Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao ASEAN 42 mặc áo sơ mi từ vải có tên gọi là Tenun Ikat của Indonesia. (Ảnh: Dương Giang) |
Indonesia có bốn loại vải truyền thống (thường được gọi là wastra) được công nhận trên toàn thế giới. Đó là Batik - vải được làm bằng kỹ thuật nhuộm kháng sáp, Songket - vải dệt được làm bằng kỹ thuật sợi ngang, Ikat - vải dệt được làm bằng cách buộc và nhuộm chỉ trước khi dệt và Tenun - vải dệt bằng khung cửi truyền thống.
Tại ASEAN 42, các nhà lãnh đạo đã mặc áo dài tay được làm từ vải Batik trong dịp dự chiêu đãi của Tổng thống Indonesia tối ngày 10/5 và áo dài tay làm từ vải Tenun Ikat tại Phiên họp hẹp sáng 11/5.
Trong đó, Batik là một loại vải đặc biệt của Indonesia được làm bằng cách sử dụng canting - dụng cụ bôi sáp giống như bút và được biết đến với các họa tiết trang trí độc đáo ở mỗi vùng. Vải Batik của Indonesia đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 2/10/2009. Theo Bộ Công nghiệp Indonesia, kim ngạch xuất khẩu vải Batik đạt khoảng 157,8 triệu USD vào năm 2021.
Còn vải Tenun Ikat của vùng Flores, Đông Nusa Tenggara (khác với Tenun Endek của Bali) là một loại vải truyền thống của người Manggarai sống ở phía Tây của đảo Flores. Loại vải này được sử dụng cho trang phục trong các sự kiện truyền thống như: dự tiệc (penti), khai trương cánh đồng mới (randang) và họp mặt (nempung).
Vải Tenun Ikat được thế giới biết đến thông qua buổi trình diễn trong Tuần lễ thời trang Paris 2018. Julie Laiskodat, nhà thiết kế người Indonesia đã giới thiệu vẻ đẹp của vải vùng Flores đến với thế giới. Nhân dịp ASEAN 42, nhà thiết kế Julie Laiskodat cũng đã tận dụng cơ hội để quảng bá Tenun Ikat của Flores.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong trang phục áo truyền thống của Indonesia may từ vải Batik. (Ảnh: Dương Giang) |
Theo truyền thông nước này, màu sắc và họa tiết của vải Tenun Ikat do đích thân Tổng thống Joko Widodo lựa chọn. Trong khi đó, loại vải này cũng được sử dụng để làm khăn choàng cho phu nhân của các vị lãnh đạo ASEAN do Đệ nhất phu nhân Iriana Joko Widodo lựa chọn.
Họa tiết mata manuk (mắt gà) có giá trị văn hóa và tôn giáo cao như là một phương tiện thờ Đấng tạo hóa và tổ tiên trong các nghi lễ truyền thống đối với người dân Tây Manggarai.
Thông qua Cấp cao ASEAN, Indonesia mong muốn quảng bá nhiều hơn nữa những sản phẩm địa phương độc đáo như các loại vải trên và du khách hoàn toàn có thể mua làm quà lưu niệm (vải hoặc đã may thành áo) tại Labuan Bajo hay các địa phương khác của Indonesia.
Nghệ nhân vẽ họa tiết trên vải Batik. (Nguồn: ich.unesco.org) |