📞

Vaccine Covid-19: Tiếp thêm sức mạnh cho niềm tin chiến thắng đại dịch

Thanh Liễu 10:37 | 09/03/2021
TGVN. Sáng 26/2 là một buổi sáng đáng nhớ đối với nhiều người tình nguyện tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 2 ở Việt Nam với vaccine Nanocovax do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, phát triển.
Giai đoạn 2 có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử vaccine Covid-19, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi. (Ảnh: Đ.N)

Ngay từ sáng sớm, hàng chục tình nguyện viên đã có mặt tại Học viện Quân y (Hà Nội) để đăng ký tham gia thử nghiệm. Sau giai đoạn 1 chỉ dành cho những người dưới 50 tuổi, khoẻ mạnh, không có bệnh nền thì giai đoạn 2 có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi. Đặc biệt, đợt này sẽ tiêm thử nghiệm cho một số trường hợp người có bệnh nền (như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1...) không quá nặng.

Chung một tấm lòng

Tham gia đăng ký thử nghiệm, bên cạnh những bạn trẻ, chúng tôi thấy khá nhiều những cụ già hơn 70 tuổi, các cựu chiến binh và những người dân ở ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) đi trên cùng một chuyến xe xuất phát từ sáng sớm để kịp giờ đến Học viện Quân y. Mọi người đều mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình vào việc nhanh chóng phát triển được vaccine, chống lại đại dịch, đưa cuộc sống hằng ngày, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.

Biết được thông tin về chương trình tiêm thử nghiệm từ tổ dân phố, vợ chồng ông B.T.B (73 tuổi, ở Hà Đông) đã có mặt tại Học viện Quân y từ rất sớm. Ông cho biết, sức khỏe ông bà hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, bản thân ông mắc viêm xoang.

"Khi biết thông tin về chương trình, tôi mong muốn trở thành đối tượng người cao tuổi tham gia thử nghiệm vaccine. Tôi rất tin tưởng tính an toàn của vaccine do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và mong công cuộc này sớm tới đích để bảo vệ sức khỏe người dân", ông B.T.B nói.

Ông Q.M.C, 72 tuổi, ở xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, Hưng Yên thì cho biết, sáng nay, cả xã có 25 người cùng thuê một chuyến xe đến Học viện Quân y từ 7h sáng. Ông chia sẻ, hôm nay là lần đầu tiên tới bệnh viện, trước giờ chưa từng phải tiêm, sức khoẻ rất tốt.

“Vừa rồi xem tivi thấy dịch Covid-19 tại Hải Dương bùng mạnh quá, Hưng Yên lại nằm sát kế bên nên tôi và nhiều cụ cao tuổi khác muốn đăng ký tham gia, làm sao vaccine của Việt Nam sớm thành công. Tôi cũng nghe và đọc thông tin về vaccine thấy rất an toàn nên không hề lo lắng”. Cùng chuyến xe có cụ Đ.T.N, 75 tuổi, cho hay, nếu sau hôm nay khám sàng lọc đủ điều kiện là tham gia tiêm ngay.

Ở hàng ghế bên cạnh, vợ chồng bà N.T.N (từ Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội) kể, được con gái và con rể đều làm ở Học viện Quân y động viên, nên từ 5 giờ sáng ông bà đã thuê xe đến Học viện Quân y để đăng ký tham gia thử nghiệm. Ở tuổi 70, bà cho biết sức khoẻ vẫn ổn định, chưa từng ốm đau nghiêm trọng.

Một đại diện của lớp trẻ, anh N.T.V (26 tuổi), đến từ câu lạc bộ "Từ trái tim đến trái tim" chia sẻ, cùng đăng ký khám sàng lọc với anh trong 2 ngày qua còn có 50 người khác và có khoảng một nửa đủ điều kiện tham gia. Hôm nay, câu lạc bộ "Từ trái tim đến trái tim" có thêm 25 người đến khám sàng lọc.

“Chúng tôi hy vọng góp một phần nhỏ để vaccine sớm được đánh giá hiệu quả, an toàn và triển khai tiêm chủng trên diện rộng, phòng bệnh cho người dân", anh V. nói.

Sau khi khai báo thông tin, ký giấy đăng ký thử nghiệm, các tình nguyện viên đã được tư vấn trước khi chuyển đến các bàn khám sàng lọc. Tại đây, các tình nguyện viên được hỏi về tiền sử bệnh tật, quá trình dịch tễ cũng như khám, đo huyết áp, xét nghiệm máu, sinh hoá, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Từ sáng đến tận trưa, các bàn tư vấn, khám, lấy mẫu xét nghiệm hoạt động liên tục không nghỉ, cùng với đó, hàng chục tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm.

Các tình nguyện viên càng được tiếp thêm sự tin tưởng, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến thăm hỏi, động viên.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu làm sao trong thời gian nhanh nhất có được vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất, không chỉ phục vụ phòng chống dịch bệnh mà còn là niềm tự hào, tin tưởng đối với đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu phát triển vaccine của Việt Nam, cũng là mong mỏi của nhân dân. Về lâu dài, tiến tới cơ bản người dân sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí như trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Chúng ta cùng cố gắng để Việt Nam nhanh chóng có vaccine”, Phó Thủ tướng động viên.

Từ sáng đến tận trưa, các bàn tư vấn, khám, lấy mẫu xét nghiệm hoạt động liên tục không nghỉ. (Ảnh: Đ.N)

Tình nguyện viên N.T.H (Uông Bí, Quảng Ninh) là người đầu tiên được tiêm mũi vaccine thử nghiệm giai đoạn 2 tại Học viện Quân y cho biết rất yên tâm về độ an toàn của vaccine khi những người được tiêm giai đoạn 1 đều an toàn, nên không có lý do gì để lo lắng. Tuy nhiên, chị N.T.H sẽ được theo dõi sát sao trong thời gian về nhà, có nhật ký tiêm chủng và sẵn sàng mọi phương án nếu có những diễn biến sức khỏe bất thường xảy ra.

Cùng thời điểm tiêm thử nghiệm tại Học viện Quân y, gần 40 tình nguyện viên ở Trung tâm Y tế huyện Bến Lức tỉnh Long An cũng đã được tiêm thử dưới sự chủ trì của Viện Pasteur TP. HCM. Ông N.M.T, một tình nguyện viên đã được tiêm cho biết, sau 1 giờ theo dõi ông không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào đối với sức khỏe, cảm thấy rất tin tưởng và yên tâm cũng như hy vọng về kết quả thành công của cuộc thử nghiệm để vaccine của Việt Nam có thể được đưa vào sử dụng nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Thêm “vũ khí” chống dịch

Theo Lãnh đạo Học viện Quân y, trong đợt thử nghiệm giai đoạn 2, có 4 nhóm thử nghiệm, trong đó 3 nhóm sử dụng vaccine, còn 1 nhóm sử dụng giả dược.

PGS. TS. Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y, cho biết, giả dược là thành phần của rất nhiều vaccine đã tiêm cho cộng đồng. Giả dược được sử dụng lần này là tá dược nhôm. Bản thân giả dược an toàn và không ảnh hưởng tới cơ thể.

Mục đích của việc có thêm nhóm tiêm giả dược là để làm đối chứng với nhóm tình nguyện viên có tiêm vaccine, nhằm đánh giá hiệu quả sinh miễn dịch của vaccine. Bên cạnh đó, giúp tối ưu hóa liều, tìm ra liều sinh đáp ứng miễn dịch tốt nhất. Đây cũng là những mục tiêu chính của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

"Để đảm bảo tính khoa học, trong quá trình tiêm, cả tình nguyện viên hay các y, bác sĩ sẽ không biết được liều tiêm đó là vaccine hay giả dược", PGS. TS. Chử Văn Mến phân tích.

Một tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vaccine. (Ảnh: Đ.N)

Sau khi thực hiện giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y và Viện Pasteur TP. HCM sẽ đánh giá các chỉ số miễn dịch kỹ hơn đối với miễn dịch dịch thể (kháng thể) mà đánh giá miễn dịch tế bào để kiểm tra khả năng đáp ứng của vaccine, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4/2021 để đến đầu tháng 5/2021, có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, có thể chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 3 với số lượng tình nguyện viên lên tới 10.000-15.000 người.

GS. TS. Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: “Từ những đánh giá sơ bộ ban đầu, kháng thể sinh ra từ vaccine có thể chống lại biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh. Chúng tôi sẽ đánh giá sâu hơn về vấn đề này ở giai đoạn 3”.

Trong khi vaccine Nanocovax thử nghiệm giai đoạn 2, thì vaccine ngừa Covid-19 thứ hai của Việt Nam là Covivac cũng chuẩn bị tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 vào đầu tháng 3. Đây là những tin vui liên tiếp đối với công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam khi vaccine vẫn được coi là giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất.

Với dân số gần 100 triệu người, việc phát triển thành công vaccine trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn giúp chúng ta chủ động trong phòng, chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vaccine nhập khẩu.

Ngay cả khi chưa có vaccine ngừa Covid-19, Việt Nam đã là một mô hình kiểm soát đại dịch thành công được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Một khi có thêm thêm “vũ khí lợi hại” này, hoàn toàn có cơ sở tin tưởng Việt Nam sẽ chiến thắng cuộc chiến chống lại "giặc" Covid-19, tận dụng được thời cơ phục hồi, phát triển kinh tế nhanh chóng, mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp vào việc đẩy lùi đại dịch trên thế giới.