăn chặn khoảng 90% nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong vì Covid-19.