📞

Vì sao hộp đen máy bay Ethiopia được đưa tới Pháp để giải mã?

16:51 | 16/03/2019
Thay vì đưa tới Mỹ hay Đức, hai hộp đen được tìm thấy tại hiện trường vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airlines sẽ được “giải mã” tại Pháp nhằm xác định nguyên nhân của vụ việc.

Ngày 14/3, với nỗ lực nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới thảm kịch rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu chuyến bay 302, hãng hàng không Ethiopian Airlines đã chuyển hộp đen chứa dữ liệu chuyến bay tới Paris, Pháp để phân tích. Chuyến bay từ Addis Ababa tới Nairobi đã rơi không lâu sau khi cất cánh hôm 10/3 khiến toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Hộp đen máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airines được đưa tới trụ sở của BEA tại Pháp. (Ảnh: Reuters)

Hai hộp đen của máy bay Boeing 737 MAX 8 đã được tìm thấy vào ngày 11/3. Hai hộp đen này sẽ ghi lại các âm thanh và tiếng động trong buồng lái của phi công cũng như các dữ liệu về chuyến bay như độ cao và tốc độ, từ đó giúp các nhà điều tra xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Sau khi tới Paris, hai thiết bị quan trọng này sẽ được Cục Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân dụng Pháp (BEA) phân tích và kiểm tra.

Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - cơ quan thiết lập tiêu chuẩn cho các cuộc điều tra về tai nạn máy bay, quốc gia nơi xảy ra vụ rơi máy bay sẽ có trách nhiệm tiến hành cuộc điều tra về nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên theo hãng tin Al Jazeera, Ethiopia không có các công cụ để phân tích hộp đen.

Chính phủ Ethiopia đã nhờ Đức phân tích hai hộp đen tìm được, song theo CBS, Đức cũng thiếu phần mềm cần thiết để giúp Ethiopia thực hiện việc công đoạn phân tích này. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định “xung đột lợi ích” có thể là lý do khiến hộp đen không được chuyển tới Mỹ vì Boeing, nhà sản xuất dòng máy bay 737 MAX 8, có trụ sở tại Mỹ.

Hộp đen được thiết kế để chống chọi với nhiệt độ cao, va đập mạnh và áp lực lớn. Tuy nhiên, hộp đen của máy bay Boeing mang số hiệu 302 rơi tại Ethiopia đã bị hư hại nặng nề.

Việc trích xuất dữ liệu từ hộp đen là một quá trình phức tạp và xử lý dữ liệu cũng cần phải có phần mềm giải mã chuyên dụng. Các chuyên gia sau đó phải xử lý các thông tin mà họ nhận được và phân tích chúng, từ đó tìm cách chắp nối và đưa ra giả thuyết về nguyên nhân kỹ thuật (nếu có) dẫn tới vụ tai nạn.

Eric Feron, giáo sư về kỹ thuật phần mềm hàng không vũ trụ, cho biết mức độ thiệt hại của máy bay Ethiopian Airlines đồng nghĩa với việc các nhà điều tra cần đọc trực tiếp bộ nhớ của hộp đen. Giáo sư Feron nói rằng Cục Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân dụng Pháp (BEA) là một trong những cơ quan có khả năng trích xuất dữ liệu từ các thiết bị bị hư hại.

Theo AP, BEA có “nhiều kinh nghiệm” trong các cuộc điều tra về nguyên nhân  máy bay rơi. Ngoài ra, Mỹ cũng đang cử các điều tra viên tới hỗ trợ Pháp trong vụ việc lần này.

Theo giáo sư Feron, hộp đen là một thị trường hẹp và hầu hết các nhà sản xuất hộp đen máy bay thương mại lớn đều có trụ sở tại Mỹ hoặc Pháp. Để được cấp chứng nhận cho sản phẩm của họ, các nhà sản xuất hộp đen phải đưa ra bằng chứng đảm bảo rằng “hộp đen đó có thể được các bên thứ ba đáng tin cậy phân tích, bao gồm các nhóm điều tra tai nạn máy bay”.

“Giống như phẫu thuật não, một hiện tượng ít gặp và rất khó thực hiện. Hãy tưởng tượng các nhóm (giải mã hộp đen) phải làm những công việc tương tự như khôi phục nội dung trong ổ cứng sau một vụ hỏng máy tính, tuy nhiên không được phép xóa các dữ liệu”, giáo sư Feron phân tích.

Cũng theo giáo sư Feron, các quốc gia hoàn toàn có thể tiếp cận phần mềm giải mã hộp đen nếu họ yêu cầu. Tuy nhiên, ông Feron tin rằng cuộc điều tra về vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines đặc biệt quan trọng, do vậy hộp đen nên được gửi tới một nơi có phần mềm chuẩn xác và Pháp đáp ứng được yêu cầu này.

Các cuộc điều tra về tai nạn máy bay thường mất vài năm để hoàn thành vì kết quả của cuộc điều tra này rất quan trọng đối với gia đình các nạn nhân, các nhà sản xuất máy bay, các hãng hàng không và các nhà chức trách. Báo Deutsche Welle đưa tin BEA bắt đầu quá trình phân tích hộp đen từ hôm qua 15/3 và các kết luận sơ bộ sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

Hộp đen thực chất có màu cam, có giá từ 10.000 - 15.000 USD, gồm 3 lớp vật liệu và được cho là gần như không bị phá hủy. Lớp vỏ chịu lực làm bằng thép gia cố hoặc titanium giúp chịu được tác động cực mạnh, không thấm nước, có khả năng chịu nhiệt, cách điện và không bị ăn mòn bởi hóa chất. Ngoài ra, hộp đen còn có lớp cách nhiệt, giúp bảo vệ bộ nhớ đề phòng trường hợp xảy ra cháy hoặc nổ máy bay, và lớp vỏ bọc bảo vệ các bộ nhớ trong cùng.

Hộp đen có khả năng chịu được lực tác động gấp 3.400 lần so với trọng lượng của chúng. Hộp đen cũng đủ khả năng "sống sót" ở nhiệt độ lên tới hơn 1.000 độ C trong một giờ đồng hồ. Nếu bị rơi xuống biển, hộp đen có thể phát tín hiệu mỗi giây một lần khi ngâm trong nước biển ở độ sâu 6.000m trong 30 ngày.

(theo Dân Trí)