📞

Văn hóa châu Âu: Tuy xa mà gần

11:00 | 28/11/2015
văn hóa châu Âu có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, một phần do lịch sử đô hộ và xâm chiếm của các đế chế châu Âu, một phần do chính sức hấp dẫn đặc biệt của nền văn hóa lớn này.
Buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam tại EXPO Milan 2015 được khán giả châu Âu yêu thích.

Dù ở khoảng cách khá xa về địa lý nhưng Việt Nam tiếp cận với nền văn hóa châu Âu khá sớm, qua văn hóa của người Pháp và sau này là văn hóa Nga cùng một số nước Đông Âu thông qua quan hệ giao lưu văn hóa với các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn hiện nay, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và châu Âu phát triển nhanh chóng theo chính sách của Việt Nam là làm bạn với các nước và chủ động hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập văn hóa.

Đa sắc màu, đầy quyến rũ

Có thể cảm nhận, nền văn hóa châu Âu giống như tổng hòa các nền văn hóa đan xen lẫn nhau qua các thời kỳ lịch sử. Nền tảng của văn hóa châu Âu được gây dựng bởi người Hy Lạp, được củng cố bởi những người La Mã, được ổn định bởi người Cơ Đốc giáo, được cải cách và hiện đại hóa trong thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XV), sau đó được cải cách và toàn cầu hóa bởi các đế chế châu Âu vào thế kỷ XIX và XX. Trong xã hội đương đại, bề dày văn hóa lâu đời của các quốc gia châu Âu là bệ đỡ cho sự phát triển đầy năng động và sáng tạo của châu Âu hiện đại, khiến châu lục này có một sức hấp dẫn khó cưỡng. Trải qua biến động của lịch sử, kinh tế và xã hội, châu Âu vẫn giữ được những đường nét văn hóa cổ điển và sang trọng.

Châu Âu có hơn 15.000 viện bảo tàng lớn nhỏ - cầu nối giữa quá khứ và hiện tại cùng nhiều kỳ quan thế giới cổ đại. Châu lục này cũng xây dựng cho mình một phong cách kiến trúc riêng ở mỗi thời kỳ lịch sử như kiến trúc La mã cổ, kiến trúc Gothic, kiến trúc Phục hưng…. Nền mỹ thuật châu Âu sở hữu những tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều trường phái khác nhau. Âm nhạc châu Âu đa dạng về thể loại, từ âm nhạc bác học đến âm nhạc đường phố ... Bên cạnh những lễ hội văn hóa được tổ chức suốt cả năm, văn hóa giao thông châu Âu cũng là niềm tự hào khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Tất cả những điều đó, đã tạo nên vẻ quyến rũ đặc biệt của châu lục này.

Việt Nam trong lòng châu Âu

Những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật phong phú, giới thiệu các loại hình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đến với người dân châu Âu. Đặc biệt là tại các sự kiện Việt Nam kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước châu Âu.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch chia sẻ: “Việc cử các đoàn nghệ thuật tham gia các lễ hội văn hóa và liên hoan âm nhạc, nghệ thuật quốc tế tổ chức tại các nước châu Âu… là phương thức hiệu quả và kinh tế để quảng bá văn hóa Việt Nam đến công chúng châu Âu vì các lễ hội, liên hoan nghệ thuật thường có lượng khán giả đông đảo ”.

Bên cạnh đó, các viện bảo tàng của Việt Nam cũng thường xuyên phối hợp với các bảo tàng châu Âu tổ chức nhiều cuộc Triển lãm, trưng bày, giới thiệu đến công chúng châu Âu nền văn minh, văn hiến lâu đời của Việt Nam.

Đặc sắc văn hóa châu Âu tại Việt Nam

Không chỉ văn hóa Việt Nam được quảng bá rộng rãi tại châu Âu, văn hóa châu Âu cũng liên tục được giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam thông qua các trung tâm văn hóa như Viện Goethe (Đức), Trung tâm Văn hóa Pháp, Hội đồng Anh, Ngôi nhà Italy…

Đồng thời, một số nước châu Âu cũng thành lập quỹ hỗ trợ văn hóa, nghệ thuật để thúc đẩy giao lưu văn hóa và phát triển nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Có thể thấy, dù ở đâu, các nước châu Âu luôn ưu tiên phát triển văn hóa, coi đó là hình thức hữu hiệu để quảng bá hình ảnh quốc gia.

Nhiều hoạt động văn hóa trong khuôn khổ đa phương của các nước châu Âu được tổ chức thường niên tại Việt Nam như: Liên hoan âm nhạc châu Âu, Liên hoan phim châu Âu, Liên hoan phim tài liệu, Ngày văn học châu Âu, Liên hoan múa đương đại châu Âu gặp gỡ châu Á …Thông qua các hoạt động này, các nghệ sỹ Việt Nam có cơ hội được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sỹ châu Âu. Khán giả Việt Nam cũng có dịp thưởng thức nét văn hóa đa dạng và những trào lưu hiện đại trên thế giới.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều hoạt động song phương giữa Việt Nam và các nước châu Âu như các hội thảo, đối thoại về chính sách văn hóa, các chương trình văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thời trang...

“Trong thời gian tới, đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Văn hóa Đối ngoại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2015, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác văn hóa với các nước châu Âu, tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật giới thiệu sự đa dạng và độc đáo của nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, kêu gọi sự hưởng ứng tham gia và đóng góp từ các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức văn hóa - nghệ thuật và cá nhân các nghệ sỹ, khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở ngoài tham gia các hoạt động quảng bá”, bà Nguyễn Phương Hòa khẳng định.

Minh Hòa