Có nhiều khái niệm, cách hiểu cũng như cách thức xây dựng VHDN. Xây dựng VHDN cũng đòi hỏi thời gian, sự linh hoạt và phù hợp với đặc trưng của mỗi doanh nghiệp.
Nên hiểu VHDN như thế nào?
Tại Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội, các diễn giả là các nhà quản lý, khoa học, doanh nhân đã có những tham luận về VHDN và vai trò của VHDN trong nền kinh tế. Qua những tham luận và ý kiến đó có thể thấy, riêng về khái niệm VHDN cũng có nhiều quan điểm.
Chẳng hạn như theo PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, VHDN là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp; tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp.
Văn hóa Viettel được thể hiện một cách đậm nét nhưng phù hợp với thị trường mình đến cũng là một cách để doanh nghiệp gặt hái được thành công. Thương hiệu halotel tại Tanzania. (nguồn: Alexrabrah) |
Cũng có quan điểm gần tương tự, TS. Nguyễn Văn Bính, Liên đoàn Lao động Hải Phòng cho rằng, VHDN là tổng thể các giá trị chuẩn mực, biểu tượng, lịch sử truyền thống, nội quy, quy chế, đạo đức, những quan điểm về triết lý kinh doanh. Hay nói cách khác, VHDN là tất cả những gì thuộc về Chân - Thiện - Mỹ - Lợi.
Thực tế cho thấy, VHDN không đơn thuần là văn hóa giao tiếp hay văn hóa kinh doanh, nó bao gồm sự tổng hợp của giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi của mỗi thành viên doanh nghiệp.
Về bề nổi, VHDN được biểu hiện ở: trang phục làm việc, môi trường làm việc, lợi ích, khen thưởng, đối thoại, mô tả công việc, cấu trúc tổ chức, các mối quan hệ, tiêu chuẩn, các thể chế, các biểu thị nhận diện thương hiệu.
Về phần lõi, VHDN có những biểu hiện vô hình như: các giá trị, các định hướng giá trị, đối thoại riêng, các quy tắc vô hình, thái độ, niềm tin, tầm nhìn, tâm trạng và cảm xúc, các biểu thị văn hóa khác... , PGS.TS Lương Hồng Quang chia sẻ.
Nhưng tựu trung lại, các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng, trong nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế hiện nay, VHDN được coi là “chìa khóa vàng” dẫn tới sự thành công của doanh nghiệp. VHDN góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.
Thực tế VHDN ở Việt Nam
Trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp chú trọng tới xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp hiểu và áp dụng VHDN lại… khác nhau.
Chia sẻ về VHDN tại Vingroup, bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn cho biết, văn hóa ở công ty bà là kỷ luật, đúng giờ và tuân thủ mệnh lệnh. “Chúng tôi có câu “vinh quang thuộc về người về đích đúng hạn”, vì vậy, tốc độ thực thi mệnh lệnh còn nhanh hơn tốc độ cuộc họp”, bà Lan nói.
“Hội làng FPT” được tổ chức thường niên - văn hóa của doanh nghiệp được thể hiện một cách độc đáo. (Nguồn: FPT) |
Theo bà Lan, văn hóa của Vingroup là tài sản lớn, là nguồn gốc sức mạnh, là chìa khóa để thành công. Nhưng để có được tài sản đó, cần một quá trình xây dựng rất khó khăn, lâu dài, gian nan. “Văn hóa chỉ có thể sống được với doanh nghiệp nếu chúng ta không chỉ nói và cần tin tưởng, hành động đúng như kế hoạch”, bà Lan nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Đình Lộc, Trưởng ban văn hóa và đoàn thể, Công ty CP FPT chia sẻ, văn hóa ở FPT được thể hiện rất đậm nét ở các Lễ hội truyền thống của công ty.
Ông Lộc chia sẻ về sự kiện “Hội làng FPT” được tổ chức thường niên. Đây là sự kiện mà mọi nhân viên của FPT, kể cả những người đã nghỉ làm cũng rất mong chờ, là dịp để các thành viên giao lưu, trổ tài. Lễ hội được xuất phát từ lễ tổng kết cuối năm, là sự kiện văn hóa được tổ chức theo các phong tục của hội làng ngày trước. Mở đầu sự kiện, thay vì đọc báo cáo tổng kết, lãnh đạo công ty sẽ có hoạt động tế lễ linh thiêng, sau đó là rước trạng FPT, đọc các quyết định khen thưởng, thăng chức...
Qua những hoạt động như thế, văn hóa của doanh nghiệp được thể hiện một cách độc đáo, ấn tượng, uy tín của thương hiệu được nâng lên, gắn kết các nhân viên với nhau, tăng niềm tự hào, yêu công việc, yêu công ty cho mỗi nhân viên.
Còn theo bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Quan hệ công chúng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel lại chia sẻ về sức mạnh của VHDN khi đầu tư ra thị trường nước ngoài.
Bà Hà Thành khẳng định, văn hóa là sức mạnh của Viettel. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 10 nước trên thế giới. Tại mỗi nước, Viettel đều mang văn hóa Việt Nam, văn hóa Viettel tới để xây dựng hình ảnh đẹp của doanh nghiệp Việt Nam.
Viettel cũng luôn coi các quốc gia mình đến đầu tư không chỉ là đối tác mà còn là bạn tốt. Văn hóa Viettel được thể hiện một cách đậm nét nhưng phù hợp với thị trường mình đến cũng là một cách để doanh nghiệp gặt hái được thành công. “Điển hình như tên thương hiệu của công ty ở mỗi nước đều được đặt cho phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia đó”, bà Hà Thành chia sẻ.
Doanh nghiệp Việt xây dựng VHDN như thế nào?
Theo các chuyên gia, để phát huy ưu thế của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp cần phải xem xét và kiện toàn hơn nữa VHDN và tạo dựng cho mình một nét VHDN đặc thù.
Ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, khi đi vào thị trường thế giới và khu vực mà không có sắc thái kinh doanh riêng thì các doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài, bền vững. Nếu có bước đi và định hướng đúng đắn, các doanh nghiệp sẽ chớp được thời cơ để hội nhập với nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới hiện nay.
Ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí. (nguồn: BizLIVE) |
“VHDN khi được xây dựng hoàn thiện không những kích thích sự phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng để xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên trường quốc tế”, ông Hong Sun nhận định.
Còn theo PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Đại học Kinh tế Quốc dân, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức về VHDN thông qua các chiến dịch truyền thông, khóa đào tạo, các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, diễn đàn. “Từ đó doanh nghiệp nhận thấy việc phát triển VHDN bền vững là cơ hội để đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh, chứ không phải tạo chi phí”, PGS.TS Nam Thắng cho biết.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách chính thức về phát triển kinh doanh bền vững, yêu cầu các doanh nghiệp phải tính đến các yếu tố xã hội và môi trường trong mọi quyết định kinh doanh của mình. Khi có chính sách, ít nhất các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ, tạo nền tảng cơ bản cho việc phát triển văn hóa bền vững trong các doanh nghiệp.
Theo ông Hong Sun, người đã có hơn 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam nhận xét, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự quan tâm đến việc xây dựng VHDN. Thậm chí có những doanh nghiệp đã bỏ ra một số vốn đầu tư không nhỏ để mời các công ty nước ngoài đến hoạch định VHDN cho công ty mình.
Vì vậy, học tập cách hiểu và tham khảo VHDN từ các nước tiên tiến trên thế giới, cùng với đó là “khích lệ cán bộ, nhân viên lòng yêu công ty và lòng yêu nước” sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng VHDN thành công, ông Hong Sun nhấn mạnh.