Tuyên bố này được ông Di Maio đưa ra trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) để bàn về vấn đề di cư gây chia rẽ khu vực này.
Bình luận về những phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng dòng người di cư tới châu Âu đã giảm so với vài năm trước, ông Di Maio khẳng định ông Macron đang quá xa rời thực tế.
Trên mạng xã hội Facebook, ông Di Maio viết: “Italy đang phải đối mặt với tình trạng báo động về người di cư, một phần là do Pháp tiếp tục đẩy lui dòng người di cư tại biên giới. Tổng thống Macron có thể sẽ biến nước Pháp thành kẻ thù số 1 của Italy trong vấn đề này”.
Tuyên bố của Phó Thủ tướng Luigi Di Maio thể hiện lập trường cứng rắn của chính phủ mới ở Italy trong vấn đề người nhập cư trong bối cảnh dòng người nhập cư tiếp tục vượt biển Địa Trung Hải tới Italy trong khi nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn từ chối tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch phân bổ của liên minh này.
Pháp đang nhận sự chỉ trích mạnh mẽ từ Italy trong vấn đề người di cư. (Nguồn: Reuters) |
Cũng trong ngày 23/6, Tổng thống Pháp cho biết, ông ủng hộ việc trừng phạt tài chính những nước thành viên EU từ chối tiếp nhận người di cư.
Tại cuộc họp báo chung với tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở thủ đô Paris, khi được hỏi về quan điểm của ông liên quan tới khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính, Tổng thống Macron nói: "Cá nhân tôi ủng hộ cơ chế thực sự tính tới điều này".
Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh: "Chúng ta không thể có những quốc gia được hưởng lợi lớn từ sự đoàn kết của EU và chỉ lớn tiếng bảo vệ lợi quốc gia mình khi nói tới vấn đề người di cư".
Phát biểu trên được Tổng thống Macron đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến vào ngày 28-29/6 tới. Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo của 16 nước thành viên EU dự kiến sẽ có cuộc họp không chính thức nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề nhức nhối này.
Theo thông báo, hội nghị sẽ tập trung thảo luận các biện pháp đẩy nhanh quy trình đưa người tị nạn trở về quốc gia có trách nhiệm xử lý các đơn xin tị nạn. Vấn đề này vốn đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia tuyến đầu của EU như Italy và Hy Lạp bởi theo nguyên tắc Dublin, những quốc gia đầu tiên người tị nạn đặt chân tới sẽ phải chịu trách nhiệm xét duyệt đơn tị nạn.