📞

Vấn đề kinh tế trong thương lượng Mỹ - Triều

14:00 | 10/06/2018
Ông Kim Jong-un đang dọn đường cho cải cách kinh tế. Nhưng để làm được điều đó, Triều Tiên có thực sự cần “món quà” kinh tế từ Mỹ.

Trong lúc giới chức Mỹ và Triều Tiên tất bật chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến vào ngày 12/6 tại Singapore, phía Bình Nhưỡng vẫn không ít lần tiếp tục nhấn mạnh, “nước này sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân chỉ để đổi lấy viện trợ kinh tế của Washington.”

 “Món quà” của Mỹ?

Vào ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Trump đã viết trên twitter rằng, “Tôi thành thật tin rằng Triều Tiên có tiềm năng xán lạn và sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và tài chính trong một ngày nào đó. Ông Kim Jong-un đồng ý với tôi về quan điểm này”. Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình đầu tháng 5, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã đề ra một lộ trình chi tiết hơn để giúp nền kinh tế Triều Tiên. “Chúng tôi có thể tạo ra các điều kiện để giúp mang lại sự thịnh vượng kinh tế thật sự cho người dân Triều Tiên, ngang ngửa với Hàn Quốc.” ông Pompeo khẳng định.

Trên truyền thông, cảm nhận về việc Triều Tiên khát khao viện trợ kinh tế từ Mỹ được truyền đi liên tục từ các thông điệp của ông Trump và các quan chức Washington. Theo họ, tất cả những gì ông Kim cần làm chỉ là cam kết phi hạt nhân hóa, rồi sau đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ sẵn sàng mang lại sự kỳ diệu cho nền kinh tế vốn trì trệ của Triều Tiên.

Những tòa nhà cao tầng gần quảng trường Kim Il Sung tại thủ đô Bình Nhưỡng. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, những hứa hẹn hỗ trợ kinh tế của Mỹ như là cách để thuyết phục Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa được cho là không phải là lý do để nhà lãnh đạo Triều Tiên sốt sắng gặp Tổng thống Mỹ. Mặc dù có bằng chứng rõ ràng cho thấy, các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên đã phát huy tác dụng khi đẩy nước này vào tình thế buộc phải thay đổi. Nhưng bình luận về vấn đề này, tờ AP cho rằng, thông tin ông Kim đến Singapore để xin ân huệ kinh tế từ Mỹ là hoàn toàn không đúng. Việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và thuyết phục Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, để Bình Nhưỡng có thể tiếp tục theo đuổi những mục tiêu mới về kinh tế mới là điều ông Kim theo đuổi.  

Hiện dưới chính sách “gây áp lực tối đa” của ông Trump, các biện pháp cấm vận quốc tế lên Triều Tiên nặng nề hơn bao giờ. Bởi vậy, với Triều Tiên, việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ mở ra cánh cửa để nước này có nhiều hoạt động thương mại hơn với các đối tác mà Bình Nhưỡng tin tưởng hơn Washington như Trung Quốc, Hàn Quốc và có thể là Nga, cũng như mở lối để tiếp cận các định chế tài chính toàn cầu. Thậm chí, tờ AP nhận định, viễn cảnh từ bỏ vũ khí hạt nhân chỉ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ ồ ạt đến Triều Tiên, có thể bị coi là mối đe dọa đối với Bình Nhưỡng.

Bởi vậy, giới quan sát cho rằng, “món quà của Mỹ” chưa chắc đã được phía Triều Tiên nhiệt tình đón nhận. Và trên thực tế, thông điệp của Triều Tiên rất rõ ràng trong câu trả lời đanh thép của Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Kim Kye-gwan khi đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo rằng, Bình Nhưỡng chưa bao giờ mong chờ sự hỗ trợ từ Mỹ trong việc thực hiện công cuộc xây dựng kinh tế và cũng sẽ không bao giờ có một thỏa thuận như vậy với Mỹ trong tương lai.

Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong một cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhấn mạnh rằng, ông muốn duy trì sự độc lập của nền kinh tế, như chính hệ tư tưởng “tự lực cánh sinh” vốn tồn tại ở Triều Tiên trong nhiều năm qua.

Nhìn vấn đề ở khía cạnh khác, trên tờ New York Times, Nhà nghiên cứu cấp cao Laura Rosenberger, chuyên gia về Triều Tiên tại Quỹ Marshall (Đức) ở Washington nhận định, ông Kim đang cảnh giác với việc mở cửa quá nhanh theo hướng tự do. Nhà lãnh đạo trẻ lo ngại rằng, sự tăng lên quá nhanh trong kỳ vọng của người dân, cũng như sức mạnh của nền kinh tế có thể khiến Triều Tiên rơi vào bất ổn và làm suy yếu chính quyền.

Những yếu tố mới trong nền kinh tế

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều đồn đoán về lý do khiến chính quyền Kim Jong-un chấp nhận đàm phán với Mỹ là vì nền kinh tế “chạm đáy”, cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong một bài phản ánh về kinh tế Triều Tiên mới đây, tờ SCMP đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng cho thấy, dù liên tục phải chịu các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm từ Mỹ và các nước phương Tây, nền kinh tế nước này vẫn đang thể hiện một sức sống tuyệt vời.

Những dữ liệu đáng tin cậy về Triều Tiên rất khó để có thể tiếp cận. Tuy nhiên, thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy đất nước này đã có sự cải thiện đáng kể từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền hồi tháng 12/2011. Nhiều nhà phân tích đánh giá, ít nhất từ trước khi các lệnh trừng phạt mới được đưa ra vào tháng 9/2017 có hiệu lực, nền kinh tế Triều Tiên vẫn khá ổn định, không thấy có dấu hiệu của sự sụp đổ, nạn đói hay suy dinh dưỡng.

Reuters dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết, GDP của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 3,9% so với năm 2015, đạt mức 32.000 tỷ won (khoảng 28,5 tỷ USD). 2016 là năm kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1999 - khi tăng trưởng kinh tế đạt 6,1%.

 Nới lỏng sự quản lý của chính phủ đối với các ngành kinh doanh và công nghiệp; thành lập 13 đặc khu phát triển kinh tế mới, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài; từng bước áp dụng một số mặt của nền kinh tế thị trường nhằm tự do hóa nền kinh tế; hối thúc các công ty và nhà máy tăng cường năng suất làm việc; thậm chí cho phép tư nhân hóa trong phạm vi nhất định… là những cải cách kinh tế đã được nhà lãnh đạo Triều Tiên tiến hành, đang mang lại những yếu tố mới cho nước này trên các lĩnh vực kinh tế chủ chốt.

Tuy vậy, tình trạng bị cô lập đang cản trở nền kinh tế Triều Tiên tiến xa hơn. Hơn nữa, hứa hẹn của ông Kim Jong-un với người dân về một tương lai thịnh vượng vẫn chưa thực hiện được. Đó mới là lý do, từ tháng Tư, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ chuyển từ chính sách “byungjin - phát triển đồng thời cả kinh tế và vũ khí hạt nhân”, sang chỉ tập trung phát triển kinh tế.