📞

Vì sao Indonesia mạo hiểm thử nghiệm vaccine Covid-19 của Trung Quốc?

Hạnh Chi 08:00 | 24/09/2020
TGVN. Từ thực tế là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai ở châu Á, Indonesia buộc phải mạo hiểm và tin vào vaccine Covid-19 của Trung Quốc.

Vào một ngày nắng nóng giữa tháng 8, tại thành phố Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java, Indonesia, hàng chục tình nguyện viên đứng xếp hàng tại một phòng khám cộng đồng bên trong một thung lũng nhỏ, tham gia vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của một loại vaccine Covid-19.

Một tình nguyện viên Indonesia đang xét nghiệm máu để thử nghiệm vaccine Covid-19 của Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Đó chính là vaccine CoronaVac do công ty Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc phát triển, và hiện đã được thử nghiệm trên 1.600 tình nguyện viên ở Indonesia. Đặc biệt hơn, đây cũng là 1 trong 8 loại vaccine trên thế giới hiện đang thử nghiệm Giai đoạn 3, trong đó có 4 loại là của Trung Quốc.

Niềm hy vọng duy nhất

Nhà sinh vật học 27 tuổi Abinubli Tariswafi Mawarid, một trong những tình nguyện viên chia sẻ “Tôi chỉ muốn giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Tôi tin rằng vaccine là viên đạn thần kỳ để đẩy lùi đại dịch. Đây là giải pháp có tính khả thi nhất hiện giờ”.

Ít quốc gia nào lại chấp nhận trở thành địa bàn thử nghiệm vaccine Covid-19 một cách nhiệt thành như Indonesia, nhưng dường như họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Kể từ tháng 8, Indonesia liên tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao ngất ngưởng và hiện đang là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á. Trước tình hình đó, vô số tình nguyện viên xung phong để làm người thí nghiệm cho vaccine mới này, với hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc tại đất nước vạn đảo.

Mới đây, Chính phủ Indonesia dự báo đại dịch sẽ đẩy thêm 4,9 triệu người vào cảnh nghèo đói, tiếp tục đè thêm áp lực cho quốc gia với dân số 270 triệu người, đồng thời đưa ra những kỳ vọng rất lớn về sự phát triển nhanh chóng của các vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Ngoài ra, công ty dược phẩm PT Bio Farma của Indonesia cũng đang nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng để vaccine Covid-19 nhanh chóng được phê duyệt. Nếu thành công, họ sẽ sản xuất từ 10 triệu đến 20 triệu liều để phục vụ người dân.

Iin Susanti, Giám đốc kế hoạch và chiến lược kinh doanh của Bio Farma cho biết, vaccine Covid-19 của công ty này sẽ chỉ được phân bố rộng rãi sau khi các nhà chức trách Indonesia phê duyệt khẩn cấp.

Trước đó, Tổng thống Joko Widodo thông báo, Chính phủ lên kế hoạch cấp phép cho CoronaVac, dự kiến vào tháng 1/2021. Đợt vaccine đầu tiên sẽ được giao tận tay các nhân viên y tế.

Rủi ro từ những liều vaccine

Dù người dân tại quốc gia vạn đảo rất kỳ vọng vào “liều thuốc thần kỳ” này, nhưng vẫn chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng liệu các liều vaccine đầy tiềm năng kia sẽ thành công trong việc đẩy lùi đại dịch.

Các chuyên gia y tế đã từng cảnh báo về những rủi ro nếu tốc độ thử nghiệm và những biến chứng sau đó không được kiểm soát một cách thận trọng. Một ví dụ có thể thấy rõ là vào ngày 8/9, hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thuỵ Điển AstraZeneca đã quyết định dừng thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine AZD 1222, mặc dù trước đó đây được coi là một trong những “ứng viên” nổi bật nhất thế giới.

Nguyên nhân là do một tình nguyện viên sau khi tham gia thử nghiệm đã mắc một chứng bệnh không xác định. AstraZeneca sau đó đã phải tạm dừng các thử nghiệm vaccine Covid-19 và thành lập ủy ban độc lập tiến hành kiểm tra, đảm bảo an toàn cho cả quy trình.

Rõ ràng, sự chậm trễ trên toàn cầu trong việc tìm kiếm một loại vaccine hiệu quả có thể gây ra nhiều rủi ro khôn lường cho các quốc gia đặt cược tất cả vào nó. Đơn cử như Indonesia, quốc gia có lực lượng lao động không chính thức lớn nhất tại khu vực, có nguy cơ đứng bên bờ vực của nạn nghèo đói trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Đại dịch Covid-19 đang gây những áp lực nặng nề tới Tổng thống Joko Widodo. (Nguồn: AFP)

Nền kinh tế Indonesia trong quý II/2020 đã giảm 5,32% so với quý II/2019, mức giảm được coi là kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990. Nếu tình hình không có tiến triển khả quan hơn, Jakarta có nguy cơ đối mặt với viễn cảnh bệnh viện quá tải, không đủ giường bệnh để đáp ứng các ca bệnh đang tăng lên nhanh chóng.

Vaccine CoronaVac hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3, tức thử nghiệm trên người với quy mô lớn, cũng là bước cuối cùng để chính thức đi vào sử dụng rộng rãi. Hiện tại, vaccine này đã được thử nghiệm trên 9.000 người lao động khỏe mạnh tại Brazil và một số nơi khác trên thế giới.

Vào ngày 1/9, trả lời một nhóm các nhà báo nước ngoài, Tổng thống Joko Widodo khẳng định vaccine chính là chìa khoá để giải quyết đại dịch này. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận về những điều không chắc chắn và chưa rõ tác dụng bảo vệ của loại vaccine mới này có thể kéo dài đến bao lâu.

Chính quyền của Tổng thống Widodo cũng đang chỉ đạo các viện nghiên cứu và trường đại học trong nước phát triển vaccine riêng của nước này cho tới năm 2021. Công ty dược lớn nhất Indonesia, PT Kalbe Farma, đã hợp tác với tập đoàn công nghệ sinh học Genexine của Hàn Quốc và dự kiến tháng 11 tới sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II để kiểm tra tính hiệu quả của vaccine cũng như những rủi ro.

Việc ra mắt vaccine đúng thời gian dự kiến mà vẫn đảm bảo được chất lượng thực sự là một thử thách. Thực tế, việc các công ty trên thế giới đang chạy đua với những nghiên cứu lâm sàng nhằm cho ra vaccine phòng Covid-19 là chưa từng có tiền lệ. Hơn nữa, việc phát triển một vaccine thường sẽ mất tới một thập kỉ. Do đó, các nhà nghiên cứu đang rất quan ngại về những rủi ro tiềm tàng của những vaccine này.

Nga là quốc gia đi đầu trong cuộc chạy đua vaccine Covid-19 đã ra mắt Sputnik-V trước cả khi giai đoạn thử nghiệm trên người được hoàn tất. Điều này làm dấy lên quan ngại về vấn đề an toàn. Về phần mình, Sinovac đã xác nhận không có biểu hiện xấu nào xuất hiện trong giai đoạn 1 và 2 của thử nghiệm. Bio Farma cũng sẽ thận trọng và không vội vàng trong việc cho ra mắt loại vaccine của họ.

William Haseltine, một nhà nghiên cứu AIDS, đồng thời là Chủ tịch tập đoàn Access Health International cho rằng việc đảm bảo một loại vaccine thật sự an toàn là cực kỳ quan trọng, bởi chỉ cần một biểu hiện xấu trong hàng ngàn người thử nghiệm cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, Indonesia là một trong những quần đảo lớn nhất thế giới với 6.000 hòn đảo nằm rải rác trong phạm vi rất rộng, khiến việc vận chuyển vaccine an toàn tới mỗi địa phương không hề dễ. Ngoài ra, vaccine cũng phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C.

Do đó, theo ông Takeshi Kasai, Giám đốc văn phòng Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngay cả khi vaccine đã được kiểm nghiệm kỹ lưỡng về sự an toàn và hiệu quả thì việc mạo hiểm thử nghiệm không phải là một hành động sáng suốt. Thêm vào đó, cơ sở vật chất để sản xuất vaccine cũng sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của toàn thế giới.

"Điều quan trọng và cần làm nhất bây giờ là chúng ta tiếp tục làm tốt biện pháp phòng dịch hiện nay như đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội", đại diện WHO nhấn mạnh.

(theo Bloomberg)