Sống mãi với thời gian
Arab Saudi thường được nhắc đến với những lâu đài tráng lệ trên cát, xứ của hai nhà thờ Hồi giáo thiêng liêng nhất là Mecca và Medina. Ngoài những tập tục Hồi giáo truyền thống, nơi đây vẫn còn tồn tại một di sản văn hóa đặc biệt là làng “tranh”. Làng “tranh” không phải do thiên nhiên tạo nên hay nhân tố kỳ bí nào cấu thành mà chính là bàn tay của chính những người phụ nữ trong làng xây đắp. Tất cả ngôi nhà trong làng đều không giống nhau. Có nhà với cầu thang xanh, mái ngói vàng, có nhà trông giống như một lâu đài cổ tích với những cánh cửa được trang trí hoa văn, ô chéo nhiều màu sắc và cũng có nhà chỉ có màu đất nung pha với mầu xanh rêu… Không ai biết được ngôi làng này hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng cuộc sống của những người dân nơi đây gắn chặt với những ngôi nhà “tranh”.
Một niềm tự hào của người Arab Saudi là trang phục truyền thống. Nó mang tính biểu tượng cao, biểu hiện mối liên kết chặt chẽ của con người với đất đai, quá khứ và đạo Hồi trên chất liệu len, cotton (được gọi là thawb) với một shimagh (mảnh vải cotton vuông kẻ carô lớn) hay ghutra (mảnh vải vuông màu trắng được làm bằng vải cotton mịn hơn) phủ trên đầu. Trong những ngày giá lạnh hiếm hoi, đàn ông Arab Saudi mặc một áo khoác không tay bằng lông lạc đà (bisht) trùm kín người. Trang phục phụ nữ được trang trí bằng những đồng xu, đồng tiền vàng, mảnh kim loại và vật treo. Tuy nhiên, phụ nữ Saudi Arabia phải mặc một cái áo khoác không tay dài (abaya) và khăn che mặt (niqab) khi họ ra khỏi nhà để bảo vệ tính e lệ.
Không lạc lõng với xu hướng
Vào mùa Hè, nhiệt độ trong sa mạc tại Ảrập có khi lên tới 40-50oC. Cũng vì ẩn trong bộ quần áo tối màu phủ kín từ đầu tới chân mà rất nhiều phụ nữ Saudi Arabia đang rơi vào tình trạng béo phì. Không có điều luật nào cấm phụ nữ tập thể dục ngoài trời nhưng tại một xã hội bảo thủ chịu nhiều tác động của các giáo sĩ thì việc rèn luyện thân thể ngoài nhà thực sự là thách thức với phần đông phụ nữ. Tại Riyadh, phòng tập thể thao và hồ bơi của khách sạn đều hạn chế với khách nữ. Để thay đổi lối sống rèn luyện thân thể, các chuyên gia không chỉ thuyết phục họ rời khỏi ghế bành mà đang phải tìm cách giúp họ thoát khỏi suy nghĩ tập thể dục ở trường học, phòng tập và ngoài trời là việc làm xấu xa về mặt đạo đức.
Hiện nay, ở Saudi Arabia vẫn tồn tại lực lượng Mutaween (cảnh sát tôn giáo) bao gồm các sĩ quan và được hỗ trợ bởi hàng nghìn người tình nguyện. Nhiệm vụ của họ là buộc mọi người tôn trọng học thuyết tôn giáo và loại bỏ các hành động “không phải Hồi giáo”. Họ có quyền bắt giữ tất cả đàn ông và phụ nữ không có họ hàng với nhau nhưng có hành động trao đổi xã hội bình thường với nhau, cấm mua bán các sản phẩm truyền thông đại chúng như đồ chơi, các đĩa nhạc phương Tây và các show truyền hình. Tuy nhiên, kênh truyền hình MTV đã mở thêm kênh phụ bằng tiếng Ảrập với hy vọng sẽ giúp các tài năng trẻ và các nghệ sĩ vùng Trung Đông nhận được nhiều quan tâm hơn từ thế giới bên ngoài. Kênh MTV Ảrập thường xuyên trình chiếu các chương trình âm nhạc, các show tìm kiếm tài năng trẻ, và các chương trình quốc tế đã được gia giảm cho hợp với khẩu vị của người dân vùng Vịnh..
Tối 2/5/2008, nhóm tứ tấu của Đức đã có buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển Tây phương tại Saudi Arabia. Buổi biểu diễn các tác phẩm của Mozart, Brahms và Paul Juon là chương trình hòa nhạc cổ điển đầu tiên được tổ chức trong một khán phòng 500 chỗ ngồi thuộc trung tâm văn hóa của Chính phủ, phá vỡ đi nhiều điều cấm kỵ ở một đất nước mà âm nhạc công diễn bị cấm và giới tính bị phân biệt. Đây còn là một dấu hiệu cho thấy vương quốc Hồi giáo với những điều luật khắt khe này đang xem xét mở cửa đối với phần còn lại của thế giới.
Hà Anh (tổng hợp)