📞

Văn hóa thang máy

09:00 | 10/09/2016
Kỷ nguyên Văn hóa thang máy là kỷ nguyên tốc độ đến chóng mặt, hiệu nghiệm tính từng giây đồng hồ một, không để thiệt một giây.

Một tờ báo Đông Nam Á sử dụng từ ngữ Văn hóa thang máy (Lift culture) để chỉ sinh hoạt ở Hongkong. Đối với ta thì còn hơi sớm. Chỉ ở những thành phố lớn, những khách sạn, công ty, siêu thị có hàng chục tầng, sử dụng thang máy là phổ biến. Còn nói chung, đối với đại đa số người dân, thang máy còn xa lạ lắm. Đầu những năm 2000, các nhà báo nước ngoài vào cửa hàng bách hóa Tràng Tiền (Gôđa cũ) hẳn thích thú thấy dân ta xếp hàng để thử  lên một chuyến thang máy, cứ như lên tàu vũ trụ.

Khi đó, cơ quan tôi mới làm lại nên có sáu tầng. Ở thủ đô cũng vào loại lèm nhèm thôi. Mấy năm đầu, anh chị em chịu khó đi bộ lên xuống các tầng... cho khỏe chân. Rồi bỗng một hôm, “sếp” mua lại ở đâu một thang máy cũ. Ọc ạch, phải sửa luôn, nhưng dù sao cũng oai, đỡ mệt. Nhưng sau hơn một năm, tiền điện và tiền chữa tốn quá, cơ quan chịu không nổi, “sếp” đành ra lệnh chỉ cho dùng thang máy lúc đầu giờ, cuối giờ làm việc và buổi trưa lên ăn tập thể ở căng tin tầng 6. Dĩ nhiên công nhân viên kêu ca, than phiền “sếp” là “ki-bo”, nhất là các cô các cậu quen đến đúng giờ, bày sách vở tài liệu rồi biến đâu mất cho đến hết buổi.

Quả là ta chưa vào được kỷ nguyên Văn hóa thang máy, không biết thế là tốt hay xấu.

Kỷ nguyên Văn hóa thang máy là kỷ nguyên tốc độ đến chóng mặt, hiệu nghiệm tính từng giây đồng hồ một, không để thiệt một giây.

Ta hãy xem bộ mặt văn hóa ấy ở Hongkong ra sao, theo Mary Kwang (The Straits Times). Con người chạy như phi tới các chuyến tàu điện ngầm, không muốn mất một giây phút nào. Do đó ít ai để tâm đến người qua đường. Điển hình là câu chuyện một phụ nữ có chửa chín tháng viết thư đến một tòa báo phàn nàn về trường hợp của mình: “Tôi bị ngã ngoài đường. Trong khi cố gắng lồm cồm bò dậy, mấy người qua đường tiếp tục đi qua; họ có nam, có nữ, có người châu Á và người phương Tây. Không một ai ngừng lại giúp tôi. Dường như họ còn có vẻ cáu vì tôi cản đường của họ”.

Nếu có một số người từ đủ mọi hướng đến một công sở, một cửa hàng, ai cũng cố rảo bước đến trước. Dĩ nhiên, ai đến trước thì mở cửa đi thẳng vào, không cầm đấm cửa hé cánh cho người đi sau.

Khách vào thang máy không bấm nút “mở” cho người theo sau vì chậm một chút là đã đủ thời gian lên thêm hai tầng. Ai cũng cố gắng phi vào phòng thang máy trước khi cửa đóng lại. Nhiều khi bị chen vào giữa không bấm được tầng mình định lên hay xuống.

Bà Hồ đi thuê một căn hộ, nhất định tìm ở phía tầng thấp, từ tầng thứ 10 trở xuống. Như thế đỡ bị lôi thôi khi người ta lên xuống khá nhiều, chiều đi làm về cũng nhanh hơn.

Một hãng môi giới cho thuê trụ sở cho các công ty nhận định là tốc độ sử dụng thang máy là yếu tố quan trọng thứ ba sau địa điểm và giá cả.

Tiết kiệm từng giây ngay cả khi gọi điện thoại. Nếu gọi ai quen mà thấy giọng trả lời:” A-lô” thì dập máy ngay vì biết là gọi nhầm số. Dập máy không cần xin lỗi ai cả vì như thế tiết kiệm được một phút.

Giao thông cũng chịu ảnh hưởng tiết kiệm thời gian. Ở những chỗ đường ngoằn ngoèo, ô tô không chịu đỗ cho bộ hành qua đường. Lái xe tắc xi làu nhàu nếu khách chậm lên xe vừa đỗ. Xe điện ngầm là tai vạ: thời gian mở cửa đóng cửa không đủ cho người ta chen nhau lên xuống trong tàu, khách mở ví lấy đồ mài móng tay, cho đỡ mất thì giờ. Ở các siêu thị lớn, khách xếp hàng rất dài. Người ta không quen xếp hàng đợi. Bà Cheming kể: “Tôi xếp hàng đầu đợi xe buýt. Xe vừa đến thì mấy người đứng sau tôi lẩn lên đứng trước tôi. Tôi bảo một bà: xin xếp hàng cho. Bà ta chẳng xin lỗi gì, nói: yên chí! Có nhiều chỗ hơn là người xếp hàng sau mà”. Nếu không biết đường, nên mở bản đồ ra mà tìm lấy. Nếu hỏi đường, có người chỉ bậy bạ cho xong, chỉ chết mình.

Tích tắc, tích tắc! Không phí một giây!

Tiến vào thời đại toàn cầu hóa với chiếc thang máy ọp ẹp cơ quan tôi thì tụt hậu đến vài thập kỷ. Mặt khác, nếu ta tiến đến “văn hóa thang máy” Hongkong thì còn đâu tình người và ý nghĩa cuộc đời. Cái khó là trong hiện đại, vẫn giữ được tinh thần thoải mái, tình người.