📞

Vết thương tâm lý khó lành ở New Caledonia

TIẾN THÀNH 20:15 | 23/05/2024
Chủ nghĩa thực dân đã bị thủ tiêu từ lâu nhưng dấu ấn của nó thì không dễ có thể xóa hết đi được. Những gì đang diễn ra ở New Caledonia là câu chuyện mới nhất.
Cảnh sát Pháp tại hiện trường bạo loạn ở New Caledonia hồi giữa tháng 5. (Nguồn: AFP)

Nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, cách Australia khoảng 1.500 km về phía Đông, New Caledonia có dân số 270 nghìn người. Năm 1853, Pháp chiếm và biến đảo này thành thuộc địa, nơi giam giữ các tù nhân. Đến năm 1946, New Caledonia được trao quy chế vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Tuy nhiên, bao năm trôi qua, nền chính trị New Caledonia vẫn bị chi phối bởi cuộc tranh luận về việc liệu các hòn đảo nên là một phần của Pháp, tự trị hay độc lập. Mâu thuẫn vẫn ngấm ngầm bởi tuy chiếm đa số dân số (41%) nhưng người bản địa Kanak thường nghèo hơn và ít học hơn so với người gốc châu Âu (24%).

Bắt đầu từ những năm 1970, sau cơn bùng nổ niken thu hút người nước ngoài đến New Caledonia, căng thẳng gia tăng trên đảo giữa các phong trào độc lập của người Kanak với Paris.

Năm 1998, Hiệp định Noumea được ký kết, quy định chỉ những người đã cư trú ở New Caledonia trước năm 1998 và con cái mới có quyền đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh. Biện pháp này nhằm mục đích mang lại sự đại diện lớn hơn cho người bản địa Kanak và nó đã giúp chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, gần đây, Paris coi thỏa thuận này là phi dân chủ và các nhà lập pháp đã phê chuẩn sửa đổi các quy định nhằm trao quyền bầu cử cho hàng chục nghìn cư dân không phải là người bản địa nhưng đã sống ở New Caledonia ít nhất 10 năm.

Người Kanak phản đối vì lo ngại điều này sẽ làm loãng phiếu bầu của họ. Các cuộc bạo động được cho là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã bùng phát, làm rung chuyển New Caledonia, khiến ít nhất ba người thiệt mạng, sân bay quốc tế và các trường học phải đóng cửa, thủ đô Noumea bị áp lệnh giới nghiêm, nhịp sống bị đảo lộn.

Vết thương tâm lý thời thực dân thật khó lành.