Năm 2008, sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Liệu cuộc xung đột của Nga ở Ukraine, với các lệnh trừng phạt kinh tế có quy mô chưa từng thấy mà phương Tây áp đặt cho Nga có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng Lehman Brothers mới hay không?
Nhật báo Le Monde số ra gần đây dẫn phân tích của các chuyên gia trong ngành cho rằng, hậu quả của cuộc xung đột tranh Nga-Ukraine là có, nhưng khó có thể lặp lại một cuộc khủng hoảng Lehman Brothers mới.
Vì sao căng thẳng Nga-Ukraine khó có đủ 'sức công phá' như Lehman Brothers?. (Nguồn: Reuters) |
Nguy cơ khủng hoảng tài chính?
Các biện pháp trừng phạt được phương Tây áp dụng với mức độ và tốc độ chưa từng có đối với Moscow nhằm vào Ngân hàng trung ương Nga và một số ngân hàng lớn của nước này, thông qua việc ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, đã làm tê liệt một phần hệ thống ngân hàng và tài chính của nước này.
Đồng Ruble giảm giá và kinh tế Nga rơi vào tình trạng lạm phát cao. Hệ quả là Nga đã phải quyết định đóng cửa Sở giao dịch chứng khoán Moscow vào ngày 28/2 để giữ nguồn ngoại tệ.
Mặc dù vậy, Nicolas Véron, nhà kinh tế học tại Tổ chức tư vấn châu Âu Bruegel và Viện Peterson ở Washington, không nhận thấy bất kỳ "sự bất ổn nào của hệ thống tài chính quốc tế".
Theo ông, việc tách Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây đã diễn ra. Các ngân hàng phương Tây rời khỏi Nga và việc di chuyển các ngân hàng Nga ra khỏi Tây Âu đang được tiến hành.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), được coi là "Ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương" đã đình chỉ tư cách thành viên của Ngân hàng trung ương Nga. Tuy nhiên, sự phân tách này đã được thực hiện một cách êm thấm mà không gây ra bất kỳ rủi ro hệ thống nào", ông Nicolas Véron nhận xét.
Bên cạnh đó, ngành tài chính cũng đang xử lý cuộc khủng hoảng này khá tốt. Các quy định quốc tế được gọi là "Basel III", được thông qua sau cuộc khủng hoảng năm 2008, đã yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng hệ thống an toàn vốn để chống lại các cú sốc và rủi ro thanh khoản thị trường.
David Benamou, đối tác đầu tư tại Axiom, giải thích: "So với thời kỳ của Lehman Brothers, hiện nay có rất nhiều hình thức thanh khoản trên thị trường. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương đã từng trải qua những tình huống khủng hoảng nghiêm trọng nên đã có kinh nghiệm đối phó và có các công cụ để ổn định rủi ro tài chính".
Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ không thể an toàn khi một quỹ nào đó bị phá sản. Do đó, với giá hàng hóa tăng và đồng Ruble giảm, bảo hiểm rủi ro sẽ lại là một rủi ro tài chính. Vì vậy có thể xảy ra những sự cố, nhưng không thể so sánh với cuộc khủng hoảng năm 2008".
Ông Stéphane Boujnah, người đứng đầu Euronext - công ty quản lý Sở giao dịch chứng khoán Paris, cũng chia sẻ nhận định này và cho biết: "Chưa có biểu hiện gì cho thấy thị trường tài chính đang bị khủng hoảng, càng không có khả năng lây lan diện rộng".
Thị trường do vậy đang tương đối yên ổn. Bằng chứng là chỉ số chứng khoán CAC 40 của Pháp hiện đang ở mức 6.500 điểm mặc dù cuộc xung đột nổ ra ở châu Âu, con số này cao hơn 500 điểm so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 hồi tháng 1/2020.
Ông cho rằng "thị trường chứng khoán đang phản ứng rất tốt bởi Nga có GDP nhỏ - ở mức nằm giữa của Tây Ban Nha và Italy. Một số công ty có thể dễ bị ảnh hưởng, nhưng nhiều công ty khác sẽ được hưởng lợi từ tình huống này. Do đó khủng hoảng hiện tại không mang tính hệ thống”.
Hậu quả lâu dài
Theo các chuyên gia tài chính, mặc dù mức độ khủng hoảng không trầm trọng như Lehman Brothers, nhưng hệ quả của các lệnh cấm vận và phong tỏa tài chính đối với Nga vẫn có những tác động tiêu cực và để lại hậu quả lâu dài.
Hai ngày sau khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, vào ngày 26/2, phương Tây quyết định đóng băng các nguồn dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga được giữ ở nước ngoài - khoảng 300 tỷ USD (270 tỷ Euro) - cùng với các tổ chức tài chính tiền tệ khác, để ngăn chặn Nga bảo vệ đồng Ruble.
Điều này khiến Nga khó thực hiện thanh toán nợ bằng ngoại tệ đúng thời hạn, trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Tư và thậm chí bị đe dọa vỡ nợ. Ngoài ra, việc đóng băng dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga đồng nghĩa với sự an toàn của dự trữ của một quốc gia ở nước ngoài không được đảm bảo và điều này có thể gây ra những hậu quả lâu dài.
Kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình, bằng cách tăng tỷ trọng nắm giữ đồng NDT và Euro, để thoát khỏi ảnh hưởng của đồng USD.
Một số quốc gia mới nổi cũng được khuyến khích lần lượt đa dạng hóa nguồn dự trữ của họ. Cũng như Trung Quốc, kể từ năm 2005 họ đã dần dần quốc tế hóa đồng NDT để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời "loại bỏ tình trạng bị USD hóa".
"Cú sốc" đối với các quốc gia mới nổi
Không chỉ Nga mà các nước mới nổi cũng đang phải đối mặt với cú sốc của cuộc xung đột ở Ukraine sau khi nền kinh tế bị suy yếu sau cuộc khủng hoảng liên quan đến Covid-19.
Viện Tài chính quốc tế, nơi tập hợp các chuyên gia tài chính toàn cầu, nhận xét: "Nợ công đã đạt mức cao kỷ lục, nhu cầu vay của chính phủ cao hơn nhiều so với trước đại dịch và các quốc gia này không còn hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế như trước khi cuộc xung đột xảy ra”.
Các nền kinh tế Đông Âu có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự suy thoái kinh tế ở Nga và Ukraine. (Nguồn: ACCA Global) |
Trong hai tháng đầu năm, các đợt phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng Euro vào khoảng 20 tỷ Euro - mức thấp nhất kể từ năm 2016. Mặc dù không có quốc gia mới nổi nào là nạn nhân của tình trạng dòng vốn tháo chạy, nhưng tình hình thị trường tài chính của họ vẫn rất mong manh.
Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cảnh báo: "Chi phí sinh hoạt tăng cao có thể gây ra bất ổn chính trị và xã hội ở một số quốc gia mới nổi và khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.
Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất là những quốc gia có nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi suy thoái ở Nga và Ukraine, cụ thể là các quốc gia ở Đông Âu, cũng như các quốc gia nhập khẩu dầu và thực phẩm ở Bắc Phi và Trung Đông, nơi có giá cả tăng vọt trong những tuần gần đây làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai của họ".
Viện Tài chính quốc tế cũng bày tỏ "sự lo ngại" về rủi ro gia tăng có thể sẽ đè nặng lên các quốc gia mới nổi trong một thời gian và làm tăng chi phí đi vay của họ.