PGS.TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng nhiều giáo viên đang nhầm lẫn giữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. |
Chính phủ đã ban hành đề án 131, trong đó chuyển đổi số trong giáo dục được coi là một trong những lĩnh vực rất quan trọng để thực hiện được chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Từ nghiên cứu và thực tiễn công tác của mình, bà có kỳ vọng gì về hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục?
Tôi có kỳ vọng rất lớn vào chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể chuyển đổi số sẽ thay đổi mạnh mẽ mô hình dạy và học, tạo ra động lực, đường hướng cho phát triển năng lực con người, cụ thể là năng lực học tập suốt đời dựa trên năng lực số.
Bàn về thay đổi mạnh mẽ mô hình dạy và học, những nghiên cứu giáo dục từ rất lâu đã chỉ ra rằng, giáo dục chỉ đạt hiệu quả khi thực sự khai phá tiềm năng mỗi người bằng phân hóa, cá nhân hóa và giúp họ thích nghi tốt với xã hội. Với mô hình dạy học truyền thống ở các nhà trường rất khó để thực hiện được việc dạy học phân hóa, chưa nói đến cá nhân hóa.
Ở một khía cạnh khác, người học có nhu cầu học tập rất cao, đặc biệt trong thế giới biến động như ngày nay. Họ mong muốn được thoải mái trong không gian, thời gian học tập. Do đó, tất yếu phải thực hiện phương thức "dạy học kết hợp". Chúng ta chỉ làm được những điều đó với việc chuyển đổi mô hình dạy học và tất yếu phải chuyển đổi số.
Ở phương diện phát triển năng lực con người, giờ đây công nghệ thích ứng đã giúp chúng ta lưu vết quá trình học tập, dự báo được xu hướng và dẫn dắt người học để họ thích ứng tốt với mục tiêu giáo dục đồng thời tự điều chỉnh nhu cầu học tập. Do vậy, chuyển đổi số sẽ tạo ra môi trường và trực tiếp phát triển năng lực học tập của người học.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ trực tiếp để người học phát triển năng lực số. Năm 2018, UNESCO đã công bố khung năng lực số. Trong đó, họ nhắc đến những nội dung: Khả năng tìm kiếm, đánh giá một cách nghiêm túc và sử dụng các công cụ kỹ thuật số và thông tin hiệu quả để đưa ra quyết định sáng suốt; khả năng hiểu cách bảo vệ bản thân và người khác khỏi bị tổn hại trong không gian kỹ thuật số; khả năng tương tác, tham gia và tác động tích cực đến xã hội thông qua ICT; khả năng nhận biết, điều hướng và thể hiện cảm xúc trong tương tác giữa cá nhân và giữa các cá nhân kỹ thuật số; Khả năng thể hiện và khám phá bản thân thông qua việc tạo nội dung bằng các công cụ ICT.
Thật đáng lo ngại khi công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới cho thấy năng lực số của thanh niên Việt Nam rất thấp. Chúng ta không thể đào tạo tách rời năng lực số, mà bắt buộc phải tích hợp vào công việc, bắt đầu từ học tập, bởi năng lực số là cốt lõi, là công cụ để thực hiện các năng lực khác trong thời đại ngày nay. Và kỳ vọng đó có thể đạt được khi chúng ta chuyển đổi số thành công trong giáo dục.
Có nhiều năm gắn bó với ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về chuyển đổi số trong giáo dục, bà có thể cho biết sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục là gì?
Tôi thường xuyên nhận được câu hỏi này trong các hội thảo khoa học và những buổi làm việc thực tiễn ở các tổ chức giáo dục. Trong một khảo sát gần đây mà chúng tôi thực hiện, vẫn có rất nhiều giáo viên cho rằng “dạy học online”, “trình chiếu bài giảng bằng phần mềm”, “soạn bài giảng bằng words”, “tin nhắn điện tử”, … chính là chuyển đổi số.
Theo tôi, những công việc mà chúng ta làm như vậy mới chỉ là “ứng dụng công nghệ” trong giáo dục chứ chưa thể gọi là chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục đã được phát động triển khai hơn 20 năm qua. Chúng ta có thể ứng dụng một phần mềm nào đó, để làm cho công việc trở nên hiệu quả hơn, nhưng hầu như không làm thay đổi mô hình, quy trình làm việc.
Trong khi đó, chuyển đổi số sẽ thay đổi mô hình, quy trình làm việc. Chẳng hạn, dạy học kết hợp sẽ được thay thế dạy học truyền thống khi tiến hành chuyển đổi số. Ở đó, giáo viên sẽ sử dụng hệ thống công nghệ, dữ liệu để tiến hành việc dạy, chương trình học tập sát đối tượng và công nghệ cũng là một thầy giáo ảo. Người học được học tập với môi trường mở. Khi học tập trực tiếp, giáo viên và học sinh dành ưu tiên cho thảo luận, hợp tác, tư duy bậc cao. Học liệu học tập cũng chuyển sang dữ liệu số hơn là sách vở truyền thống như hiện nay.
Khi làm việc với các địa phương, tổ chức, tôi nhận thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và điều hành, trong thực hiện một số dịch vụ công đã trở nên phổ biến. Nhưng chuyên môn chính là “dạy và học” thì việc ứng dụng lại mang tính cá nhân, nhỏ lẻ ở quy mô mỗi giáo viên, mỗi bài giảng, chưa được đầu tư để có dữ liệu, giải pháp trên quy mô lớn hơn. Vì vậy, chắc chắn băn khoăn về sự khác biệt giữa ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số sẽ vẫn còn tồn tại trong thời gian tới.
Bà có nhận thấy những khó khăn trong chuyển đổi số ở trường phổ thông không?
Tôi vừa tiến hành các nghiên cứu vừa có trải nghiệm thực tế tại nhiều nhà trường phổ thông nên cảm nhận rất rõ những khó khăn có thể gây cản trở cho quá trình chuyển đổi số.
Chẳng hạn, ở phạm vi quản lý, thì tầm nhìn, nhận thức và kỹ năng của hầu hết cán bộ quản lý còn hạn chế. Muốn chuyển đổi số, cần chuyển đổi mô hình và quy trình làm việc. Trong khi đó, nhiều nhà quản lý khó có thể tiếp cận cải tiến mô hình vận hành của đơn vị mình, chưa nói đến phản biện và tư duy hệ thống.
Thói quen thường gặp của họ là: thấy phần mềm nào phù hợp hoặc được giới thiệu mà nằm trong phạm vi nhu cầu thì lập tức áp dụng. Ở một số trường hợp, họ còn không có sự trải nghiệm. Thực tế cho thấy, riêng trong triển khai phần mềm rất ít đơn vị thành công, đó là còn chưa nói đến chuyện tăng sức nặng công việc cho người lao động, không thể hiện được hiệu quả. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều giáo viên, nhiều người lao động sợ đổi mới, sợ ứng dụng chứ chưa nói là họ thiếu niềm tin vào chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đòi hỏi tính hệ thống, đòi hỏi có nhận thức hiệu quả để bắt buộc cải tổ quy trình, chất lượng công việc. Vì thế, một khó khăn dễ thấy là năng lực số của đội ngũ để có thể bắt kịp những yêu cầu đó. Giáo viên mới chỉ tiếp cận, trải nghiệm ở một vài công việc nào đó: như dạy học trực tuyến, sử dụng phần mềm chấm điểm tự động, thiết kế đề thi…
Hơn nữa, năng lực số đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ mà giáo viên đang thực hiện. Do đó, cần thiết phải bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo năng lực số.
Một khó khăn mang tính khách quan đối với ngành giáo dục đó là sự đầu tư. Hiện nay, mặc dù đã có yêu cầu về chuyển đổi số, nhưng các địa phương và cơ quan chủ quản hầu như chưa sẵn sàng đầu tư cho công cuộc này một cách hệ thống. Chúng ta còn thiếu các định mức kỹ thuật để triển khai.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, chuyển đổi số đã là xu hướng tất yếu và mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt, nếu làm thành công, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề căn cốt: thực hiện mục tiêu phát triển năng lực người học, học tập suốt đời… hoặc vấn đề nan giải như thiếu giáo viên và một số nguồn lực khác.
Xin cảm ơn bà!