📞
Sức mạnh nội lực của văn hóa trong xây dựng Đảng:

‘Văn hóa như căn cước của một quốc gia’

TS. Nguyễn Viết Chức 15:17 | 04/02/2022
Văn hóa với bản sắc dân tộc kết tinh hàng nghìn năm như là căn cước của một quốc gia được lịch sử phát triển nhân loại chứng nhận…
Hội nghị Văn hóa toàn quốc kết nối trực tuyến với cả nước.

Có con người tốt mới có văn hóa tốt

Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã diễn ra thành công, bàn đến việc xây dựng văn hóa, hệ giá trị con người trong thời kỳ mới.

Suy cho cùng, phát triển văn hóa để xây dựng con người. Ngược lại, xây dựng con người cũng để phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa mà không vì con người, không nhằm mục đích xây dựng con người cả về thể chất lẫn tinh thần thì xây dựng làm gì? Ngược lại, nếu không có con người thì làm sao xây dựng được văn hóa? Bởi con người tốt thì mới có văn hóa tốt.

Do đó, việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời nay vô cùng quan trọng. Văn hóa là chân - thiện - mỹ, là những giá trị mà con người khao khát vươn tới.

Trong xã hội nào, thời đại nào cũng có những giá trị riêng của con người. Chúng ta cũng đã có hệ giá trị nhưng hệ giá trị ấy phù hợp với giai đoạn trước đây, chẳng hạn như “tam cương ngũ thường”, “công dung ngôn hạnh”… Nói thế không có nghĩa bây giờ phụ nữ không cần “công dung ngôn hạnh” nhưng tiêu chí ấy thời nay cũng phải khác.

Thế nhưng, muốn bỏ cái cũ thì phải xây dựng được cái mới. Nếu không có hệ giá trị thì con người sẽ chơi vơi, không có gì để bấu víu, không thấy đích, không có thước đo để vươn lên.

Tôi cũng nhiều lần nhấn mạnh, giữ gìn không có nghĩa là cứ “ôm khư khư” cái cũ nhưng làm cái mới cũng không phải đập bỏ cái cũ, để mất cái cũ mang giá trị bản sắc của dân tộc lại càng không nên. Bởi để mất mình, không có “gương mặt” của mình thì làm sao hội nhập được?

Nếu không có hệ giá trị con người thì cá nhân sẽ dễ bị lung lay, bị tác động khi tiếp cận với những mặt xấu, khó khăn, bất trắc. Nói đúng hơn, trước những cám dỗ như tiền, quyền, nếu con người không có hệ giá trị để quy chiếu, soi rọi sẽ dễ bị sa ngã.

Do vậy, việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, xây dựng hệ giá trị không phải một người có thể làm được mà đòi hỏi chắt lọc từ cuộc sống.

Bên cạnh các mối quan hệ giữa người với người, còn một khía cạnh hết sức quan trọng, đó là con người tự soi mình - soi chính mình mới xây dựng được nhân cách.

Nhiều câu hỏi được đặt ra phải làm thế nào, cần đặt ra hệ giá trị con người Việt Nam trong thời hiện đại ra sao? Đặt ra, để đáp ứng những yêu cầu hình thành một hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức.

Cần cách nhìn mới về văn hóa

Con người Việt Nam yêu nước, nhưng quan trọng cần phải đặt vấn đề yêu nước trong thời hiện đại là gì? Yêu nước nhưng cần có lòng tự trọng và kiên quyết không chịu để đất nước tụt hậu. Đó là lòng tự trọng với chính mình, tự trọng với khu vực và thế giới. Yêu nước mà để đất nước bị tụt hậu thì không phải tự trọng. Nếu không để tụt hậu thì cần phải cống hiến, không thể nào có tham ô, tham nhũng.

Trong chiến tranh, có nhiều gia đình nghèo, khó khăn, thậm chí sẵn sàng dỡ nhà mình, lấp đường cho ô tô vượt qua để chở đạn dược vào miền Nam. Còn bây giờ, yêu nước, có lòng tự trọng chính là kiên quyết không để đất nước tụt hậu.

Cần hiểu đúng khái niệm yêu nước trong điều kiện hiện nay. Hơn nữa, cần phải có sức khỏe, bền bỉ, tâm hồn lành mạnh để thích ứng với mọi hoàn cảnh. Đứng trước tiêu cực nhưng không chán nản, không thụt lùi, không hùa theo điều xấu, luôn lạc quan, tin tưởng.

Đồng thời, chúng ta đi vào những tiêu chí cụ thể để xây dựng con người cũng như hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Tất nhiên, cần tiếp thu, kế thừa những hệ giá trị vốn có như cần cù, sáng tạo, thượng tôn pháp luật, tinh thần đoàn kết… Điều đáng nói, đoàn kết là phải biết hợp tác. Tránh đoàn kết trong khó khăn nhưng trong hợp tác phát triển lại “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Vấn đề quan trọng không phải xây dựng một hệ giá trị xa vời. Qua đó, soi rọi vào trong cuộc sống để lấy thước đo, lấy chuẩn, để mỗi người tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày mới có giá trị đích thực.

Có thể nói, Việt Nam đã và đang phát huy rất hiệu quả sức mạnh mềm của văn hóa. Sức mạnh mềm có nền tảng, giống như thương hiệu quốc gia. Việt Nam là một nước yêu chuộng hòa bình, một dân tộc văn minh, luôn có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Dù còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn có trách nhiệm, cùng chia sẻ, vẫn cử đoàn y bác sĩ, chiến sĩ tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới. Ngay trong chống dịch, nhất là thời kỳ đầu, Việt Nam gửi gấp thiết bị y tế, khẩu trang sang các nước, kể cả những nước phát triển do họ chưa cung ứng kịp. Đó chính là văn hóa - “văn hóa mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Văn hóa với bản sắc dân tộc kết tinh hàng nghìn năm như là căn cước của một quốc gia được lịch sử phát triển nhân loại chứng nhận. Nó trở thành tài sản quý báu, là thương hiệu, uy tín, là sức mạnh mềm nhưng vô cùng mạnh mẽ và hiệu quả trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

“Dịch Covid-19 như là phép thử”

Dịch Covid-19 khiến cho các tập thể, cá nhân cùng thể hiện khát vọng chung tay xây dựng đất nước và trách nhiệm xã hội của mỗi người dân bằng những hành động cụ thể. Từ lãnh đạo cao nhất đến từng người dân, ngoại giao vaccine, sẵn sàng lăn lộn vào thực tiễn để chống dịch…

Nhìn lại, các chiến sĩ áo trắng, áo xanh, áo vàng, người dân đều vào cuộc, góp công, góp sức từ những việc nhỏ. Có những người khỏi bệnh sẵn sàng xin ở lại chăm sóc những người bị nhiễm Covid-19; đó là những cụ già, cháu nhỏ có một ít tiền cũng sẵn sàng góp vào, toàn dân đoàn kết để chống dịch.

Đó là biểu hiện tốt đẹp của người Việt Nam, là một khía cạnh trong giá trị của con người Việt Nam truyền thống cũng như hiện đại. Theo tôi, điều này phải được nhân rộng, giữ gìn và phát huy trong điều kiện bình thường mới.

Lúc này, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, có hiệu quả, tự nguyện, tự giác ở mọi nơi, nghiêm túc để chống dịch. Nhưng đồng thời, cũng phải sáng tạo để khôi phục và phát triển kinh tế.

Dịch khó khăn nhưng đồng thời cũng là môi trường để thử thách, rèn luyện cán bộ cho đến toàn dân, một phép thử mới, vượt qua được những trở ngại này, chắc chắn đất nước sẽ phát triển hơn.

Nói tới phát triển, chúng ta không thể không nói tới nhân tố con người. Do vậy, cần khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi con người Việt Nam, đặc biệt đối với giới trẻ. Phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa, nhận thức thật trong tim mình, trong hành động chứ không phải bằng lời nói suông, trong Nghị quyết hay cuộc họp. Vấn đề không phải thuộc lòng mà phải thực sự đi vào hành động trong cuộc sống, nâng cao nhận thức, phải coi văn hóa ngang tầm với lĩnh vực chính trị, kinh tế.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho chất xám, cho lãnh đạo, quản lý văn hóa sao cho tốt. Cùng với đó, cần nhìn lại khiếm khuyết của thời gian qua là gì? Làm sao để những người làm công tác văn hóa phải mẫu mực, chuyên nghiệp chứ không thể làm việc chắp vá, tùy tiện. Vì vậy, phải xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cho thật sự đúng tầm, phải có cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ.

Lớp trẻ có điều kiện tốt hơn cha anh rất nhiều, phải cố gắng học tập, rèn luyện. Không có cách nào khác, cần tự mình chứ không chờ người khác giáo dục mình. Đấy chính là văn hóa, hướng tới và kế tục. Bản thân người trẻ phải có niềm tin, phải học hỏi, lao động, kế thừa những điều ông cha đã làm tốt, khắc phục những điều chưa được. Đó là nhiệm vụ, cũng là khát vọng của giới trẻ.

Trước đây, chúng ta nói “lên đường đi đánh Mỹ”, “lên đường giải phóng miền Nam” hừng hực như một bài ca ra trận. Bây giờ là bài ca chống tụt hậu và xây dựng đất nước ngang tầm với khu vực và thế giới. Sứ mệnh vinh quang này giao cho lớp trẻ và lớp trẻ phải kế thừa, kế tục được sự nghiệp của cha anh, phải làm tốt hơn thế hệ đi trước.