Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp phải được coi là nền tảng quyết định sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. |
Thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp với tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cap đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh. Điều đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước…
Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; trong đó, chủ yếu là đạo đức kinh doanh vẫn chưa được chú trọng đúng mức, tạo ra nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận tìm mọi cách kể cả vi phạm pháp luật như sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây mất an toàn thực phẩm... Những hành vi trên không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm mất uy tín, lòng tin của khách hàng, người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam.
Trong thời gian tới, mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực, kiên trì trong việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
Cộng đồng doanh nghiệp phải được xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên triết lý, chiến lược kinh doanh với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn uy tín, đạo đức kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Chính phủ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phòng chống lãng phí, tiêu cực, giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, trục lợi, tham nhũng nhằm tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển và đổi mới sáng tạo.
TPHCM hiện có 323.000 doanh nghiệp hoạt động, nhưng hơn 98% số doanh nghiệp có quy nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động dầu tư kinh doanh chưa bền vững và chưa xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh như sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; thiếu nghiêm túc khi thực hiện trách nhiệm xã hội...
Nhiều lô hàng lương thực, thực phẩm xuất khẩu bị đối tác trả về do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây thiệt hại lớn về kinh tế và mất niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp, uy tín của thành phố…
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn lắng nghe những chia sẻ của các doanh nghiệp liên quan tới thực trạng, khó khăn của doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, thành phố sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực, giúp cộng đồng doanh nghiệp thành phố phát triển bền vững.
Tại diễn đàn, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam công bố “Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp” gồm 6 tiêu chí lớn là: Văn hóa của người lãnh đạo doanh nghiệp, xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh.
Đây được xem là cơ sở để Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đánh giá và tôn vinh các doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu trong thời gian tới.