Nghi thức dâng thức ăn cho nhà sư khất thực trong Lễ hội Mãn Chay (Nguồn: Pathet Lao) |
Theo tập tục người Lào, mùa chay kéo dài ba tháng từ tháng 8-11. Trong thời gian này, các nhà sư tập trung thiền định, nghiên cứu Phật pháp hoặc giảng dạy giáo lý trong các chùa. Trong thời gian vào chay, người Lào thường kiêng kị cất nhà, cưới hỏi, một số người tạm thời bỏ rượu, bỏ hút thuốc.
Lễ hội Mãn Chay chính là dịp đánh dấu kết thúc ba tháng vào chay tại các chùa Lào. Từ đây, mọi hoạt động của các nhà sư cũng như người dân Lào đều trở lại bình thường.
Đây là một dịp lễ quan trọng trong năm, thể hiện nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của đất nước Lào như truyền thống dâng thức ăn cho các nhà sư khất thực, đi chùa lễ Phật, lễ hội đua thuyền...
Dâng thức ăn cho nhà sư khất thực
Nghi thức dâng thức ăn cho nhà sư khất thực là nét văn hóa truyền thống được thể hiện trong đời sống xã hội của người dân Lào nói chung và trong Lễ hội Mãn Chay nói riêng.
Vào sáng ngày hội Mãn Chay, người dân thường dậy sớm, chuẩn bị đầy đủ thực phẩm và tập trung sẵn trong các chùa hoặc dọc các đoạn đường để chờ được dâng thức ăn cho các nhà sư. Các nhà sư mang theo các bát khất thực đi thành hàng theo thứ tự từ nhà sư trụ trì đến các chú tiểu. Lúc các sư đi qua, người dân quỳ gối, tay đặt thức ăn hoặc tiền vào bát và thành kính nhận phúc lành do các nhà sư ban cho.
Kongsee Thinavong – một bạn trẻ Lào cho biết, nghi thức dâng thức ăn cho nhà sư khất thực trong Lễ hội Mãn Chay có một ý nghĩa quan trọng.
Đây là nghi thức thể hiện niềm tin của người dân đối với Phật giáo cũng như sự kính trọng đối với các nhà sư.
Với việc dâng thức ăn, người dân cũng nhận được phúc lành từ các nhà sư, qua đó hy vọng may mắn, bình an, hạnh phúc sẽ đến với bản thân và gia đình.
Còn đối với tôi – một người Việt Nam, lần đầu tiên tham gia nghi thức dâng thức ăn cho nhà sư khất thực, cảm giác trong tâm hồn thật thanh thản, thoải mái và có thêm những nguồn năng lượng tích cực.
Tôi cảm nhận được sự thành kính, tôn trọng đặc biệt của người dân Lào đối với các nhà sư, với Phật giáo - tôn giáo phổ biến, có ảnh hưởng sâu sắc đối với văn hóa và gắn liền với dòng chảy lịch sử của Lào.
Một ngôi chùa được trang hoàng rực rỡ trong Lễ hội Mãn Chay tại Luang Prabang. (Nguồn: Tholakong) |
Đi chùa cúng Phật
Ở một đất nước Phật giáo, việc đi chùa cúng Phật là một hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng không thể thiếu, nhất là trong Lễ hội Mãn Chay.
Trước ngày kết thúc mùa chay, các ngôi chùa trên khắp mọi địa phương của Lào được nhà sư và người dân chung tay dọn dẹp sạch sẽ và trang hoàng rực rỡ để chuẩn bị tổ chức các nghi thức truyền thống.
Vào ngày chính lễ, người dân tập trung trong chùa nghe các nhà sư tụng kinh trong khoảng 30 phút. Sau đó, các sư thực hiện nghi thức vẩy nước thơm đã được chuẩn bị sẵn trong một chiếc xô bằng một cành lá phúc, cầu chúc những điều tốt lành, bình an cho mọi người.
Nhà sư trụ trì tuyên bố cho toàn dân được biết các sư đã thực hiện tốt nghĩa vụ và công việc của mình trong ba tháng mùa chay như thế nào. Các sư đã sám hối về những lỗi lầm mà mình mắc phải trong một năm qua. Từ thời điểm này, mùa chay chính thức kết thúc.
Theo Trần Quốc Toàn - sinh viên Việt Nam tại Lào, điều làm anh đặc biệt ấn tượng đối với Lễ hội Mãn Chay chính là các ngôi chùa được trang hoàng lộng lẫy, rực rỡ với những đèn hoa đăng và đèn nháy nhiều màu sắc. Anh đã có cơ hội trải nghiệm Lễ hội Mãn Chay tại thành phố Luang Prabang, cố đô của Lào với những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Wat Xiengthong.
Tại đây, khách tham quan như lạc vào một thế giới lung linh, rực rỡ sắc màu ánh sáng của những ngọn đèn hoa đăng được xếp bày theo hàng trên sân chùa và những dây đèn nháy nhiều màu sắc trang trí trên các mái chùa.
Trong không gian huyền ảo ấy, người dân hân hoan mặc những bộ quần áo truyền thống đẹp nhất, cùng nhau đi ngắm cảnh chùa và ghé thăm những gian hàng bày trong khuôn viên chùa.
Lễ hội đua thuyền truyền thống. (Nguồn: Lao phatthana news) |
Lễ hội đua thuyền và hội chợ truyền thống
Có một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu trong Lễ hội Mãn Chay. Đó chính là Lễ hội đua thuyền truyền thống (Boun Suang Heua) được tổ chức ở nhiều địa phương khắp nước Lào. Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là Lễ hội đua thuyền tại Luang Prabang và tại thủ đô Vientiane.
Lễ hội đua thuyền thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết, đồng lòng nhất trí, ý chí khát vọng chinh phục và chế ngự thiên nhiên của người dân Lào.
Đây là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách nước ngoài tham gia, tạo nên sự cuốn hút riêng cho Lễ hội Mãn Chay nói riêng và cho nền văn hóa đặc sắc của Lào nói chung.
Vào Lễ hội Mãn Chay, hầu hết các địa phương Lào đều tổ chức các hội chợ trưng bày mặt hàng truyền thống địa phương. Hội chợ chủ yếu thu hút đông người dân và khách du lịch tham quan vào các buổi tối.
Tại hội chợ, bạn sẽ được thấy những mặt hàng đặc sắc từ đôi tay khéo léo của người dân Lào. Đó là những sản phẩm mây tre đan khéo léo được tạo hình thành những chiếc túi xách, chiếc ví hợp thời trang, những sản phẩm đồ chạm khắc gỗ tinh xảo với họa tiết hình voi, con vật truyền thống biểu tượng của đất nước hoặc phù điêu thể hiện các nhân vật huyền thoại, những câu chuyện cổ tích Lào.
Bên cạnh đó, những gian hàng đồ dệt thổ cẩm, tơ lụa và những trang phục truyền thống cũng không kém phần hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và khách du lịch.
Hội chợ cũng trưng bày và bán nhiều sản phẩm đặc sắc khác như các loại thuốc dân gian, thực phẩm truyền thống, hàng lâm - thổ sản...
Vào buổi tối, hội chợ truyền thống Lễ hội Mãn Chay thêm lung linh, huyền ảo bởi ánh đèn rực rỡ từ các gian hàng, sự huyên náo, tấp nập của dòng khách tham quan mang lại ấn tượng đặc biệt cho những người lần đầu tiên trải nghiệm.
Không chỉ vậy, ở Lễ hội Mãn Chay còn diễn ra nhiều loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian đặc sắc khác, thể hiện nét đặc trưng của nền văn hóa lâu đời, phong phú và đặc sắc của nhân dân các bộ tộc Lào. Đây là một trong những lễ hội quan trọng trong năm được chính quyền và người dân Lào gìn giữ, bảo tồn và phát huy, đồng thời tạo nên sức hút của đất nước triệu voi đối với khách du lịch quốc tế.
Sau hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, Chính phủ Lào và chính quyền các địa phương đã lên kế hoạch tổ chức Lễ hội Mãn Chay chu đáo với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống và tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Dự kiến, Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 8-10/10.