Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki. |
Không phải lúc nào cũng "tay bắt mặt mừng", trong quan hệ ngoại giao luôn có những sự cố và những căng thẳng ngoài ý muốn, nhất là khi lợi ích giữa hai bên không tương đồng hoặc bị vi phạm. Và những cách ứng xử trong các tình huống này ra sao?
Ăn miếng trả miếng
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/2 thông báo sẽ trục xuất ba nhà ngoại giao Venezuela ra khỏi nước này. Đây được coi là "sự đáp trả sòng phẳng" của Mỹ, bởi một nguyên nhân đơn giản Venezuela đã có quyết định tương tự đối với ba quan chức lãnh sự Mỹ tại thủ đô Caracas.
Chuyện là trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tuyên bố trục xuất ba nhân viên Đại sứ quán Mỹ với lý do những nhân vật này đứng đằng sau các cuộc biểu tình vừa qua nhằm lật đổ chính phủ. Hành động này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Venezuela đang có chiều hướng gia tăng căng thẳng, sau khi Caracas liên tục cáo buộc Washington can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Có thể thấy, những gì đang diễn ra suy cho cùng vẫn chỉ là bề nổi của "tảng băng ngoại giao" giữa Mỹ và Venezuela trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, bất chấp những xu thế trái ngược chính trị và ngoại giao, hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu dầu mỏ quan trọng nhất của Venezuela.
Mối quan hệ mật thiết về nhu cầu, lợi ích đó là điều mà hai nước không thể dễ dàng bỏ qua và thực chất đang khiến quan hệ giữa hai nước ở trong tình trạng "tuy xa mà gần, tuy gần mà xa". Chính vì vậy, mà đòn "ăn miếng trả miếng", kiểu anh "tám lạng" thì tôi cũng phải được "nửa cân" như trên lại là giải pháp cứu vãn tình thế, không làm xấu thêm mâu thuẫn vốn có.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Trong một căng thẳng khác với Panama, Venezuela đang phải đối mặt với khoảng nợ 1 tỉ USD trước mắt trong bối cảnh diễn ra bất ổn chính trị xảy ra liên tiếp vừa qua. Đây là khoản tiền các công ty của Venezuela đã thiếu nợ Khu tự do thương mại Colon và các nhà xuất khẩu của Panama mà nước này cho rằng đã đến lúc Venezuela có trách nghiệm hoàn trả lại dứt điểm.
Phát biểu trên kênh truyền hình Telemetro của Panama ngày 7/3, Tổng thống Ricardo Martinelli đã lên tiếng: "Venezuela rất giàu có và họ nợ Panama hơn 1 tỉ USD nên Nhà nước Venezuela phải trả nợ". Dù ông Martinelli nói, Panama chỉ muốn tìm kiếm hòa bình với Venezuela nhưng ai cũng hiểu hành động này chính là đòn "trả đũa" của Panama nhắm vào Venezuela trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa hai quốc gia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Căng thẳng ngoại giao này khởi nguồn từ việc Panama yêu cầu Hội đồng thường trực Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) họp bàn tình hình Venezuela sau các cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ của ông Nicolas Maduro trước đó. Tuy nhiên, phía Venezuela đã triệu hồi Đại sứ tại Panama để phản đối vì cho rằng đề nghị của Panama là một hành động can thiệp và quyết định của OAS thiên vị cho Washington.
Ngày 6/3, Tổng thống Nicolas Maduro đã mạnh dạn tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng băng quan hệ kinh tế với Panama. Một ngày sau, Chính phủ Venezuela lập tức trục xuất Đại sứ cùng ba nhà ngoại giao của Panama. Đương nhiên, phía Panama đã tìm ra đấu pháp lợi hại của họ là đánh vào kinh tế.
Thỏa hiệp để duy trì quan hệ
Đó là trường hợp xảy ra giữa Mỹ và Ấn Độ vào cuối năm ngoái. Tháng 12/2013, bà Khobragade, Phó Tổng lãnh sự của Ấn Độ tại New York bị bắt tại thành phố này vì bị nghi gian lận thị thực và khai báo gian dối sau khi bị cáo buộc trả lương cho người giúp việc dưới mức lương tối thiểu tại Mỹ. Dù là nhân viên ngoại giao, bà vẫn bị còng tay, lục soát thân thể sau khi người giúp việc khiếu nại với cơ quan chức năng.
Theo BBC, lãnh đạo phe đối lập tại Thượng viện Ấn Độ Arun Jaitley cho rằng, vụ bắt giữ là một sự vi phạm trắng trợn Công ước Vienna. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ lại khẳng định bà Khobragade không có quyền miễn trừ ngoại giao đầy đủ.
Thời gian sau đó, Ấn Độ đã có nhiều biện pháp ngầm để trả đũa Mỹ. Chẳng hạn như hàng rào bảo vệ của Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi bị dỡ bỏ, các đoàn khách từ Mỹ tới thăm bị các chính trị gia Ấn Độ từ chối, tiến hành kiểm tra tình hình nộp thuế của những người Mỹ làm việc tại các trường học của nước này… Đặc biệt, New Delhi còn yêu cầu Mỹ phải rút một nhân viên ngoại giao đồng cấp với bà Khobragade ra khỏi Ấn Độ.
Mâu thuẫn tưởng sẽ như đổ thêm dầu vào lửa, thế nhưng, ngày 10/1/2014, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố nói họ sẽ rút một nhà ngoại giao khỏi New Delhi theo yêu cầu của Ấn Độ, bù lại việc cho bà Khobragade về nước.
Động thái này cho thấy Mỹ không muốn “đổ dầu vào lửa” trong căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước. Nói như bà Jen Psaki, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, "Chúng tôi trông đợi và hy vọng vụ việc được đóng lại và phía Ấn Độ sẽ chung bước tiến hành cải thiện quan hệ đưa nó trở lại tình trạng hợp tác trước kia".
THÀNH NAM (tổng hợp)