Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo trước khi lên đường tới Mỹ tại sân bay Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/9. (Nguồn: RTE) |
Phát biểu họp báo ở Istanbul trước khi lên đường tới New York (Mỹ), ông Erdogan chia sẻ: “Ưu tiên của chúng tôi là tổ chức đàm phán 3 bên như kế hoạch trước đó. Tuy vậy, chúng tôi cũng đề nghị nhóm họp theo định dạng 4 bên - gồm bản thân tôi, (Tổng thống Nga Vladimir) Putin, (Tổng thống Azerbaijan) Ilham Aliyev và (Thủ tướng Armenia Nikol) Pashinyan.
Tôi nói, chúng ta hãy cùng đến và thảo luận về những biện pháp cần được triển khai. Đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ hồi đáp tích cực hay tiêu cực nào”.
Trước đó, ngày 9/9, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Armenia Pashinyan bày tỏ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp với Tổng thống Azerbaijan Aliyev để giảm leo thang tình hình căng thẳng ở biên giới giữa hai nước.
Từ lâu, tại biên giới giữa Armenia và Azerbaijan luôn xảy ra những cuộc đọ súng nảy lửa. Đầu tháng 9, Baku cáo buộc Yerevan sử dụng máy bay không người lái chiến đấu nhằm vào các vị trí của Azerbaijan ở quận Kalbajar, khiến hai binh sĩ Azerbaijan bị thương.
Về phần mình, Yerevan cáo buộc Baku pháo kích vào các vị trí biên giới của Armenia, xác nhận 3 binh sĩ Armenia thiệt mạng và 2 người khác bị thương.
Trong một tuyên bố ngày 9/9, văn phòng Thủ tướng Pashinyan cho biết: "Tổng thống Macron nhấn mạnh việc giảm căng thẳng dọc biên giới là cần thiết. Thủ tướng Pashinyan bày tỏ sẵn sàng tổ chức các cuộc thảo luận khẩn cấp với tổng thống Azerbaijan nhằm giảm leo thang".
Thông báo của văn phòng trên cũng cho biết, Thủ tướng Armenia khẳng định cam kết đối với giải pháp ngoại giao cho mọi vấn đề, trong khi nhà lãnh đạo Pháp bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình trong khu vực.
Cuối cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Pashinyan thông tin, nhà lãnh đạo Armenia đã nêu ra ý kiến tương tự trong các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Georgia Irakli Garibashvili và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.
Năm 2022, dưới sự hoà giải của Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Armenia và Azerbaijan bắt đầu thảo luận về một hiệp ước hòa bình.
Vào tháng 5/2023, Thủ tướng Pashinyan nói rằng Yerevan sẵn sàng công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, bao gồm cả khu vực Nagorno-Karabakh với đa số người Armenia sinh sống.
Trong khi đó, Tổng thống Aliyev cho rằng, một hiệp ước hòa bình có thể được ký kết trong thời gian tới nếu Armenia không thay đổi quan điểm.