TIN LIÊN QUAN | |
Nhiều vụ xâm hại trẻ em bị "chìm" do định kiến xã hội | |
Làm thế nào để chữa lành vết thương cho trẻ bị xâm hại? |
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung, thực tế hiện nay có tới gần 60% số vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em chính là người thân, người quen. Bà suy nghĩ như thế nào về con số này?
Tôi cho rằng, con số này còn chưa phản ánh đúng tình trạng nguy hiểm đến từ người thân mà trẻ em phải chịu đựng. Có rất nhiều vụ xâm hại đến từ người thân mà gia đình biết vì những lý do khác nhau nhưng tìm cách bưng bít, giữ kín để thủ phạm không bị trả giá. Đã có trường hợp trẻ bị chú ruột xâm hại, mẹ trẻ muốn tố cáo đã bị gia đình dọa đuổi ra khỏi nhà nếu tố cáo.
TS. Vũ Thu Hương. (Ảnh: NVCC) |
Như vậy có thể thấy, con số 60% các vụ xâm hại trẻ em đến từ người thân chỉ là con số tương đối được tính toán từ các vụ xâm hại trẻ em đã bị tố cáo và xử lý. Ngoài ra, còn vô số các vụ việc khác âm thầm bị bỏ qua và chúng ta không thể biết chính xác con số đó là bao nhiêu.
Như vậy nghĩa là ngay ở nhà cũng không phải là nơi an toàn tuyệt đối với trẻ nhỏ?
Thực tế chứng minh là không có nơi nào thật sự an toàn với trẻ nhỏ khi sự sống của các con phụ thuộc hoàn toàn vào người khác, vào điều kiện sống gia đình, vào cả lương tâm và tình cảm của những người xung quanh.
Ở Việt Nam, nhiều trẻ em chưa được coi trọng đúng mực. Tình trạng sinh con nhưng chưa thật sự quan tâm đến con còn xuất hiện ở một bộ phận phụ huynh. Có phụ huynh chăm con chỉ để được khen là đảm đang, khéo léo, chỉ dựa theo sự đánh giá của người ngoài dẫn đến trẻ bị thừa cân, béo phì. Cũng có phụ huynh vì bận rộn ít quan tâm đến trẻ, bán khoán việc dạy học cho nhà trường. Với hiện trạng như vậy, thật khó để trẻ có thể được tôn trọng và yêu thương như các em muốn.
Từ quan niệm thiếu tôn trọng trẻ em, người thân coi việc xâm phạm vào cơ thể và sự riêng tư của các em là bình thường. Tôi đã chứng kiến nhiều lần việc các ông/bà vạch quần cháu ra véo bộ phận sinh dục hoặc bắt cháu đứng yên để khách của mình làm việc đó. Với suy nghĩ trẻ phải chịu đựng và tuân phục, người lớn chỉ cần tỏ vẻ yêu thương là trẻ phải chấp nhận dù đó là hành vi gì. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em Việt Nam không được an toàn dù ở ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Đây thực sự là vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Nhưng có lẽ, chúng ta không chỉ lên án mà còn phải chung tay bảo vệ trẻ. Giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng này ra sao, thưa TS?
Về các giải pháp giáo dục, chúng ta cần dạy trẻ mọi kỹ năng ứng phó, phòng tránh các vụ xâm hại, dâm ô có thể xảy ra. Trẻ em Việt Nam được dạy phải nghe lời người lớn, nếu không sẽ bị mắng là hỗn láo. Khi trẻ được dạy ứng phó, phòng tránh xâm hại, trẻ sẽ hiểu mình có quyền phản kháng. Điều này sẽ giúp trẻ tránh được phần lớn các nguy cơ xâm hại, dâm ô.
Gia đình và trường học có còn an toàn đối với trẻ nhỏ? (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Các bạn trẻ cũng nên học và ghi nhớ thật kỹ về quy tắc đồ lót, quy tắc lòng bàn tay, quy tắc 4 vòng tròn của Th.S Lan Hải. Với quy tắc này, các em tuyệt đối không để ai quá suồng sã, thân mật với mình. Từ đó, các em sẽ tự tạo cho mình hành lang an toàn dù ở bất kể môi trường nào.
Về các biện pháp khác, chúng ta cũng cần quan tâm tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, tuyên truyền về kiến thức pháp luật cho người thân trong gia đình có trẻ nhỏ. Các vụ án dâm ô, xâm hại trẻ em cũng cần được xử lý nghiêm minh với một quy trình đặc biệt để có đủ sức nặng răn đe các đối tượng có ý định xâm hại trẻ.
Ngoài ra, theo tôi, Việt Nam nên có ngôi nhà ấm áp dành cho các em bé bị người trong gia đình xâm hại, bạo hành, phải sống tách khỏi cha mẹ.
Trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội và truyền thông ra sao trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục?
Nhà trường, gia đình trước tiên phải đảm bảo được sự an toàn của trẻ em. Rõ ràng trong các vụ việc xâm hại trẻ em đến từ những người thân cận nhất của các em, nhà trường không thể giúp đỡ được gì. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm tối cao của những người làm cha mẹ. Vì điều này, cha mẹ cần có những nguyên tắc rõ ràng để đảm bảo con trẻ không bị lạm dụng, xâm hại.
Nhà trường có trách nhiệm giáo dục trẻ em phòng tránh và ứng phó với xâm hại. Phối hợp với nhà trường, gia đình cần lập kế hoạch cho con được ôn tập và rèn luyện nhằm nâng cao kỹ năng cũng như ý thức tự vệ, tự chăm sóc bản thân. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy các con kỹ năng sống càng sớm càng tốt. Trẻ càng tự lập càng hiểu rõ và biết cách ứng xử phù hợp, đảm bảo an toàn cho chính mình, tránh xa kẻ xâm hại. Đặc biệt, trẻ mặc đồ lót sớm sẽ có phản xạ tự vệ tốt hơn các trẻ em khác. Cho con mặc đồ lót sớm là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em.
Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cần liên tục tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, phòng tránh xâm hại, lạm dụng.
Phải chăng vấn đề giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, kỹ năng ứng phó với những hiểm nguy vẫn còn nhiều khoảng trống?
Đúng vậy. Những vụ việc trẻ bị xâm hại thực sự gây cú sốc lớn khiến phụ huynh lo ngại cho sự an nguy của trẻ. Cách đây hơn một năm, khi chúng tôi "tấn công" thật mạnh vào các tội phạm xâm hại trẻ em, cùng với các phương tiện truyền thông đã có những tín hiệu tích cực. Thường thì sau mỗi vụ việc đáng tiếc xảy ra, cha mẹ mới bắt đầu đi "chữa bệnh". Họ bắt đầu quan tâm đến các kỹ năng tự vệ của trẻ em hơn.
Tuy nhiên, tài liệu hướng dẫn các nội dung này vẫn chưa được thống nhất. Bên cạnh đó, thời lượng cho việc rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi xâm hại tình dục vẫn chưa được xếp trong chương trình giáo dục phổ thông mà mới chỉ được lồng ghép vào các nội dung khác. Chính vì thế, còn rất nhiều lỗ hổng cần được xử lý. Tôi nghĩ, việc này nếu được tiến hành sớm chắc chắn sẽ mang lại các thông tin khả quan trong phong trào đấu tranh phòng tránh xâm hại trẻ em.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Nhiều vụ xâm hại trẻ em bị "chìm" do định kiến xã hội Nhiều chuyên gia cho rằng, khi xác minh các vụ xâm hại tình dục trẻ em gặp nhiều khó khăn do nạn nhân chịu ảnh ... |
Làm thế nào để chữa lành vết thương cho trẻ bị xâm hại? TG&VN xin giới thiệu hướng dẫn của Chuyên gia tâm lý - Tiến sĩ Trần Thành Nam - Giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm ... |
Xâm hại tình dục trẻ em: Hãy lên tiếng một cách thông minh! Đó là quan điểm của các diễn giả khi tham gia cuộc tọa đàm mang tựa đề "Im lặng hay lên tiếng?", được tổ chức ... |