Đây là số liệu được ông Nguyễn Hữu Cừ, đại diện Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an cho biết tại buổi Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và vai trò của báo chí”, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức JICA (Nhật Bản) tổ chức chiều 9/8, tại Hà Nội.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện các đơn vị: Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ, Cục điều tra Kinh tế - Bộ Công an, Lực lượng Quản lý thị trường, Đội Kiểm soát Chống buôn lậu hàng giả & bảo vệ quyền SHTT, Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và các cơ quan báo chí.
Vi phạm nhiều, xử lý khó khăn
Cũng tại Tọa đàm, đại diện lực lượng quản lý thị trường cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm nay (2016) đã phát hiện 925 vụ, xử phạt hơn 5,5 tỉ đồng do giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: LD/TGVN) |
Còn theo số liệu từ Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ, giai đoạn 2012 - 2015, Thanh tra Bộ đã xử lý 485 vụ việc, phạt 332 trường hợp, xử phạt trên 5 tỉ đồng liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. 6 tháng đầu năm 2016 đã xử lý trên 50 vụ việc theo đề nghị của chủ thể quyền và cảnh sát kinh tế.
Hiện nay, các mặt hàng vi phạm quyền SHTT lớn tập trung vào các ngành: thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, hàng hóa tiêu dùng, đồ điện gia dụng. Theo đại diện của lực lượng quản lý thị trường, các mặt hàng này dễ làm giả, dễ bán, chi phí thấp, sản lượng tiêu thụ cao... nên thường xuyên bị làm giả.
Đặc biệt, những vụ việc lớn về xâm phạm quyền SHTT thường có yếu tố nước ngoài. Các hoạt động vi phạm càng ngày càng tinh vi như: trưng bày hàng thật nhưng trà trộn hàng giả (cùng dập số lô, số date như hàng thật) và bán hàng giả là chủ yếu, rất khó kiểm soát. Chia tách các công đoạn sản xuất để tránh bị phát hiện, sản xuất số lượng nhỏ, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, không có hàng tồn kho. Nhập linh kiện, nguyên liệu, bao bì in sẵn từ nước ngoài sau đó lắp ráp, đóng gói và dán nhãn mang đi tiêu thụ. Kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT online ngày càng phổ biến, khó phát hiện, khó kiểm soát; Kinh doanh trà trộn với hàng thật, gian lận thương mại; Sản xuất, kinh doanh ngay cả trong nhà ở.
Hiện nay, các vụ việc xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính mà khó xử lý bằng biện pháp hình sự. Được biết, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới áp dụng biện pháp hành chính trong xử phạt vi phạm quyền SHTT.
Biện pháp hành chính được đánh giá là nhanh và hiệu quả nhất nhưng lại giới hạn mức xử cao nhất chỉ có 500 triệu đồng trong khi nhiều hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể thu được lợi nhuận cao hơn rất nhiều.
Việc xử lý hình sự các vụ vi phạm còn gặp các khó khăn như: đa số chủ thể quyền (cá nhân/tổ chức sở hữu quyền SHTT) chưa tự ý thưc, tự giác để bảo vệ quyền sở hữu và tài sản của mình. Trong khi công an chỉ khởi tố hình sự khi có yêu cầu của chủ sở quyền. Một số vấn đề về bộ luật hình sự còn có tính chất chung chung dẫn đến khó xử lý. Ví dụ có các khái niệm mang tính định tính chứ không định lượng như: Thế nào là tội phạm rất lớn, nguy hiểm, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Hay “buôn bán có quy mô thương mại” thì cũng không có hướng dẫn cụ thể thế nào là “quy mô thương mại”....
Nâng cao năng lực thực thi
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nishiyama Tomohiro, Cố vấn Trưởng dự án JICA tại Việt Nam cho rằng, dù có quản lý chặt chẽ nhưng trên thực tế cũng khó xóa bỏ hàng giả hàng nhái. Điều quan trọng nhất vẫn là người dân phải nhận thức hơn để không tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, góp phần vào việc xóa bỏ hàng giả, hàng nhái. Việc tăng cường quản lý về mặt hành chính cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc không tiêu thụ hàng giả giống như hai bánh xe giúp loại bỏ thành công hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Ông Lê Ngọc Lâm, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu kết luận Tọa đàm. (Ảnh: LD/TGVN) |
Dự án “Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam, được triển khai từ tháng 6/2012 và kết thúc vào tháng 3/2017. Dự án sẽ giúp tăng cường năng lực của Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan có liên quan của Việt Nam trong việc tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Dự án sẽ tập trung vào ba mục tiêu: Tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền trong chống hàng giả, hàng nhái; tăng cường nhận thức của người dân về quyền sở hữu trí tuệ.
Nói về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền quyền sở hữu trí tuệ tới công chúng, ông Lê Ngọc Lâm, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, đây là tọa đàm thường niên và được các cơ quan báo chí quan tâm. Các đơn vị thực hiện dự án mong muốn cơ quan báo chí truyền thông truyền tải tới công chúng, nâng cao nhận thức của công chúng về quyền sở hữu trí tuệ, biết cách bảo vệ mình, hiểu về quyền của mình. Báo chí truyền thông là đơn vị đưa thông tin nhanh nhất và hiệu quả nhất, thông qua những buổi như thế này để cơ quan báo chí có những thông tin chính xác nhất cho công chúng, định hướng cho các nhà sản xuất hiểu rõ.
Kết thúc buổi tọa đàm, ông Lâm cho rằng, báo chí có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến, giúp người dân có ý thức hơn trong việc không sử dụng hàng giả, hàng nhái. Bởi đây không chỉ là lợi ích về kinh tế cho đất nước, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.