Theo BS. Phúc, tỷ lệ trẻ em chuyển biến nặng khi mắc Covid-19 thấp hơn người lớn. (Nguồn: Dân trí) |
Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em như thế nào?
Theo BS. Phạm Văn Phúc, các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, trẻ em ít có nguy cơ diễn tiến nặng vì mắc Covid-19 hơn so với người lớn.
"Khi trẻ em mắc Covid-19, các triệu chứng điển hình cũng tương tự như người trưởng thành: sốt, ho, đau họng… Tuy nhiên, đa phần các triệu chứng này sẽ xuất hiện nhẹ nhàng hơn", BS. Phạm Văn Phúc cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, việc trẻ em ít diễn tiến nặng, bị biến chứng không có nghĩa là Covid-19 không nguy hiểm với nhóm đối tượng này, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi.
BS. Phúc lấy dẫn chứng: "Điển hình trong làn sóng dịch mới do biến thể Delta gây ra, tại các 'điểm nóng' về dịch trên thế giới đều ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các bệnh nhi tiến triển nặng như viêm phổi hay suy hô hấp. Ngay trong đợt dịch mới ở nước ta, điển hình là ở TP. Hồ Chí Minh, cũng đã ghi nhận các trường hợp trẻ em trở nặng và tử vong vì Covid-19 nhiều hơn hẳn so với các đợt dịch trước".
Theo chuyên gia này, hầu hết các bệnh nhi diễn tiến nặng đều thuộc nhóm có bệnh nền như bệnh lý về miễn dịch, tim phổi bẩm sinh, trẻ em được ghép tạng. Bên cạnh đó, những trẻ dưới một tuổi, với hệ miễn dịch phát triển chưa đầy đủ cũng dễ bị tổn thương trước căn bệnh này.
Vì sao phải thận trọng trong việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em?
Ở thời điểm hiện tại, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối tượng tiêm vaccine ở Việt Nam phải từ 18 tuổi trở lên.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới chỉ cấp phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. (Nguồn: Shutterstock) |
Theo BS. Phúc, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, hiện vẫn khá hạn chế trên thế giới. Một nguyên nhân lớn là bởi hiện vẫn đang thiếu các nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 với trẻ em.
"Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nên việc sử dụng vaccine cho trẻ nhỏ cần thận trọng và có những thử nghiệm đủ độ an toàn mới được cấp phép sử dụng", BS. Phúc nhấn mạnh.
Trên thực tế, theo BS. Phúc, hiện Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới chỉ cấp phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trẻ em (từ 12 tuổi trở lên) tiêm vaccine Pfizer cùng liều lượng như người trưởng thành. Một số phản ứng phụ có thể ghi nhận ở trẻ tiêm vaccine Pfizer có thể bao gồm: đau, mẩn đỏ, sưng tấy tại vùng tiêm; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn… Những tác dụng phụ này sẽ biến mất sau vài ngày.
Công ty Pfizer-BioNTech ngày 20/9 công bố dữ liệu thử nghiệm cho thấy, vaccine Covid-19 của họ an toàn và hiệu quả cho trẻ em từ 5-11 tuổi, với liều tiêm bằng 1/3 liều của người từ 12 tuổi trở lên.
Dữ liệu nghiên cứu trên 2.268 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 5-11 cho thấy, các em có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với vaccine, tương tự thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Các vaccine khác vẫn chưa có thử nghiệm diện rộng với trẻ nhỏ, nếu tự ý tiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ.
Trẻ em không thể nằm ngoài chiến dịch bao phủ vaccine Covid-19
Theo BS. Phúc, với việc trẻ em chiếm tỷ trọng đáng kể trong dân số Việt Nam, cùng với đó để có thể an tâm mở cửa lại các trường học, cũng như đi đến mục tiêu "bình thường mới", trẻ em là nhóm đối tượng không thể nằm ngoài chiến dịch bao phủ vaccine Covid-19.
Để có thể an tâm mở cửa lại các trường học, trẻ em cần được sớm "bảo vệ" bằng vaccine Covid-19. (Nguồn: Dân trí) |
"Nguy cơ lây nhiễm tại trường học là rất lớn khi trẻ thường xuyên có sự tiếp xúc, trò chuyện với nhau. Việc có đến hơn 500 F1 là các học sinh khi xuất hiện các chùm ca bệnh ở trường học, trong lần bùng dịch mới đây tại Phủ Lý, Hà Nam là một ví dụ điển hình. Do đó, trẻ em cần được sớm bảo vệ bằng vaccine", BS. Phúc nhận định.
Ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam. Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã thỏa thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho trẻ em 12-18 tuổi. Trong năm 2022, Bộ Y tế dự kiến mua vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.
"Hiện tại, nguồn vaccine đang khan hiếm. Do đó, Việt Nam đang chủ trương ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao nếu mắc Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh nền và các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao như lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Trong tương lai khi có đủ lượng vaccine, Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn để tiêm chủng cho trẻ em. Do đó, các vị phụ huynh không nên quá lo lắng. Trong thời gian chờ đợi đến khi được tiêm vaccine điều quan trọng nhất là phải đảm bảo cho trẻ em thực hành tốt các nguyên tắc phòng chống dịch", BS. Phúc nhấn mạnh.
| Covid-19 ở Hàn Quốc: Lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày, tiêm vaccine cho trẻ em 2 tuổi trở lên Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 25/9 xác nhận số trường hợp nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục ... |
| Có phải người tiêm một mũi vaccine sau khi mắc Covid-19 sẽ có sức đề kháng mạnh hơn? Người từng nhiễm Covid-19 sau đó tiêm vaccine có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 hiệu quả hơn việc tiêm 2 mũi vaccine. |